Ở tuổi 44, nhạc sĩ người gốc Hạ Long đang ở độ sung mãn nhất của sự nghiệp. Vừa làm giám đốc sản xuất cho nhiều ca sĩ trẻ tuổi đình đám như Văn Mai Hương, Uyên Linh, Đinh Mạnh Ninh..., nhạc sĩ Huy Tuấn còn tham gia các show truyền hình lớn với tư cách giám đốc âm nhạc, giám khảo hay cố vấn âm nhạc như Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent, Bài hát yêu thích...
Những sáng tác của anh, dù là nhạc phim hay “độc quyền” dành cho ca sĩ, đều nhanh chóng trở thành hit trong các bảng xếp hạng âm nhạc.
Mặc dù rất bận rộn, nhưng nhạc sĩ của “Khúc giao mùa” đã dành cho phóng viên một buổi trả lời phỏng vấn, lần đầu tiên chia sẻ về niềm đam mê công nghệ cũng như công nghệ có ảnh hưởng như thế nào đến công việc, gia đình của anh.
Xin chào nhạc sĩ, gần đây anh xuất hiện ở nhiều chương trình giải trí tầm cỡ từ Bắc vào Nam, chưa kể các dự án nhạc phim, sản xuất âm nhạc, sáng tác... Vậy anh quản lý công việc, thời gian của mình như thế nào?
Tôi đã quen với áp lực khi cùng lúc phải chịu trách nhiệm nhiều chương trình. Hơn nữa các công việc này tôi không làm một mình, mà còn có rất nhiều cộng sự hỗ trợ nên mọi việc vẫn đang diễn ra trôi chảy. Với lại, thời đại công nghệ hiện nay có thể vận hành công việc từ xa, có thể giải quyết nhiều công việc cùng lúc.
Trong giới giải trí lan truyền Huy Tuấn là dân đam mê công nghệ thứ thiệt? Có đúng vậy không?
Nếu Apple ra iPhone 6 mà ngay lập tức phải là một trong những người sở hữu đầu tiên là đam mê công nghệ thì chắc Huy Tuấn chưa đam mê công nghệ rồi (cười). Tôi chỉ là người thích công nghệ thôi, và thỉnh thoảng khi có thời gian cũng vọc vạch, tìm hiểu để phục vụ cho nhu cầu công việc, cuộc sống.
Thực ra thì với công việc của các nhạc sĩ hiện nay thì nó luôn gắn liền với công nghệ, tất cả các nhạc cụ và phần mềm chúng tôi dùng để làm việc đều phải luôn cập nhật nhanh với thế giới, nên phải nói chính xác là các nhạc sĩ thời này không thể thờ ơ với công nghệ được.
Theo anh như thế nào là người đam mê công nghệ đích thực?
Tôi nghĩ rằng đó phải là một người luôn thích cập nhật đổi mới và yêu những chi tiết cũng như đánh giá được sức sáng tạo của trí óc và đặc biệt là phải để nó phục vụ tối đa cuộc sống của mình.
Tôi không nghĩ rằng tôi có thể sống vui vẻ và tiện nghi khi thiếu smartphone, máy tính bảng và Internet. Nó đơn giản đã hòa vào từng hơi thở của cuộc sống chúng ta hôm nay, hoặc ít nhất là đối với những người yêu công nghệ. Cả ba thứ đều liên quan mật thiết tới nhau nhưng tôi luôn nghĩ rằng Internet là thứ không thể thiếu của thế kỉ 21.
Giờ đây công chúng quen với hình ảnh nhạc sĩ sáng tác nhạc trên máy tính. Vậy việc viết nhạc trên máy tính có ảnh hưởng như thế nào đến dòng cảm xúc hay nguồn cảm hứng thưa anh? Nó có giúp anh sáng tác nhanh và tốt hơn?
Nó chỉ là phương tiện và sự tiện nghi thôi. Những giai điệu đẹp nó được phát ra từ cảm xúc của bạn, còn các công việc sau đó thì mới đến lượt máy tính hay các thứ khác.
Phải chăng do bắt kịp xu hướng công nghệ mà các bài hát của anh gần đây luôn được giới trẻ yêu thích và trở thành những bài hit đình đám không ạ?
Tôi không nghĩ có những thứ tiện nghi đó thì chúng ta sẽ có những bài hát hit. Nếu vậy thì rất nhiều người có thể làm được việc này. Như bạn thấy đấy, bây giờ với sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số, ai cũng có thể soạn nhạc, làm nhạc.
Chỉ cần sở hữu một chiếc smartphone hay tablet với các app hỗ trợ là bạn có thể soạn được bản nhạc tùy thích, rồi chia sẻ lên Facebook, YouTube. Nhưng có bao nhiêu trong số đó có sức sống vượt thời gian chắc bạn cũng biết. Tại sao? Bởi bài hát là giai điệu của tâm hồn người nghệ sĩ chứ nó không được phát ra từ máy tính.
Nói vậy nhưng thử hình dung nếu thiếu sự hỗ trợ của công nghệ thì hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp của anh sẽ khác thế nào so với hiện giờ?
Cũng phải nói rằng phần mềm phía sau xử lý đã giúp cho công việc sáng tác của nhạc sĩ thuận lợi hơn nhiều. Chẳng hạn, bây giờ thì ngay lập tức chúng tôi có thể nghe, điều chỉnh lại từng nốt nhạc, giai điệu mà không cần ca sĩ biểu diễn “dịch” bản nhạc đó, hoặc có thể xử lý âm thanh cực kỳ phức tạp... Nói chung, công nghệ giúp sáng tạo được thăng hoa, hiệu quả hơn.
Theo một clip hiếm thấy cận cảnh về tổ ấm của anh gần đây thấy anh không chỉ sáng tác nhạc trên máy tính mà còn có thể điều khiển ngôi nhà của mình từ xa trên máy tính bảng. Trong nhà anh, ở đâu cũng thấy gắn với công nghệ cả?
À, đó là các thiết bị điều khiển hệ thống Nhà thông minh SmartHome. Tôi quan niệm công nghệ cao cần phải có mặt và mang lại sự tiện nghi trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, lúc đó nó mới thật sự có ý nghĩa nên trong nhà rất nhiều thứ liên quan đến công nghệ cao để phục vụ cuộc sống.
Trước đây Nhà thông minh chỉ thấy trên phim ảnh, nhưng tôi không hề nghĩ tới nó cho tới khi quyết định làm lại căn hộ của mình. Khi đó tôi nghĩ chắc phải có những thứ thông minh như thế và thật bất ngờ nó đã bắt đầu phổ biến ở Việt Nam.
Bạn có thể điều khiển các thiết bị trong nhà từ xa, từ khóa cửa đến ánh sáng, điều hòa... thông qua máy tính bảng, smartphone ở bất kỳ đâu. Thật bất ngờ và thú vị công nghệ này lại đến từ một công ty của Việt Nam (PV: Bkav SmartHome)
Vâng, câu hỏi cuối cùng là từ góc độ người dùng công nghệ ở mức độ cao cũng như dựa trên nhu cầu của mình, theo anh xu hướng công nghệ tiếp theo sẽ là gì?
Bạn thấy đấy, dường như mọi thứ xung quanh ta đều trở nên thông minh hơn, xu hướng tiếp theo các thiết bị sẽ gắn liền với “smart”.(PV: thông minh)
Cảm ơn anh rất nhiều và chúc anh ngày càng thành công và hạnh phúc!
Theo Phương Mai