Nhạc sỹ Tiến Luân: Phương Mỹ Chi đầy nội lực

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhạc sỹ Tiến Luân từng là nhạc công nổi tiếng của Sài Gòn trước 1975. Ông là tác giả của ca khúc được yêu thích, “Quê em mùa nước lũ”, gắn với tiếng hát của danh ca Hương Lan, ca sỹ Phương Mỹ Chi…
  • Ông trải qua một năm ra sao?

Nhạc sỹ Tiến Luân: Cũng giống như mọi người, trong dịch bệnh tôi đâu có làm gì được? Hơn nữa tôi cũng lớn tuổi rồi. Khi bão dịch đổ xuống Sài Gòn vừa qua, tôi cũng phải nhờ trợ giúp.

Nhạc sỹ có thể bật mí những ai đã giúp đỡ ông trong khó khăn?

Nhạc sỹ Tiến Luân. Có nhiều chứ. Trợ giúp từ Nhà nước và từ bạn bè. Tuy sự trợ giúp không thể nuôi sống tôi trong bão dịch nhưng rất quý báu, khiến tôi cảm thấy ấm lòng.

Năm vừa qua tiền tác quyền âm nhạc của ca khúc “Quê em mùa nước lũ” có tốt không, thưa ông?

Nhạc sỹ Tiến Luân: Đâu có nhiều. Tiền đó cũng chỉ vừa đủ để tôi uống cà phê thôi (cười). Nhưng có bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Xã hội trở lại sinh hoạt bình thường là vui nhất rồi.

Nhạc sỹ Tiến Luân: Phương Mỹ Chi đầy nội lực ảnh 1

Tác giả "Quê em mùa nước lũ", nhạc sỹ Tiến Luân (Ảnh: Internet)

Một trong những giọng ca thành công với “Quê em mùa nước lũ” chính là Phương Mỹ Chi nhưng nghe nói ông chưa gặp cô ấy bao giờ?

Nhạc sỹ Tiến Luân: Tôi có gặp ở tiệc song gặp riêng thì chưa bao giờ. Cô ấy đã thành “ngôi sao”, cũng bận rộn.

Năm mới đến ông mong muốn điều gì?

Nhạc sỹ Tiến Luân: Tôi mong xã hội bình ổn và bản thân tôi có sức khỏe tốt là vui rồi. Mọi người ai cũng có công ăn việc làm, ấy là niềm vui chung.

Nhạc sỹ Tiến Luân: Phương Mỹ Chi đầy nội lực ảnh 2

"Quê em mùa nước lũ" từng giúp nhạc sỹ Tiến Luân và ca sỹ Phương Mỹ Chi được vinh danh trong chương trình "Bài hát yêu thích" năm 2014 (Ảnh: Internet)

Ông không có mong ước riêng cho công việc sáng tác? Chẳng lẽ ông không mong viết được nhạc phẩm nào đó nổi hơn “Quê em mùa nước lũ”?

Nhạc sỹ Tiến Luân: Tôi mong ước những điều mà xã hội mình đang mong ước, khi chúng ta đã trải qua bao gian nan và đau thương vì dịch bệnh. Còn về sáng tác thì tuổi này tôi không mơ mộng nhiều đâu. Tôi an phận rồi. Người ta cần gì thì tôi đáp ứng thôi. Vừa rồi, tôi có viết một ca khúc giới thiệu về gạo. Đây là ca khúc đặt hàng, ca sỹ Hương Lan hát. Tôi đang đợi nghe bản thu, chưa biết ra sao đây.

Nhạc sỹ mất bao nhiêu thời gian để viết ca khúc ca ngợi hạt gạo quê hương? Nhạc sỹ Tiến Luân: Chừng tuần lễ là tôi viết xong rồi.

Ông có theo dõi những bước đi của ca sỹ Phương Mỹ Chi?

Nhạc sỹ Tiến Luân: Tôi không theo dõi. Cô ấy tự đi rất tốt mà.

Nhạc sỹ đánh giá thế nào về giọng ca Phương Mỹ Chi?

Nhạc sỹ Tiến Luân: Theo cá nhân tôi, trong thế hệ ca sỹ kế thừa ở dòng nhạc quê hương, thì Phương Mỹ Chi vẫn có nội lực nhất.

Liệu đánh giá của ông có phần ưu ái Phương Mỹ Chi vì cô ấy hát thành công “Quê em mùa nước lũ”?

Nhạc sỹ Tiến Luân: Tôi không ưu ái gì vì tôi đâu có thân thiết với cô ấy.

Với ông, ai là người hát thành công nhất “Quê em mùa nước lũ”? Nhạc sỹ Tiến Luân: Vẫn là Hương Lan.

Quan hệ của ông với danh ca Hương Lan ra sao?

Nhạc sỹ Tiến Luân: Chúng tôi biết nhau chừng ba mấy năm. Hương Lan vốn là học trò của nhạc sỹ Trúc Phương.

Danh ca Hương Lan được nhiều khán giả xem là “huyền thoại của dòng nhạc quê hương”. Còn ông đánh giá thế nào về giọng ca được nhiều thế hệ khán giả thương yêu này?

Nhạc sỹ Tiến Luân: Tôi đánh giá rất cao. Hương Lan có ưu điểm là hát bài mới hay hơn mong muốn của tác giả. Cô ấy có khả năng diễn đạt tình cảm rất là hay khiến ca khúc thành công ngoài sức tưởng tượng.

Ở ngoài đời, danh ca Hương Lan có gây mê như trên sân khấu?

Nhạc sỹ Tiến Luân: Ai gặp Hương Lan cũng mê liền. Tôi nghĩ, phụ nữ mê Hương Lan cũng nhiều như đàn ông vậy đó. Tôi nói thiệt. Vì tính Hương Lan rất bình dị. Cô ấy rất Việt Nam, rất dễ gần song rất nề nếp, không lộn xộn.

Ông từng là nhạc công nổi tiếng trước 75, ngày trước không khí xuân sang trong giới văn nghệ có rộn ràng không?

Nhạc sỹ Tiến Luân: Ồ, vui lắm mà không xô bồ.

Các ca sỹ hồi ấy có bận rộn trong dịp tết?

Nhạc sỹ Tiến Luân: Ca sỹ hồi đó hát phòng trà là chủ yếu chứ đâu có nhiều “sân chơi” như bây giờ. Cho nên ca sỹ hồi ấy không chạy “sô” tất bật như bây giờ.

MỚI - NÓNG