Không gian trải nghiệm di sản ở Văn Miếu

Một số hoạt động trải nghiệm di sản của học sinh tại không gian này Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Một số hoạt động trải nghiệm di sản của học sinh tại không gian này Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Không chỉ dừng lại ở việc khai thác di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám (VM-QTG) như điểm đến du lịch hút khách, Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học VM-QTG ấp ủ và ra mắt Khu trải nghiệm cùng di sản và phòng trưng bày sản phẩm lưu niệm.  

Gặp PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa, ông tươi tỉnh bước ra từ khu trải nghiệm cùng di sản. Dưới góc độ chuyên gia bảo tàng, nhà nghiên cứu luôn hướng tới kể chuyện thông qua hình ảnh, hiện vật, PGS.TS. Huy nhận xét những người thực hiện làm rất tốt phần thiết kế. Không gian này nhằm phục vụ chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới ở Văn Miếu, đồng thời giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế phòng lưu niệm tại nhà Hữu vu khu điện Đại Thành trong di tích.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học VM-QTG cho hay, không gian này dành cho hoạt động và trải nghiệm của học sinh đi theo lớp hoặc trẻ em đi theo gia đình, cũng dành cho khách tham quan hoặc tìm hiểu sâu về di sản. “Chúng tôi trang bị đầy đủ bàn ghế cho các hoạt động vẽ, nặn... các thiết bị hiện đại như máy tính, máy chiếu, máy tính bảng cho các hoạt động chiếu phim và hình ảnh tư liệu về Văn Miếu, về lịch sử khoa cử Việt Nam, hay hoạt động thuyết minh”, ông Kiêu nói. Không gian này được trang trí bằng bức tranh Vinh quy bái tổ trên tường, các hoạt tiết trang trí bút lông bằng đá ở nhà Thái học xưa.

Không phải tới bây giờ Trung tâm mới đưa ra chương trình giáo dục di sản cho trường học và các nhóm du khách. Từ năm 2016 hàng chục chủ đề giáo dục theo lứa tuổi, cấp học được thiết kế riêng để phù hợp cho từng đoàn học sinh như: Lớp học xưa, khám phá kiến trúc cổ, đánh giá môi trường di tích, khám phá bia tiến sĩ, sách và mộc bản. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Kiêu khẳng định với việc hình thành không gian riêng dành cho trải nghiệm di sản, các em học sinh cũng như khách tham quan có điều kiện tìm hiểu chuyên sâu hơn.

Hoạt động giáo dục di sản theo phương pháp mới tại di tích chú trọng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tương tác, chương trình do cán bộ di tích thiết kế. Học sinh không thụ động tới tham quan theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa nữa, thay vào đó trước khi tham quan giáo viên cho học sinh tìm hiểu trước về di sản. Quan trọng hơn sau tham quan học sinh tự sáng tạo sản phẩm từ những kiến thức sáng tạo được tại di tích.

Có mặt tại lễ khai trương ra mắt ngày 15/11, TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, một trong những chuyên gia tư vấn cho chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới đánh giá: “Các chương trình giáo dục di sản văn hóa tạo ra các kênh kết nối giá trị, ý nghĩa và nội dung của di sản văn hóa với công chúng, thu hút sự quan tâm của họ. Đó cũng chính là điều UNESCO khuyến nghị các cơ quan di sản văn hóa phải trở thành nơi cung cấp các cơ hội học tập suốt đời cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ xoay quanh ba trụ cột kiến thức, kỹ năng và năng lực”. Học sinh đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám có thể học nhiều khía cạnh về lịch sử, truyền thống hiếu học, kiến trúc, mỹ thuật ngoài những con chữ khô cứng trong tài liệu, sách giáo khoa.

Dịp này, du khách cũng được trải nghiệm phòng trưng bày các sản phẩm lưu niệm đặc trưng. Sản phẩm thiết kế mang bản sắc của Văn Miếu-Quốc Tử Giám hơn khi khai thác họa tiết, nét đặc trưng về kiến trúc, mỹ thuật và lịch sử của di tích. Từ sổ, bút, chặn giấy, bình đựng nước, ống bút... được thiết kế theo hướng làm nổi bật yếu tố hiện đại của công nghệ, giá trị truyền thống của di sản. Lãnh đạo Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học VM-QTG khẳng định đây là những bước đi đầu tiên để hướng gắn di sản với phát triển du lịch bền vững, làm cho di sản mang hơi thở cuộc sống đương đại, trở thành trung tâm sáng tạo văn hóa.

MỚI - NÓNG