Nhân sự ngân hàng vẫn nóng

Nhân sự ngân hàng vẫn nóng
TP - Xét trong dài hạn, tài chính ngân hàng vẫn là ngành nóng ở Việt Nam. Không phải các ngân hàng không cần thêm nhân lực mà họ cần nguồn nhân lực có chất lượng. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Điều hành công ty tuyển dụng nhân sự cao cấp - Navigos Search khẳng định.

> Dân ngân hàng 'cày cuốc' kiếm thêm

Vì sao trong một thời gian ngắn mà các ngân hàng liên tục thay tướng và có biến động về nhân sự tại tất cả các bộ phận vậy, thưa bà?

Theo tôi, nguyên nhân có thể do khi ngân hàng thay đổi CEO, thì CEO mới sẽ chịu trách nhiệm xây dựng hoặc tái cơ cấu lại bộ máy.

Bên cạnh đó, khi một ngân hàng bị mua bán, sáp nhập (M&A) thì khả năng bộ máy bị dư thừa, và chủ ngân hàng mới cần phải lựa chọn những nhân sự tốt nhất, phù hợp cho mô hình tổ chức mới.

Ngoài ra, cũng không loại trừ do sức ép từ những khoản nợ xấu của ngân hàng mà nhiều nhân viên tín dụng phải “bất đắc dĩ” làm thêm nhiệm vụ thu hồi nợ xấu.

Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu công việc của nhân viên đó dẫn đến không muốn gắn bó với ngân hàng nữa, nên họ tìm công việc ở một nơi mới.

Trong quá trình tái cấu trúc, nhân sự nên tập trung vào những vấn đề gì? Nhân lực ngành tài chính - ngân hàng (TC-NH) đang đứng trước khủng hoảng thừa, bà có nghĩ vậy?

Lao động dư thừa là điều khó tránh khỏi sau mỗi cuộc M&A. Việc quản trị nhân sự như thế nào trong hoàn cảnh này phụ thuộc vào các chủ ngân hàng rất nhiều. Tuy nhiên, ngay cả với các “ông chủ” ngân hàng đây cũng là bài toán khó, và chưa thể đưa ra đáp án ngay lập tức.

Theo tôi, họ sẽ sắp xếp và phân bổ lại nhân sự dần dần dựa trên năng lực, nhu cầu và đặc biệt là hiệu quả và chất lượng hoạt động.

Con người luôn là yếu tố cốt lõi của bất cứ cuộc tái cấu trúc nào. Về nhân sự, tôi cho rằng các ngân hàng cần luôn chú trọng đến công tác đào tạo, đặc biệt đạo đức nghề nghiệp, tránh những trường hợp đáng tiếc.

Về quản trị, ngân hàng phải hoạt động lành mạnh, “chậm mà chắc”. Đây là những công việc cần phải thực hiện đối với bất kỳ tổ chức nào đang muốn tái cấu trúc để phát triển.

Liệu ngành TC - NH có còn được coi là “hot” như trước đây? Bà có lời khuyên nào với những bạn trẻ muốn đi theo ngành này?

Thực ra ngành TC - NH ở quốc gia nào cũng được coi là quan trọng, vì ngân hàng là “huyết mạch” của nền kinh tế. Tại Việt Nam, ngành này còn nhiều tiềm năng phát triển. Xét trong dài hạn đây vẫn là ngành “nóng” và tiếp tục còn “nóng”.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện có nhiều sinh viên học ngành này ra nhưng không xin được việc làm đúng ngành. Điều này đặt ra một vấn đề: chúng ta thừa về số lượng nhưng vẫn thiếu về chất lượng. Ý tôi là không phải các ngân hàng không cần thêm nhân lực nữa mà họ cần nguồn nhân lực chất lượng.

Không nên theo tâm lý đám đông. Nếu các bạn trẻ không có đam mê, không có năng khiếu hay thấy đây không phải sở trường thì không nên tìm mọi cách “bó buộc” vào ngành này vì như vậy vừa khiến thừa về số lượng cho ngành TC – NH, trong khi lại làm mất đi nguồn nhân lực cho những ngành khác. Các bạn trẻ chỉ nên theo đuổi khi thực sự thấy đam mê và phù hợp với khả năng của mình.

Cảm ơn bà!

Ngân hàng là một ngành đặc thù. Uy tín trong kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành - bại. Do vậy, các tiêu chí về tuyển chọn nhân sự trong ngành ngân hàng không thay đổi nhưng phải thay đổi về thứ tự ưu tiên trong tuyển chọn. Trong đó, phẩm chất của người làm nghề, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp phải được đặt làm trọng tâm.

Đỗ Lê
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.