Học trò thầy Thông Đạt
Nhà anh Miên Đức Thắng ở Thành Nội, Huế. Anh mồ côi sớm, ba mất trong chiến tranh khi anh chưa được một tuổi. Mẹ anh cũng bị mất do bệnh tật khi anh mới 8 tuổi.
Cậu bé lớn lên cùng với bà cô trong thành phố Huế giữa cảnh chiến tranh chia cắt. Anh kể: “Từ nhỏ tôi đã là một người đa cảm. Hễ Huế vào mùa mưa hay khi trăng sáng thì tôi rất khó mà ngủ được, tính xúc động, tâm hồn rung cảm, chỉ muốn viết, muốn vẽ gì đó. Tôi mê hát mê đàn, mấy ông anh sợ em theo nghiệp ca hát bỏ học, nên rất nghiêm khắc với tôi. Nhờ vậy, tôi vẫn đậu vào trường quốc học”.
Chàng trai trẻ mồ côi yêu nhạc được thầy giáo dạy nhạc rất yêu quý, coi như con, hết sức chỉ bảo. Người thầy ấy chính là nhạc sĩ Thông Đạt tác giả bài “Ai về sông Tương”.
Bài đầu tiên của cậu bé mồ côi mới 14 tuổi là bài : “Mùa xuân dưới mái học đường”, được chính ông thầy là nhạc sĩ Thông Đạt ký âm lại. Anh được thầy dạy thêm về hòa âm, sáng tác. Thầy Thông Đạt nói: “Một ca khúc hay phải có 3 phần đều hay đó là lời, nhạc và cấu trúc”. Chính nhạc sĩ Thông Đạt khuyến khích cậu học trò hát và ông đã đưa cậu học trò nhỏ vào Đài Phát thanh Huế để thu âm.
Học xong trường Quốc học Huế, chàng trai trẻ vào học Đại học Khoa học Sài Gòn và tham gia Tổng hội sinh viên. Do biết sáng tác và lại hát hay, anh là một trong những trụ cột văn nghệ của phong trào sinh viên.
“Hát từ đồng hoang”
“Tôi vừa học vừa tranh đấu, thế hệ sinh viên chúng tôi đa số là như vậy. Chúng tôi chán ghét chiến tranh và mong muốn có hòa bình. Học được được 2 năm ở Đại học Khoa học Sài Gòn, do bị chính quyền làm khó dễ, tôi phải ghi danh học bên Vạn Hạnh. Tôi tốt nghiệp cao học Vạn Hạnh (chuyên ngành bang giao quốc tế) và tốt nghiệp cao học Đà Lạt (chuyên ngành báo chí)- Nhạc sĩ nay tóc đã bạc màu, vui vẻ kể lại – Tuy học nhiều thế, nhưng đam mê của tôi vẫn là âm nhạc”. Biến cố lớn xảy ra năm 1967, khi tập nhạc phản chiến “Hát từ đồng hoang” gồm 10 ca khúc của Miên Đức Thắng đã được Tổng hội sinh viên Sài Gòn ấn hành tạo ra làn sóng phản chiến mạnh mẽ trong giới sinh viên, trí thức.
Trong bài “Mẹ ơi nuôi con lớn để con làm tù binh”, nhạc sĩ đã gọi binh sĩ miền Nam buông súng thay vì bắn vào anh em đồng bào, bài hát có những câu từ “Vì con không muốn giết bao anh em của mình, vì con không muốn giết nên con làm tù binh…”
Nhạc sĩ kể lại: “Năm 1969 tôi bị chính quyền cũ bắt, kết án 5 năm tù vì sáng tác nhạc phản chiến, sáng tác của tôi bị cấm biểu diễn”.
Nhờ báo chí lên tiếng, phong trào học sinh sinh viên trong nước và thế giới phản đối rầm rộ, nên tòa án chế độ cũng buộc phải tạm đình chỉ không thi hành án 5 năm tù khổ sai với nhạc sĩ Miên Đức Thắng. Khi ấy ông cũng đã ngồi tù 6 tháng, trong đó có 3 tháng phải biệt giam.
“Một sáng con về”
Trước năm 1975, tác phẩm của Miên Đức Thắng bị cấm phổ biến, ông chỉ có thể hát những tác phẩm của các nhạc sĩ khác. Năm 1970 hãng đĩa Việt Nam ký hợp đồng với Miên Đức Thắng với tư cách một ca sĩ, để anh hát cho hãng này. Tổng cộng, Miên Đức Thắng đã thu âm được 3 đĩa nhạc với khoảng 20 bài hát phát hành rộng rãi. “Tiền trả cho ca sĩ thu âm một bài hát tương đương với một chiếc xe máy thời đó” – nhạc sĩ tâm sự - “Nhưng tôi không được hát các bài viết của chính tôi”.
Sau năm 1975, người nghe được biết tới nhạc sĩ Miên Đức Thắng qua ca khúc mà anh sáng tác: “Một sáng con về” qua giọng hát Bảo Yến. Nhạc sĩ cho biết: “Bài hát này có ý thơ của nhà thơ Tường Linh. Tôi có lấy vài đoạn thơ của Tường Linh và viết thêm để hoàn thành ca khúc trong khoảng vài ngày”.
Bài hát mô tả cảnh hòa bình như trong mơ:“Một sớm con về đồng lúa Việt Nam/ thoát từng lưới đạn/ Đầu làng trăng sáng/ Nhà ai chung vườn/ khói bếp mến thương”.
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng định cư ở nước ngoài 30 năm qua, con cái anh đều khá thành đạt, là các tiến sĩ y khoa. Tuy vậy, với nhạc sĩ Miên Đức Thắng thì “một sáng con về” Việt Nam vẫn là niềm vui lớn hơn cả. Anh thường về Việt Nam để thăm bè bạn, sáng tác và làm từ thiện. Anh vui vẻ bảo: “Mới rồi mình có tổ chức làm từ thiện ở Huế và chia sẻ với mọi người về tác dụng của âm nhạc trong việc giúp con người cải thiện sức khỏe”.
Bìa tập nhạc phản chiến: “Hát từ đồng hoang”
Thời gian gần đây nhạc sĩ Miên Đức Thắng dành hết tâm huyết cho dự án đem âm nhạc đến cho các bệnh nhân, dùng âm nhạc như một trị liệu giúp người bệnh lạc quan yêu đời, chiến thắng bệnh tật.