Trong bài viết nhan đề “Nhật Bản ngày càng lo lắng về Biển Đông” đăng trong nội san tháng Tư của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, ông Ian Storey, chuyên gia cao cấp của ISEAS, viết rằng Nhật Bản, dù không phải là đương sự trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng là một nước có lượng hàng lớn vận chuyển qua khu vực nên quốc gia này là một đối tác quan trọng trong tranh chấp ở Biển Đông.
Theo Ian Storey, Nhật Bản có hai mối quan ngại lớn liên quan tới Biển Đông: một là, sự bất ổn ở Biển Đông có khả năng làm gián đoạn dòng chảy tự do của hàng hóa, mà sự thịnh vượng về kinh tế của nước này lại phụ thuộc vào lĩnh vực vận tải biển; và hai là, nếu Trung Quốc có thể thuyết phục hoặc ép buộc được các quốc gia châu Á khác chấp nhận tuyên bố về "quyền lịch sử" ở Biển Đông thì các chuẩn mực pháp lý quốc tế hiện hành sẽ bị suy yếu kể cả các nguyên tắc về tự do hàng hải và bất ổn ngày càng gia tăng ở Biển Đông có thể phá vỡ dòng vận chuyển hàng hóa đến Nhật Bản.
Nhật Bản thừa nhận rằng hiện tượng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và tình hình chính trị trong nước nói chung là ổn định của Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh tự tin vào vị thế của mình trên thế giới và sự tự tin này được hỗ trợ bởi sự lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc như một cường quốc quân sự vượt trội của châu Á.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã từng ghi nhận là có "mối lo ngại về mức độ ảnh hưởng của sức mạnh quân sự của Trung Quốc đối với các vấn đề ở khu vực cũng như đối với an ninh của Nhật Bản" và "sự hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc là một vấn đề mà Nhật Bản phải theo dõi thật cẩn thận".
Các nhà phân tích an ninh của Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về tình hình ngày càng tồi tệ tại vùng Biển Đông do tần số ngày càng tăng các sự cố tại quần đảo Trường Sa với sự tham gia của nhiều tàu chiến, tàu tuần tra, tàu đánh bắt cá và các tàu khảo sát, điều này làm tăng nguy cơ một cuộc đụng độ bất ngờ có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao và quân sự lớn.
Ian Storey viết rằng để giảm bớt quan ngại về Biển Đông, Nhật Bản đang cố gắng tiến hành theo bốn cách: đưa tranh chấp hàng hải lên các diễn đàn quốc tế; khuyến khích sự thống nhất trong ASEAN; giải quyết vấn đề trên cơ sở song phương với các nước Đông Nam Á; và tăng cường mối quan hệ và sự phối hợp chính sách với Mỹ và các nước khác.
Trung Quốc phản đối “quốc tế hóa” Biển Đông với lập luận rằng tranh chấp thực sự là vấn đề song phương nên chỉ có thể được giải quyết giữa Bắc Kinh và từng nước tuyên bố chủ quyền trên nguyên tắc một-đối-một. Theo đó, Bắc Kinh đã cố gắng để hạn chế các cuộc thảo luận về vấn đề này tại các diễn đàn an ninh khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Bắc Kinh cũng từ chối đưa tranh chấp lên trọng tài quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS).
Quan điểm thứ hai có lợi cho Nhật Bản vì như vậy Bắc Kinh sẽ không thể đưa vụ tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư lên Tòa án Công lý Quốc tế vì làm như vậy sẽ tạo tiền lệ cho các tranh chấp khác, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Khi tình hình căng thẳng ở Biển Đông tăng lên, 10 quốc gia thành viên ASEAN có lợi ích khác nhau và quan điểm khác nhau trên Biển Đông. Sự không đồng thuận của các nước thành viên ASEAN về tranh chấp ở Biển Đông đã dẫn tới việc vào tháng 7/2012, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, các bộ trưởng ngoại giao của hiệp hội này không ra được tuyên bố chung. Việc ASEAN không thống nhất quan điểm đối với vấn đề Biển Đông làm Nhật Bản lo lắng vì hai lý do: một là, sự mất đoàn kết cản trở nỗ lực giải quyết tốt hơn tranh chấp, làm cho tình hình căng thẳng gia tăng; hai là, Trung Quốc lợi dụng sự mất đoàn kết đó chia rẽ các nước đương sự trong vụ tranh chấp vì điều đó sẽ mang lại lợi ích quốc gia cho Trung Quốc. Đó là lý do mà Nhật Bản thấy cần phải thúc đẩy đoàn kết trong ASEAN.
Nhật Bản đã bổ sung nguyên tắc song phương vào phương pháp tiếp cận đa phương của mình với việc các bộ trưởng của Nhật Bản thường xuyên thảo luận về tranh chấp Biển Đông với các đối tác Đông Nam Á. Nhật Bản cũng đặc biệt chú ý đến Philippines, nước mà Nhật Bản coi là đối tác có thiện ý. Trong tranh chấp đảo Hoàng Nham (Philippines gọi là Scarborough), Philippines buộc phải lùi bước và Trung Quốc về cơ bản nắm quyền kiểm soát đảo này. Nhật Bản lo ngại rằng Trung Quốc cũng theo đuổi một chiến lược tương tự ở Biển Hoa Đông, tức là sử dụng tàu của cơ quan thực thi pháp luật hàng hải để đạt được kiểm soát trên thực tế tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ngoại trưởng Nhật Bản và Philippines đã tuyên bố tại một cuộc họp báo chung rằng hai nước có mối quan ngại chung về quan điểm của Trung Quốc liên quan tới các tranh chấp lãnh hải, và rằng “đường chín đoạn” tạo mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực và tự do hàng hải.
Nhà nghiên cứu về an ninh châu Á của Singapore cho rằng các cuộc tranh chấp lãnh hải được Nhật Bản coi là chương trình nghị sự hàng đầu về an ninh, thậm chí còn quan trọng hơn mối đe dọa của chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vì một lý do hiển hiện là quan ngại hàng đầu của Nhật Bản là tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.
Khi Trung Quốc chuyển hướng, thách thức sự kiểm soát về mặt hành chính của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, thì một cuộc đụng độ quân sự giữa hai nước có nhiều khả năng xảy ra. Nếu có một cuộc đụng độ như vậy, rất khó để dự kiến bên nào nhanh chóng chùn bước vì cả hai nước đều có tinh thần dân tộc mạnh mẽ.
Trong phần kết luận, Ian Storey viết, Nhật Bản đang theo đuổi một số chiến lược nhằm giảm thiểu quan ngại của mình về một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn. Tuy nhiên, những chiến lược này có những hạn chế.
Trong khi Nhật Bản rất muốn thúc đẩy tình đoàn kết ASEAN trong tranh chấp ở Biển Đông thì các nước thành viên ASEAN ý thức sâu sắc về sự cần thiết phải tránh gây ấn tượng rằng họ đang vào hùa với nhau để chống lại Trung Quốc theo mệnh lệnh của Tokyo. Bất chấp những hạn chế này, Nhật Bản vẫn kiên quyết tiếp tục thúc đẩy để đảm bảo rằng Biển Đông không bao giờ trở thành "ao nhà của Bắc Kinh".
Theo TTXVN