Nhân sự theo cách Viettel (P2)

Nhân sự theo cách Viettel (P2)
TP - Thi thoảng gặp bộ ba trong số lãnh đạo của Tập đoàn Viettel, tôi hay chợt nghĩ đến chữ may! Mỗi người một tính nhưng may đều tâm đầu ý hợp!

> Canh trời giữ biển theo cách Viettel (P1)  

TP - Thi thoảng gặp bộ ba trong số lãnh đạo của Tập đoàn Viettel, tôi hay chợt nghĩ đến chữ may! Mỗi người một tính nhưng may đều tâm đầu ý hợp!

Một góc phòng làm việc của Viện
Một góc phòng làm việc của Viện.

Lại đương nói dở cái vận hội đang hồi hanh thông, thịnh đạt của Viettel. Lúc này, nếu ai nói Viettel đang có triệu chứng suy yếu ắt là... nhảm! Nhưng đôi hồi lại, chả phải không có lý? Trong dịch biến, thịnh và cực thịnh đã hàm chứa cái suy vậy. Vậy nên phải tính để khỏi suy.

Vậy Viettel đã tính thế nào? Ấy là sau khi bão hòa những là điện thoại để bàn, điện thoại di động và nhiều tiện ích thông tin khác, không ầm ĩ khua động giới truyền thông, Viettel lẳng lặng đầu tư thành công ở nước ngoài như Campuchia, Haiti, Mozambique... Viettel lẳng lặng đầu tư tiền vào Công ty phần mềm thu hút hơn 400 kỹ sư vào làm việc.

Nhanh chóng triển khai dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông (một tổ hợp có tên là M1 thu hút 350 kỹ sư và nhân viên kỹ thuật). Rồi tiếp một tổ hợp sản xuất khuôn mẫu mang tên M3 cũng đã thu hút nhiều kỹ sư giỏi về đầu quân tại đây.

Thi thoảng gặp bộ ba trong số lãnh đạo của Tập đoàn Viettel, tôi hay chợt nghĩ đến chữ may! May cho ai? Cho cả ba, cho cơ chế? Chả biết! Mỗi người một tính nhưng may đều tâm đầu ý hợp! Tổng Giám đốc - Trung tướng Hoàng Anh Xuân với cái nhìn thẳng thắn và thường xồn xồn với những khó khăn. Đang khó khăn lắm. Đang phải tìm cách mà vượt đây... Khó khăn ấy là chuyện kinh doanh mà Ban lãnh đạo đang phải đối mặt.

Còn Thiếu tướng, Bí thư Đảng ủy Dương Văn Tính với nụ cười cởi mở... Người ta nói ông là người tạo ra chất kết dính nội bộ, kiểu nói khác đi của hạt nhân đoàn kết.

Còn ông Phó Tổng Giám đốc, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng thì luôn không để hai ông kia yên với những dự định táo bạo... Tôi nghe vậy thì chỉ biết vậy. Nhưng dứt khoát việc ra đời Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Viettel này chả phải là vô tình mà có trù tính kỹ càng cùng những lao tâm khổ tứ của ban lãnh đạo Viettel...

Tôi tưởng nghe nhầm phải hỏi lại, thượng tá Viện trưởng Nguyễn Đình Chiến khi được thông báo rằng Viettel được phép trích ra từ lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho việc nghiên cứu và sản xuất thiết bị. Nhẩm tính năm nay, Viettel có lẽ sẽ có vài nghìn tỷ đầu tư cho lĩnh vực này.

Có nghe thoáng qua những chế tài phân bổ vừa thoáng vừa chặt của các bộ phận ở Viện khi sử dụng đồng vốn đầu tư, nhưng tôi nghe kỹ hơn cơ chế tuyển dụng nhân sự hơi bị lạ của Viện.

Người vào làm ở Viện đích thị và dứt khoát phải là người tài và là người trẻ! Những cảm giác khâm phục tự hào khi hồi nãy ở gian chung rộng thênh, chúng tôi lướt qua hàng chục gương mặt trẻ măng (đó là mới một phòng của Viện) người cao nhất mới nhỉnh hơn 30 còn hầu hết chưa ai tới tuổi băm.

Gần trăm hồ sơ ngâm cứu, kiểm tra, gạn lọc mãi cũng chỉ nhặt được vài ba người. Nhân sự và cơ sở hạ tầng tính đến ngày 20/3/2013 là 441 người. Trong đó 33 tiến sĩ, 63 thạc sĩ chuyên ngành, đại học 244. Mục tiêu nhân sự đến năm 2015 sẽ là 1.000 người, năm 2020 sẽ là 2.500 người để Viện xứng với tầm khu vực và quốc tế.

Một số khí tài thiết bị thông tin
Một số khí tài thiết bị thông tin.

 Lúc này nếu ai nói Viettel đang có triệu chứng suy yếu ắt là... nhảm! Nhưng đôi hồi lại, chả phải không có lý? 

Thu nhập tạm gọi là bình quân vài chục triệu một tháng cho mỗi kỹ sư, chuyên gia... rất nhiều người cao gấp đôi, gấp rưỡi thế. Tiền ? Chế độ đãi ngộ thỏa đáng? Cú hích để những người trẻ vào làm việc ở Viện, yếu tố đó cũng chỉ là một phần.

Ngồi một lát với các kỹ thuật viên hàm tiến sĩ, kỹ sư như Nguyễn Cương Hoàng chuyên ngành điện tử thông tin. Sinh năm 1978, Hoàng từng nhiều năm được đào tạo, làm việc ở Anh quốc. Nhiều nơi chào mời. Nhưng Hoàng đã chọn Viettel. Vì sao? Vì ở Viettel có nhiều cái open (mở) mà Hoàng nói đó là những cú hích, những gợi mở cho việc độc lập sáng tạo.

Nguyễn Lê Minh sinh 1980 - một chuyên gia hàng không được đào tạo ở Pháp. Minh đang tích cực, tự tin trong nhóm nghiên cứu dự án UAV- máy bay không người lái của Viện. Ngạc nhiên mới vừa xong sự kiện là Viện Công nghệ Không gian của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam chế tạo và thử nghiệm thành công dự án máy bay không người lái. Nay ở Viện này lại tiếp tục? Viettel chậm? Hay dự án, phương án của Viettel khác với UAV nọ? Hóa ra khác thật.

Qua Minh, tôi láng máng về một UAV độc đáo của Viện nay mai. Có lẽ không xa nữa thiết bị UAV của Viện, của riêng Viettel với trọng lượng, trần bay, tầm bay và tốc độ ưu việt nhất có thể, được lập trình một chế độ bay tự động với nhiều tiện ích phục vụ cho dân sự và quốc phòng. Cười thông cảm trước câu hỏi lẩn thẩn của tôi rằng sao không mua của nước ngoài? Thứ hàng với tính năng tác dụng như Minh nói sẵn quá mà? Công phu nghiên cứu làm gì? Hóa ra cung cách giải thích của Minh chính là Viện này đang phải tìm ra bí quyết- chủ quyền của Viettel cho riêng loại khí tài này.

Kiến thức, công nghệ có thể của nước ngoài nhưng phải do người mình, người của Viettel làm. Làm một cách sáng tạo theo kiểu Viettel. Có một dự án nếu mua của nước ngoài phải mất 10 triệu đô la, nhưng anh em ở Viện đã làm được theo cách riêng tốn chỉ 2 triệu đô la. Láng máng biết thêm UAV của Viettel sẽ bay bằng chế độ điều khiển vô tuyến, bằng hệ thống điều khiển tự động sử dụng các cảm biến quán tính và nữa, sẽ có cả UAV hạng trung.

Còn Vũ Việt Tiến, một chuyên gia điện tử có 6 năm tu nghiệp ở Hàn Quốc thì chia sẻ cảm giác tự tin và tự hào rằng, qua bạn bè mách bảo, tìm đến Viện mới thấy Viện đã âm thầm táo bạo dựng nên cả một ngành công nghiệp phần mềm. Tiến cho rằng có thể Viettel là nhân tố nòng cốt để xây dựng nền công nghệ cao ở Việt Nam nên Tiến rất yên tâm làm việc ở Viện này.

Cũng có nghe qua kế hoạch của Viện sẽ thành lập những công ty chi nhánh tại nước ngoài mà cụ thể là ở Hoa Kỳ. Nói sẽ, nhưng mọi việc đương trong tầm tay cả rồi. Nghe thấy như một kế hoạch đi tắt đón đầu của Viện? Chứ không à? Rất nhiều chuyên gia người Việt ở nước ngoài đang có nhu cầu làm việc liên hệ với Viettel nói chung và Viện. Nhưng có thể do hoàn cảnh gia đình, địa lý và lý do khó về Việt Nam thì họ sẽ tìm đến những vệ tinh của Viện Nghiên cứu & Phát triển đang có mặt ở nước ngoài. Sẽ hữu ích tiện lợi nhiều bề.

Bây giờ tôi mới hiểu hàng ngàn nhân sự có cả những thành phần liên lục địa và quốc tế góp chất xám cho Viettel như thế! Một đồng nghiệp hỏi vui Viện trưởng Chiến rằng người của Viện nhưng ở nước ngoài Viện trả lương thế nào? Thượng tá Chiến cũng cười trả lời ngay rằng, với một mức khác chả hạn vài ngàn, vài chục ngàn USD/tháng chứ sao!

Hơi hiếm ở một cơ sở của một doanh nghiệp Quân đội, ngay cổng ra vào không lính gác nhưng ấn tượng ngay với khách là hai bức tượng kích cỡ như người thật đứng hai bên. Đó là tượng một nhà bác học (tượng trưng) với kính trắng và sách. Tượng kia là một người thợ với dụng cụ búa và thước kẻ. Hằng ngày vào ra Viện, hình ảnh hai nhân vật đó như thông điệp thân ái lẫn nghiêm cẩn với những người lính chuyên viên kỹ thuật.

Lại nữa, cũng hơi bị hiếm trên tường, trong phòng làm việc các công sở mà lại trưng ra những tấm biển, bảng đại loại như ở Viện này. Như tấm biển: Những tồn tại lớn trong năm nay. Ngoài những nhắc nhở thân ái ấy còn khuyến khích không phải bằng những mệnh lệnh khô khan cứng nhắc mà là những câu như: Trong mớ hỗn độn, hãy tìm ra cái đơn giản; Từ những bất đồng tìm ra cái hòa hợp; Trong khó khăn có cơ hội v.v...

Còn nhớ mùa hè năm 1972, Bộ Chính trị và các cơ quan hữu trách có một cuộc họp trọng thể đặng tìm ra câu trả lời nếu Mỹ dùng B52 đánh Hà Nội chúng ta sẽ đối phó ra sao. Hằng trăm cặp mắt đổ dồn vào Giáo sư (GS) Trần Đại Nghĩa khi ông phát biểu. Những tưởng vị GS khả kính đó sẽ trưng ra bí quyết hay thứ át chủ bài nào đó nhưng GS đã điềm đạm và khúc chiết rằng, các phương án đánh B52, quân chủng PKKQ đã có nhưng bí quyết vẫn là con người!

Con người- những người lính rađa trắc thủ, phòng không tên lửa đã làm nên lịch sử như thế đó!

Và thời điểm ấy nếu như bộ đội rada có được những thiết bị khí tài như ở Viện bây giờ? Nhưng tiếc lịch sử không có nếu! Chỉ có kế tổ tông chi nghiệp của những người lính Việt Nam trong các cuộc vệ quốc.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG