Đường Võ Chí Công dài 4,25 km, rộng 57,5 đến 64,5m kéo dài từ phía nam cầu Nhật Tân đi qua hai phường Phú Thượng - Xuân La (quận Tây Hồ) và phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) đến giao cắt với đường Hoàng Quốc Việt. Tuyến đường này thuộc dự án đường Vành đai hai từ Nhật Tân về Cầu Giấy dài 6,4 km; tổng mức đầu tư 6.400 tỷ đồng.
Mặc dù được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng hiện nay hai bên tuyến đường Võ Chí Công đã xuất hiện nhan nhản nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Việc để lọt hàng loạt công trình nhà ở “siêu mỏng, siêu méo” này đang đi ngược với quyết tâm của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, xử lý đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng tại Thủ đô Hà Nội.
Dù trước đó, tuyến đường này được xem là tuyến đường hiện đại bậc nhất Thủ đô, nhưng sau hơn khi đi vào hoạt động, hai bên tuyến đường này xuất hiện nhiều công trình nhà ở “siêu mỏng, siêu méo” khiến dư luận đặt ra câu hỏi, về việc buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại.
Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, trên tuyến đường này đã có rất nhiều công trình kỳ dị hoàn thành và đưa vào sử dụng và hiện nay, ngay sát số nhà 26 – đường Võ Chí Công đang có một công trình khác đang được triển khai thi công rầm rộ với khu đất có diện tích nhỏ, có lẽ rằng chỉ vài tháng nữa sẽ có một công trình nhà ở thuộc dạng “siêu mỏng, siêu méo” được mọc lên ở đây.
Ông Nguyễn Tiến V, người dân ở khu vực này cho biết: “Ở đây những lô đất sau khi giải phóng mặt bằng chỉ còn vài m2, thậm chí chỉ như bức tường vẫn được chủ sở hữu “hét giá” tiền tỷ với các hộ phía sau, khiến họ không có khả năng mua lại để hợp thửa, hợp khối. Người dân đã kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng không hiểu sao những ngôi nhà kiểu này vẫn được xây dựng, khiến cho tuyến đường mới làm mà đã nhếch nhác, lộn xộn. Cũng có thể có trường hợp “con ông cháu cha”, có quen biết nên các công trình đó mới được tồn tại”.
Tiếp tục khảo sát tại nhiều đoạn trên đường Võ Chí Công, những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” càng xuất hiện dày hơn. Không chỉ có hình dáng kỳ dị, nghiêng lệch, chủ nhân của những ngôi nhà này còn tận dụng từng tấc đất, xây thêm những chòi hình tam giác phía dưới, nhỏ chỉ chừng 5m2, nơi dùng làm cửa hàng may vá, nơi sửa xe, cũng có những chiếc chòi... khóa cửa im ỉm, không biết phục vụ mục đích gì. Bên cạnh đó là những căn nhà cấp bốn lụp xụp, vỉa hè bị chiếm dụng, rác thải vứt la liệt...
Trong khi đó, vấn đề nhà "siêu mỏng, siêu méo" đã được các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đưa ra nhiều câu hỏi chất vấn bởi ngoài 132 công trình siêu mỏng, siêu méo tồn tại trên 12 năm, 56 trường hợp tồn tại ở giai đoạn 2014-2016 thì năm 2017 khi thi công tuyến vành đai 3 ở đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội tiếp tục phát sinh 8 trường hợp mới.
Cũng tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP. Hà Nội khoá XV vào cuối năm 2017, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, đến nay đã hết thời gian gia hạn nên sắp tới sẽ có phương án kiên quyết thu hồi và không để phát sinh thêm. Chúng tôi khẳng định 132 trường hợp tồn tại lâu năm và 56 trường hợp (phát sinh từ 2014-2016) các Sở ngành cùng với các quận huyện đã công phu xây dựng các phương án để kiên quyết thực hiện. Cụ thể, với 132 trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại lâu năm, liên ngành Sở Xây dựng, Tài nguyên môi trường, Quy hoạch kiến trúc tham mưu trình UBND Thành phố phương án giải quyết từng trường hợp trong quý I/2018.
Thế nhưng hiện nay tại tuyến đường “kiểu mẫu” của Hà Nội đang được “thả cửa” cho xây dựng các công trình “siêu mỏng, siêu méo” thì có lẽ quyết tâm xóa bỏ nhà “siêu mỏng, siêu méo” không bao giờ thực hiện được.
Dư luận đang trông chờ vào quyết tâm của người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội trong việc giải quyết tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” cũng như các xử lý những trường hợp vi phạm tại tuyến đường này.