Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi như cơn lốc

Nguyễn Vĩnh Tiến muốn thành “con chim bông lau”
Nguyễn Vĩnh Tiến muốn thành “con chim bông lau”
TP - Chẳng có gì bàn cãi, nếu nói Nguyễn Vĩnh Tiến không đẹp trai. Hình như anh cũng biết điều này nên luôn dặn người viết, nếu cho anh “lên sóng” nhớ chọn cái ảnh đèm đẹp. Hình thức không “ăn điểm” song bù lại, Nguyễn Vĩnh Tiến hấp dẫn nhờ sự tài hoa và khả năng tạo bất ngờ liên tiếp.  

Ở tuổi 45, Nguyễn Vĩnh Tiến lần đầu bắt tay với sân khấu, mà lại là sân khấu múa rối, trong vở “Thân phận nàng Kiều”. Tưởng anh phải trằn trọc, kém ăn, kém ngủ vì lần thử nghiệm này. Song Nguyễn Vĩnh Tiến vẫn vui vẻ như thường, chưa gì đã “khai”: “Tôi quá hưng phấn. Đã giải quyết được 60% công việc”.

Tuy nhiên, Nguyễn Vĩnh Tiến cũng lập tức nhắc nhở: Phần âm nhạc của “Thân phận nàng Kiều” là sự kết hợp giữa Nguyễn Vĩnh Tiến với Trần Đức Minh, đừng có lầm chỉ một mình Nguyễn Vĩnh Tiến “gánh”: “Chúng tôi kết hợp với nhau lâu rồi nhưng bây giờ mới được thử sức trong một vở sân khấu thử nghiệm đương đại”, anh giải thích. Đứng trước một tác phẩm vĩ đại như truyện Kiều, phải là người có bản lĩnh mới không bị cuốn vào câu chữ của Nguyễn Du. Nguyễn Vĩnh Tiến chọn hình thức lẩy Kiều và sáng tạo ra những bản bổ sung thú vị, độc đáo chưa từng có cho truyện Kiều: “Thí dụ trong truyện Kiều “Bạc mệnh oán” được ghi chú là ca khúc do Thúy Kiều tự sáng tác. Nhưng truyện Kiều không hề có nội dung ca khúc ấy. Nên tôi khai sinh ra một bài gọi là “Bạc mệnh oán”.

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi như cơn lốc ảnh 1

Không chỉ nhiệt tình bật mí một phần công việc, thỉnh thoảng Nguyễn Vĩnh Tiến còn dừng lại hỏi người nghe: “Thú vị không?” hoặc “Tuyệt diệu không nào?”. Cứ hồn nhiên tự cổ vũ mình như thế, cũng là một cách để người nghệ sỹ giữ được hưng phấn trong sáng tạo. (Yêu những “đứa con” của mình cũng là lẽ tất nhiên, đâu phải tội?).

Tuy nhiên, tôi vẫn hỏi Nguyễn Vĩnh Tiến: “Lần đầu tiên bước sang sân khấu, đáng ra anh cũng nên rụt rè một chút cho “phải phép”? Tại sao lại tự tin thế?”. Nhạc sỹ đáp liền: “Tôi là fan hâm mộ của nhạc kịch. Tôi đã xem những vở kinh điển của thế giới như Notre dame de Paris (Nhà thờ Đức Bà Paris) và nhiều vở khác.

Tôi cũng là fan hâm mộ của các loại nhạc phim nên khi vào vở này là “nhập” luôn”. Anh cũng là fan của truyện Kiều: “Bà nội tôi thuộc lòng Kiều rồi bà bắt tôi học thuộc lòng truyện Kiều như bà. Cả hai bà cháu từ nhỏ đã ngồi bói Kiều cho nhau. Xưa tôi thuộc lòng truyện Kiều, lớn lên quên dần.

Ở tuổi 45 tôi đọc lại lần nữa vẫn thấy Kiều lấp lánh, vô cùng hay”. Cứ đà này, khéo Nguyễn Vĩnh Tiến còn là fan của bóng đá, của ẩm thực Việt… nữa cũng nên? Đam mê một cách hồn nhiên, chính vì thế khán giả đã lỡ yêu anh đừng ngạc nhiên khi thấy người mình yêu cứ nhảy từ địa hạt nọ sang địa hạt kia. Nên để “hắn” được tự do. Trong một bài thơ mới sáng tác “hắn”nhận mình là “con chim bông lau”, thỉnh thoảng “về bên suối hát”: “Hát rằng/Rong chơi cho hết tháng năm/Sau này về nằm với ngọn núi xanh/Khứ hồi một chuyến học hành/Cùng bầy cỏ biếc luyện thanh tạo hình/Hoàng hôn cũng giống bình minh/Khi vạn cuốn lịch trôi thành nước sông…”.

Chia sẻ trạng thái bằng thơ

Người yêu văn học nghệ thuật biết đến Nguyễn Vĩnh Tiến đầu tiên với tư cách một người làm thơ, viết văn. Anh là một thành viên trong hội bút “Hương đầu mùa” ở thời kỳ rực rỡ của báo “Hoa học trò”, với bút danh (nếu tôi nhớ không lầm) là Tiểu Tuyền Thư. Không chỉ gắn bó với “Hoa học trò”, cứ nhắc đến báo Tiền Phong, Nguyễn Vĩnh Tiến lại nở nụ cười đầy thiện cảm. Bởi một trong những giải thưởng văn chương ý nghĩa của anh chính là giải thưởng “Tác phẩm tuổi xanh” do Báo Tiền Phong tổ chức.

Chàng trai 17 tuổi khi ấy đã “ẵm” cả giải thưởng truyện ngắn và thơ cho hai tác phẩm “Con chó hư”, “Lá rụng”. Sau này, Nguyễn Vĩnh Tiến còn sáng lập nên nhóm thơ “Hoa lạ” với những thành viên như Đỗ Hoàng Diệu, Dạ Thảo Phương, Phạm Tường Vân… Họ là những cây bút trẻ khát khao tìm tòi, đổi mới trong thi ca.

Phải nói, Nguyễn Vĩnh Tiến đã rất may mắn, khi trải qua thời tuổi trẻ đam mê văn chương nghệ thuật trong không khí văn chương thuở ấy còn đang còn sôi nổi. Tôi còn nhớ những năm 90, Hoàng Nhuận Cầm đứng ở hội trường ký túc xá Mễ Trì (ĐH Quốc Gia Hà Nội) cất giọng sang sảng đọc bài thơ “Chiếc lá đầu tiên”: “Em thấy không, tất cả đã xa rồi/Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ”, sinh viên lặng đi, rồi cuồng nhiệt cổ vũ thi sỹ khi bài thơ kết thúc. Bao nhiêu sinh viên nữ trẻ trung, xinh đẹp vây quanh Hoàng Nhuận Cầm, tranh nhau chụp ảnh với nhà thơ có dáng vẻ gầy gò, lại còn nghiện thuốc lào. Thuở ấy, các nhà thơ tên tuổi được đối xử như những “ngôi sao”. Và Nguyễn Vĩnh Tiến lúc ấy là một “ngôi sao” tỏa ánh sáng khác lạ. Bởi anh trẻ và dạt dào cảm hứng.

Thuở ấy, anh thường đi đọc thơ cùng Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm… Đến nay, khi không khí văn chương đã xẹp, Nguyễn Vĩnh Tiến chẳng đi đọc thơ nữa (đọc cho ai nghe?) song anh vẫn gắn bó với thơ như thuở ban đầu. Anh thường dùng thơ để chia sẻ trạng thái của mình trên facebook: “Mẹ là quê hương/Đợi tôi về từng mùa khế ngọt/Nhưng quê hương mình nắng xổi/Chó ăn đá, gà ăn sỏi/Và Sài Gòn, Hà Nội/Bọn đuông dừa đã ăn xổi từ lâu/Chúng ăn mình/Còn mình lưu lạc/Trong những dòng linh tinh…”. 

Thơ Nguyễn Vĩnh Tiến dễ được lòng bạn đọc, bởi anh không viết những gì xa xôi và đặc biệt thơ không u ám, nặng nề. Ngay cả những câu thơ có màu triết lí hoặc ngẫm thế sự, cũng không đưa lại cảm xúc tiêu cực.  Anh là tác giả nặng lòng với quê hương: “Hình hài tôi vay từ triền đồi/Từ chè xanh trung du/Từ lời ru dòng sông Thao/Từ tình yêu con chim chào mào/Từ thuyền bè ngày nào/Càng xuôi dòng càng chiêm bao…”. 

Năm 2003, “Sông Thao réo ùng ục màu hồng xám” đã ám ảnh trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến.  Người thơ miền trung du dù đi khắp muôn nơi vẫn không quên nguồn cội.

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi như cơn lốc ảnh 2 Nguyễn Vĩnh Tiến bên bức chân dung được vẽ tặng

Đang luyện kiếm pháp

Đừng nghĩ Nguyễn Vĩnh Tiến mải mê với nàng thơ, bỏ quên âm nhạc. Năm 2005, ca khúc “Bà tôi” trở thành một hiện tượng trong sân chơi Bài Hát Việt, qua tiếng hát Ngọc Khuê: “Bà tôi đưa tôi ra đầu làng/Một mình bà đội cả trời nắng to…”.

Cùng với vinh dự, Nguyễn Vĩnh Tiến khi ấy phải đối mặt với nghi ngờ của một bộ phận dư luận: Người viết “Bà tôi” không biết nhạc lí. Nhưng nếu chỉ “ăn may” nhất thời, Nguyễn Vĩnh Tiến đã bị âm nhạc đẩy ra. Đằng này, anh vẫn tiếp tục bước đi, tiếp tục được tin tưởng, tiếp tục lấn sân trong âm nhạc.

Vở rối “Thân phận nàng Kiều” mà Nguyễn Vĩnh Tiến tham gia sẽ “chinh chiến” trong Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019, tại Hà Nội. Nhưng so với trước, Nguyễn Vĩnh Tiến trong âm nhạc trở nên âm thầm hơn. Anh hài hước giải thích lí do không còn ồn ào như xưa: “Bây giờ tôi luyện kiếm pháp rồi. Sao như ngày xưa được? Ngày xưa là kiểu giang hồ đánh nhau lung tung. Giờ phải luyện bài bản, theo bộ đàng hoàng”.

Thì ra, anh không viết ca khúc đơn lẻ nữa: “Tôi đang sáng tác theo bộ. Như bộ 12 tháng tôi đã bán độc quyền cho một nữ ca sỹ. Bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 12, mỗi tháng có một câu chuyện kể”. Nguyễn Vĩnh Tiến dừng lại hỏi người nghe: “Quá kỳ diệu, đúng không?”. Rồi tiết lộ tiếp: “Sau đây tôi sẽ viết một bộ 12 con giáp. Mỗi con chở một câu chuyện dân gian.

Sau nữa, tôi sẽ viết một bộ về các loài hoa, nhưng toàn các loài hoa dại, chẳng ai để ý như hoa mồng tơi, hoa rau muống, hoa ớt… Với tôi, hoa dại hoàn toàn bình đẳng với các loài hoa lộng lẫy, bởi suy cho cùng, chúng đều là hoa”.

Nguyễn Vĩnh Tiến hay nhắc đến tuổi tác: “Tôi 45 tuổi rồi”. Song hình như tuổi tác cũng chỉ là con số, chẳng ảnh hưởng gì tới những đam mê sôi nổi của Nguyễn Vĩnh Tiến trong thi ca, trong âm nhạc. Tôi hỏi: “Làm thế nào để anh cân bằng giữa cuộc sống đời thường với đam mê nghệ thuật?”. Nhạc sỹ, thi sĩ cười: “Thực ra tôi là dân chuyên toán, có đầu óc tổng hợp. Giống như lối đá tổng lực ấy, cùng lúc tất cả đều song hành”. Chẳng biết có mê đội bóng đá Hà Lan của thời huy hoàng hay không mà Nguyễn Vĩnh Tiến miêu tả cách vận hành cuộc sống của mình giống như “cơn lốc màu da cam”.

Nguyễn Vĩnh Tiến là tác giả nặng lòng với quê hương: “Hình hài tôi vay từ triền đồi/Từ chè xanh trung du/Từ lời ru dòng sông Thao/Từ tình yêu con chim chào mào/Từ thuyền bè ngày nào/Càng xuôi dòng càng chiêm bao…”.  Năm 2003, “Sông Thao réo ùng ục màu hồng xám” đã ám ảnh trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến.  Người thơ miền trung du dù đi khắp muôn nơi vẫn không quên nguồn cội.

Tình yêu với Dọc Mùng

Trước đây, khi trả lời phỏng vấn, Nguyễn Vĩnh Tiến có thói quen ghi ra giấy tỉ mẩn. Nay, đã khác. Nhà thơ, nhạc sỹ không cần đến sự hỗ trợ của giấy, bút nữa: “Ngày xưa chưa quen trả lời phỏng vấn tôi hơi sợ. Bây giờ, đã quen rồi”, anh vui vẻ thú nhận.

Hỏi anh, có quan tâm đến đời sống ca nhạc hiện nay không, như hiện tượng Sơn Tùng chẳng hạn? Nguyễn Vĩnh Tiến gạt ngay: “Thôi, thôi, tôi không trả lời đâu. Tôi chỉ quan tâm đến dòng chảy mà tôi đam mê, tôi không có thời gian quan tâm đến cái khác”.

Trong hoạt động nghệ thuật, Nguyễn Vĩnh Tiến khiến người ta bất ngờ khi từ văn chương bước sang âm nhạc, đã thế còn lấn sân từ sáng tác ca khúc sang làm nhạc cho sân khấu. Thậm chí gần đây, Nguyễn Vĩnh Tiến còn nối bước “ông chú đồng hương Lại Văn Sâm” làm MC. Đời thường, Nguyễn Vĩnh Tiến cũng gây bất ngờ, khi cách đây 2 năm anh tổ chức đám cưới với một người đẹp 9x. Họ đã sinh một bé gái có nick name “Dọc Mùng”. Hiện nay, bé Dọc Mùng là quan tâm lớn nhất của tác giả “Bà tôi”: “Tôi đi công tác ở đâu, tất cả những món quà quí đều dành cho con hết”. 

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.