Nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Tùng Dương là tri âm của tôi”

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Suốt đời tôi đau đáu với các chất liệu dân ca của người Việt và các dân tộc Tây Nguyên”. Ảnh: N.M.Hà.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Suốt đời tôi đau đáu với các chất liệu dân ca của người Việt và các dân tộc Tây Nguyên”. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Dù là bài quen hay bài mới thì trong đĩa Tùng Dương hát Nguyễn Cường, chúng đều được khoác lên một tinh thần rất khác, khi âm hưởng rock trộn lẫn với ca trù, tuồng... Âm nhạc Nguyễn Cường cho phép Tùng Dương tháo tung tất cả những cung bậc trong giọng hát và lối biểu cảm. Dù tự nhận đĩa tác giả đầu tay của mình không dễ nghe nhưng Nguyễn Cường vẫn dành cho “chàng Trương Chi” những lời khen không giới hạn.

Anh chọn bài cho đĩa này theo phương châm nào?

Bài nào cả tôi và Tùng Dương thích thì đưa vào. Nhạc sĩ Minh Đạo bảo: “Bài hát của anh có phải đề tài đâu. Anh là chất liệu âm nhạc”. Đúng thế. Đề tài chỉ là cớ để tôi vận dụng chất liệu Tây Nguyên và đồng bằng Bắc bộ. Tôi tuyên bố rất rõ ràng bài của tôi kén người nghe, người hát, cả người phối khí. Mỗi bài đều tràn đầy năng lượng cảm xúc đến tận cùng. Tôi có lời khuyên với người nghe đừng nghe quá hai bài một lúc. Vì âm nhạc tôi không thư mang tính giải trí. Đừng nghĩ đến với nhạc tôi để thư giãn.

Mấy bài như “Mái đình làng biển” hay “Nét ca trù ngày xuân” cũng thư giãn được rồi chứ anh?

Ngay cả những bài đó qua lối hát Tùng Dương lại thành kén. Phải có thời gian lặp lại thành kỷ niệm thì giọng hát đó, lối hát đó mới có khả năng khiến người ta thư giãn.

Đĩa này ra đời do ca sĩ đặt vấn đề với anh?

Tôi với Dương gần như là cái mệnh. Trước kia Dương đã hát nhiều tác giả như Lê Minh Sơn, Trần Tiến… rất thành công, nhưng đến khi nghe Dương hát Hò biển tôi mới cảm thấy đây sẽ là người tri âm thứ ba (sau Y Moan và Siu Black) của mình và sẽ tạo ra cái gì đấy. Tôi thấy mình tìm được một ca sĩ tương ứng với mình về năng lượng văn hóa, năng lượng biểu cảm… Lúc đó chúng tôi bắt đầu làm việc với nhau. Bài Hò biển tôi viết năm 1973 sau khi Hiệp định Paris ký kết, Mỹ ngừng phong tỏa miền Bắc nên mới có câu “giông tố tan rồi”, “nắng ấm lên rồi”. Ca sĩ Quang Phác hát đầu tiên năm 1974 cũng ấn tượng, sau đó nhiều người hát nhưng phải đến lúc này tôi mới cảm thấy thỏa mãn.

Anh thường được địa phương, doanh nghiệp đặt hàng chứ ít khi là ca sĩ?

Sao các ca sĩ có quyền được phép đặt hàng tôi. Anh lấy gì đặt hàng tôi, anh lấy cổ, lấy giọng hát của anh ra đặt hàng tôi à? Anh lấy những ý tưởng đặt hàng tôi cũng không được! Tôi là đời sống đặt hàng. Tôi là một nền văn hóa đặt hàng, một vùng văn hóa đặt hàng, thậm chí một làng văn hóa. Chả cần đặt hàng tôi cũng viết. Nhưng đặt hàng để mình dồn năng lượng vào đấy hơn. Nếu nơi đó không có một cái gì thì có đặt đến giời tôi cũng vái. Tất cả các bài của tôi đều cồng chiêng đặt hàng, quan họ hay… Vua Hùng đặt hàng. Chứ tự nhiên đến bảo “em hát thế này, giọng em khoảng này đến khoảng này, em muốn nói tình yêu, đau khổ, trách móc… các thứ”- không có đâu”.

Anh không lo nhạc kén khán giả sẽ ảnh hưởng đến tiền tác quyền?

Tôi không quan tâm đến thu nhập bằng nghệ thuật. Tôi có cần nhiều tiền đâu. Thực ra chúng ta thường lãng phí rất nhiều trong quá trình sống. Đáng lẽ chỉ cần có chục cái áo cái quần thì có đến vài chục cái, có người mấy trăm đôi giày. Nhân loại đang lãng phí trong khi nhiều người ở vùng xa rất khổ. Tôi không có xe đạp, xe máy, ô tô, tôi chỉ đi xe buýt, cần gì nhiều tiền. Nhu cầu một ngày của tôi là đươc đi bơi, tập thể dục, đi chơi vui vẻ với mọi người và ăn vừa đủ để không bị béo quá. Và nhất là được viết những bài hát mới, cảm xúc mới, thích lắm. Đời hay lắm đấy!

Trong đĩa có bài nào anh viết đã lâu chờ mãi giờ mới có người hát?

Bi ca Trọng Thủy viết lâu quá, không nhớ từ năm nào. Tôi không nói chuyện chính trị. Đấy là Romeo và Juliet của Việt Nam. Không phải vô cớ mà dân mình kể, viên ngọc trai thành hình từ máu Mỵ Châu phải lấy nước giếng Trọng Thủy rửa mới sáng bóng. Nếu Trọng Thủy chỉ là thằng gián điệp thì không bao giờ có thể rửa được viên ngọc của Mỵ Châu. Bài này bây giờ Tùng Dương hát mới ra. Người đầu tiên hát bài này cũng rất xúc động, tôi rất hài lòng nhưng chưa đủ năng lượng để ra được.

Bài hát trong ngăn kéo chỉ là tư liệu. Phải qua dàn nhạc, phối khí, ca sĩ tương ứng với tinh thần bài hát tương ứng với năng lượng của bài hát mới thành tác phẩm. Tôi có khoảng mấy trăm cái tư liệu như thế. Đó là điều tôi trăn trở kinh khủng là vì nếu không có ca sĩ, tất cả những bài đó sẽ không đến được với mọi người, hoặc đến một cách méo mó, không đủ hình hài. Một nét ca trù ngày xuân chẳng hạn tôi viết từ 1980, rất nhiều ca sĩ hát, nhưng cho đến bây giờ tôi mới cảm giác thấy được hình hài của nó một cách đẹp đẽ.

Các bạn tôi viết nhiều cái hay lắm. Có những người ngày nào cũng viết, viết cả nghìn bài hát, nhưng không tìm được ca sĩ. Đấy là nỗi khổ. Còn tôi hạnh phúc vì những bài cơ bản của tôi đều đã được vang lên. Tôi chỉ lấy khiêm tốn khoảng hai chục bài. Mười bài Tây Nguyên kia Siu Black và Y Moan đã gánh cho tôi. Giờ tôi có 10 bài Bắc bộ Tùng Dương gánh cho và tôi xin cảm ơn chàng Trương Chi của tôi. Trương Chi thực ra rất đẹp nhưng không bao giờ đẹp bằng giọng hát của mình cả. Bởi đời sống không bao giờ đẹp bằng nghệ thuật. Vì nghệ thuật là thăng hoa của đời sống. Đó là quy luật.

MỚI - NÓNG