'Nhân sự mới ở UBND Hà Nội và Bộ Y tế cần vượt qua lùm xùm của những người tiền nhiệm'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức T.Ư) cho rằng, cả quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và ứng viên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phải vượt qua được những lùm xùm liên quan đến hai Bộ trưởng, hai Chủ tịch UBND thành phố trước đó.

Đã cân nhắc kỹ

Thưa ông, vừa qua Bộ Chính trị đã có quyết định liên quan đến công tác cán bộ tại Bộ Y tế và Thành uỷ Hà Nội. Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, người dân kỳ vọng gì ở những lãnh đạo mới tại Hà Nội và Bộ Y tế?

Thời gian vừa qua, tại Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội có các vụ việc lùm xùm. Cho nên việc bố trí hai đồng chí mới, tôi nghĩ các cơ quan tham mưu của T.Ư, Bộ Chính trị cũng đã xem xét, cân nhắc rất kỹ và đi đến quyết định như vậy.

'Nhân sự mới ở UBND Hà Nội và Bộ Y tế cần vượt qua lùm xùm của những người tiền nhiệm' ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Hà trong một chương trình toạ đàm tại báo Tiền Phong. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Rõ ràng, sau khi thay hai nhân sự mới, người dân trông đợi rất nhiều. Về cụ thể có nhiều vấn đề, nhưng tựu trung lại, mong muốn lớn nhất có lẽ là hai đồng chí khắc phục được những khuyết điểm của Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội, bởi cả hai Bộ trưởng tiền nhiệm, hai Chủ tịch UBND thành phố tiền nhiệm đều dính dáng vào các vụ lùm xùm.

Người dân mong nhất là các đồng chí này rút kinh nghiệm sâu sắc của những người tiền nhiệm, để không bao giờ đi vào vết xe đổ của họ. Chắc chắn, người dân mong muốn họ phải đặt lợi ích của dân tộc, đất nước, của Đảng lên trên hết, trước hết như lời nhắc nhở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phải vì nước, vì dân, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Có dư luận thắc mắc liên quan đến vị trí quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan không có chuyên môn về y tế. Ông nhận định gì về vấn đề này?

Tôi nghĩ rằng, vấn đề này người dân nhìn nhận ra thì các cơ quan tham mưu của T.Ư, cơ quan có thẩm quyền có lẽ cũng đã tính toán, xem xét kỹ lưỡng trước khi triển khai quyết định. Nếu người đứng đầu Bộ Y tế có kiến thức chuyên môn về ngành y, chắc chắn sẽ tốt hơn là không có kiến thức về lĩnh vực này.

Phải nhìn nhận một cách công bằng như vậy. Bản thân bà Đào Hồng Lan khi phát biểu nhận nhiệm vụ cũng nói, nếu bà có chuyên môn về ngành y sẽ tốt hơn. Nhưng không phải không có chuyên môn về ngành y tế là không làm được Bộ trưởng Bộ Y tế. Hai vấn đề này khác hẳn nhau, không thể đánh đồng được!

Về lý luận, nếu một người đứng đầu một đơn vị nhỏ, có tính chất chuyên môn sâu thì yêu cầu đặt ra người đứng đầu đó phải có chuyên môn cao, trong khi yếu tố lãnh đạo và quản lý hẹp và ít hơn. Nhưng khi đơn vị, tổ chức càng lớn, đòi hỏi chuyên môn sâu càng ít đi, trong khi đòi hỏi cao hơn ở vai trò lãnh đạo, quản lý.

Rõ ràng với một Bộ trưởng Bộ Y tế, yêu cầu chuyên môn về lĩnh vực ngành y tế khác hoàn toàn so với một trưởng khoa hay một giám đốc bệnh viện. Yêu cầu về vai trò lãnh đạo, quản lý lớn hơn yếu tố chuyên môn đơn thuần.

Về thực tiễn, trước đây khi nước ta vừa giải phóng, hoà bình lập lại, những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, bộ ngành cơ bản đều trưởng thành từ quân đội, từ chiến đấu. Tại sao các đồng chí đó không có chuyên môn, học hàm, học vị nhưng vẫn làm tốt? Lúc đó, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý là chính chứ không phải yếu tố chuyên môn là chính.

Bây giờ ở vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế, nếu có kiến thức chuyên môn y tế thì tốt hơn, nhưng không có kiến thức chuyên môn về y tế cũng không phải là không tốt, bởi cần người lãnh đạo, quản lý. Khi lãnh đạo, quản lý tốt, người đứng đầu sẽ phát huy trí tuệ tập thể, khơi dậy động lực, niềm tin, tập hợp được chất xám của anh em toàn ngành. Ngành y tế có rất nhiều cán bộ tâm huyết, trình độ chuyên môn sâu. Yêu cầu về vai trò của người lãnh đạo, quản lý ở đây còn lớn hơn là yêu cầu về chuyên môn.

Ví dụ nữa, khi nhìn ra thế giới, tại nhiều nước, thậm chí ở một số nước lớn, phát triển, một số vị trí Bộ trưởng đóng vai trò là một chính khách chứ không phải là cán bộ chuyên môn. Thậm chí có những Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không xuất thân từ trong quân đội…

Phải quyết liệt với động cơ trong sáng

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc đẩy mạnh cuộc chiến phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực khiến nhiều cán bộ, đảng viên sợ sai, sợ trách nhiệm nên không còn quyết liệt trong công việc? Vậy, những người mới được giao trọng trách họ còn e ngại nhiều hơn?

Thời gian vừa qua chúng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên, người đứng đầu vi phạm, thậm chí cả cán bộ cao cấp. Thực tế, cũng có một bộ phận cán bộ, đảng viên sợ trách nhiệm, không dám mạnh dạn, không dám quyết đoán, phải chờ đợi xin ý kiến, đưa ra tập thể… Cũng có người nói, mình chậm một tí nhưng mà không ai kỷ luật mình, mà vội vã có khi sai phạm là bị kỷ luật.

Phải thẳng thắn là có một bộ phận cán bộ, đảng viên có tâm lý như vậy. Nhưng cũng phải thấy, thực tế có rất nhiều cán bộ, đảng viên tốt, dám nghĩ, dám làm, quyết liệt, năng động, sáng tạo, làm tròn chức trách nhiệm vụ của mình chứ đâu phải không ai làm gì. Tất nhiên có một số là cũng e ngại, sợ trách nhiệm. Có chuyện đó thì phải khắc phục. Trong bối cảnh này, anh phải cẩn thận, kỹ lưỡng hơn chứ không phải làm thui chột khả năng của mình.

Chính trong thời gian này đang đòi hỏi những người cán bộ dám nghĩ, dám làm. Anh phải xem xét kỹ lưỡng và quyết định. Đâu phải việc gì cũng phải chờ đợi. Cái gì đúng thì quyết định luôn chứ có gì đâu mà sợ. Chỉ sợ là không đúng mà anh quyết định. Vì thế phải cần khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, ý thức năng động, trách nhiệm, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm chứ không cần chờ đợi bởi nhiều cái chờ đợi sẽ mất thời cơ.

Quan trọng nhất là động cơ, thái độ của anh thế nào. Trong vấn đề quyết định đó có tiêu cực gì không, tư lợi gì không, chứ nếu hoàn toàn vì lợi ích chung thì chẳng ai kỷ luật. Phải phân biệt rõ như vậy! Kết luận của Bộ Chính trị cũng đã nói rất rõ vấn đề này. Không vì phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà chùn bước.

Bây giờ đòi hỏi người đứng đầu phải như vậy. Phải xác định được cái đúng để làm. Còn nếu không biết là đúng, là sai thì lại liên quan đến năng lực của anh. Anh cứ vì cái chung, không có tơ hào, tiêu cực, không tư lợi, lợi ích nhóm thì mọi người sẽ thừa nhận, và chẳng có lý do gì các cơ quan của Đảng, Nhà nước lại xử lý, kỷ luật. Vì thế, đòi hỏi người lãnh đạo, người đứng đầu phải tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hoàn toàn với động cơ trong sáng, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân…

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Đoạn đường Nguyễn Trãi bên cạnh hầm chui Thanh Xuân mênh mông nước tối 7/9. Ảnh: Thái An.
Mưa tối ngập đường Hà Nội, xe chết máy, rác trôi đầy
TPO - Tối nay (7/9), thêm nhiều cây xanh đổ gãy trên đường phố Hà Nội, nhưng người đi đường sợ hơn cả vẫn là tình trạng ngập nước ở một số nơi. Xe chết máy, nhiều người bì bõm, hì hục dắt xe cả đoạn phố dài, trong khi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng lững lờ trôi…