Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - Khiêm nhường và quyết liệt

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và con trai Nguyễn Quang tháng 12/2011 tại Hà Nội.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và con trai Nguyễn Quang tháng 12/2011 tại Hà Nội.
TPO - Những năm cuối đời, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lại được sống trong ánh đèn sân khấu và tình yêu thương của khán giả. Đặc biệt, ông hai lần được con trai tổ chức đêm nhạc riêng tại Hà Nội.

Vẫn biết Nguyễn Ánh 9 mau nước mắt, hay khóc trên sân khấu nhưng cả 2 bố con cùng khóc trong đêm nhạc đầu tiên của ông tại Hà Nội (2011), cũng là sự hi hữu.

Con trai ông, nhạc sĩ Nguyễn Quang lý giải đó là những giọt nước mắt hạnh phúc: “Hình như ở Việt Nam cũng không có chuyện 2 bố con cùng song tấu piano trên sân khấu. Đó là một niềm hạnh phúc.”

Tuy nhiên nếu bố mẹ Nguyễn Ánh 9 từng đuổi cậu út ra khỏi nhà vì theo âm nhạc, Nguyễn Quang cũng phải lén lút đi học đàn vì bố không ủng hộ. Lý do ông Nguyễn Ánh 9 đưa ra: “Đời nhạc công khổ sở quá, không đủ nuôi vợ con, lại hay phải xa gia đình.”

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cam đoan không dạy cho con một nốt nhạc nhưng không biết cậu con trai vẫn trốn trên gác xép nghe trộm mỗi khi bố dạy đàn dưới nhà. Khi bố đi, con mới lẻn xuống tập. Nguyễn Quang kể: “Đến một ngày có cuộc thi của thành phố, nghiệp dư thôi, vừa có đơn ca, vừa có độc tấu các loại… Tôi tự đăng ký đi thi. Đêm chung kết tôi mới mời bố tôi đi xem, lúc đó ông mới biết là tôi biết đàn.”

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - Khiêm nhường và quyết liệt ảnh 1

Bản thân nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 khẳng định nếu gia đình không ngăn cản, chắc chắn ông không thành công trong âm nhạc. Ông nói: “Bị cấm đoán mình mới có sức mạnh để chiến đấu giành lại cái lý của mình. Nghề của mình trong sáng, lành mạnh, phải được người đời tôn vinh. Nếu mình cố gắng đem hết sức sáng tạo, đem hết lao động, học tập, tài năng để phục vụ thì không thể nào gọi là xướng ca vô loài được.”

Ai gặp nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng thấy rằng ông rất hiền, nói năng nhỏ nhẹ. Nhưng tiếp xúc lâu sẽ thấy con người hóm hỉnh. Như nhận định sau đây của ông làm náo loạn showbiz vào năm 2013, thẳng thắn mà vẫn hài hước: “Ca sĩ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc, make-up cho đẹp và lên sân khấu hát thì sau lưng có một đám múa. Nhưng ít chú trọng đến xúc cảm âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát. Bây giờ những ca sĩ hát giọng tốt đếm trên đầu ngón tay, đã vậy lại bị vướng vào… kỹ thuật thanh nhạc.”

Vào tháng 7/1970, bài hát đầu tay của ông ra đời một cách tình cờ từ một câu hát vu vơ với Khánh Ly: “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa…” khi cùng bà lưu diễn tại Nhật. Bài hát sau đó quay trở lại Nhật Bản, và cả Trung Quốc…qua tiếng hát của các danh ca ngoại quốc. Mọi sự nghe nói bắt đầu từ chuyến lưu diễn Việt Nam của Đặng Lệ Quân năm 1973. Để lấy lòng khán giả, bà hát bài đang nổi lúc bấy giờ là Không. Chính bài hát này sau khi được đặt lời Hoa đã trở thành một hit của nữ danh ca. Tuy tác giả không nhận được quyền lợi gì từ sự nổi tiếng của bài hát đầu tay nhưng ông không lấy đó làm điều. “Khi viết bài hát mà có người nghe, người hát là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi,” ông nói với Tiền Phong.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Sau 1975, để mưu sinh, ông từng phải làm những công việc không liên quan đến nghệ thuật. Khi đã có điều kiện đàn trở lại, ông gặp phải thời kỳ đàn phím điện tử lên ngôi, không ai xài piano. Ông đành kiếm sống qua ngày bằng việc đánh piano trong khách sạn. Ông buồn, tính chuyện giải nghệ. Đem tâm sự này nói với Ánh Tuyết, chị lập tức gàn và từ đó hai người trở thành cặp bài trùng trên sân khấu một thời gian. Ánh Tuyết khẳng định nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là nghệ sĩ đệm piano mà chị ưng nhất. Một nhạc sĩ nổi danh, tuổi cao vẫn chịu ngồi sau chắp cánh cho hậu sinh bằng tiếng đàn. Đủ để nói lên tình yêu âm nhạc và đức khiêm nhường.

Trong lòng nhiều khán giả Hà Nội, hình ảnh cuối cùng về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vẫn là sự khiêm nhường. Trong đêm nhạc Quốc Dũng- Kim Tuấn tại Hà Nội tháng 9/2015, ca sĩ Bảo Yến tiết lộ chính nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phát hiện và giới thiệu tài năng của Quốc Dũng năm anh 18 tuổi. Khi được mời lên sân khấu Nhà hát Lớn giao lưu, nhạc sĩ lão thành từ tốn: “Về mặt nào đó Quốc Dũng hơi hơi là thầy của tôi.” Cũng chỉ vì Nguyễn Ánh 9 dù lớn tuổi hơn nhưng bước chân vào con đường sáng tác sau Quốc Dũng mà thôi.

MỚI - NÓNG