Nhà vô địch Tiền Phong Marathon: Không được nuông chiều bản thân

0:00 / 0:00
0:00
Hoàng Nguyên Thanh thời điểm về đích
Hoàng Nguyên Thanh thời điểm về đích
TPO - Bắt đầu nghiệp chạy từ 2010 nhưng đến năm 2017, Hoàng Nguyên Thanh bất ngờ bỏ ngang. Nhưng niềm đam mê chạy bộ khiến anh quay lại vào cuối năm 2019, rồi liên tiếp vô địch Tiền Phong Marathon hai năm liên tiếp 2020, 2021. Nói về thành công của bản thân, Thanh bảo, quan trọng là “không được nuông chiều bản thân”.

Chúc mừng Thanh bảo vệ thành công chức Vô địch Tiền Phong Marathon. Vì sao Thanh lại nghỉ chạy trong vài năm rồi động lực, suy nghĩ gì khiến em quay lại?

Lý do nghỉ thì cũng có nhiều vấn đề. Từ chấn thương, áp lực tâm lý, rồi nhiều cái nữa tạo thành áp lực lớn hơn nên em dừng lại. Trong thời gian nghỉ, em làm việc bán thời gian ở Cty may mặc. Em cũng đi học ngoại ngữ. Em cũng đi làm, nhưng công việc cứ lặp đi lặp lại từ sáng đến tối, cũng không phát triển, thay đổi gì. Quan trọng là em thấy không được sống với đam mê của mình - chạy bộ. Em là chân chạy mà ngồi một chỗ thì không thể nào hài lòng được.

Đến năm 2018 – 2019, phong trào chạy bộ rất phát triển. Em thấy mình còn trẻ mà chẳng lẽ lại vùi sức trẻ vào đây, không thấy xứng đáng tí nào. Thấy các anh chị chạy rất vui. Ban đầu em chỉ quay lại, tham gia một hai giải cho vui thôi. Nhưng động lực của em lại lớn hơn nhiều. Em nhận thấy khả năng mình còn hơn thế, chẳng lẽ lại chấp nhận chỉ có như thế. Vì thế em tham gia chuyên nghiệp một lần nữa, cống hiến cho địa phương, hai nữa là cống hiến cho đất nước, trước hết là ở SEA Games.

Như Thanh nói, chạy bộ với Thanh là niềm đam mê, vậy niềm đam mê đó bắt đầu từ đâu?

Em sinh ra ở Bình Phước, hiện đang thi đấu cho tỉnh Bình Phước. Hồi học cấp 2, em rất thích xem các anh chị thi chạy ở SEA Games, theo dõi rất nhiệt tình, phấn khích. Hồi đó, em có tham gia hoạt động của trường, rồi tham gia cấp tỉnh, từng bước phấn đấu, rồi thầy cân nhắc huấn luyện, đào tạo em thêm trên tuyển, đưa trình độ của em lên cao hơn nhiều. Lúc đó em gặp thầy Bùi Lương, thầy định hướng em vào marathon, hướng dẫn em rất nhiệt tình. Khi thầy Lương nghỉ, các thầy tiếp tục hướng dẫn em, tiếp tục giúp em hoàn thiện, mạnh mẽ hơn trước đây rất nhiều.

Như vậy, Thanh đang hướng tới SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà. Từ nay đến khi SEA Games được tổ chức, Thanh dự định tham gia giải nào nữa và kế hoạch tập luyện thế nào?

Gần nhất, em sẽ tiếp tục tham gia giải chạy của Techcombank để đưa thành tích của mình tốt hơn nữa. Hiện em đang có thành tích thời gian 2h26’58’’. Ở SEA Games gần nhất, vận động viên mạnh nhất có thành tích 2h26’. Sau 2 năm, trình độ của họ lên rất nhiều. Em mong sẽ tranh chấp được trong top 3, vì trình độ của họ hiện nay dưới 2h20’ hết rồi. Với khả năng của em, em tin mình sẽ có kết quả tốt hơn trong thời gian tới vì em có niềm tin, đặt mục tiêu đến cuối năm nay có thể đưa thành tích xuống dưới 2h20’.

Lối sống, sinh hoạt của một vận động viên marathon chuyên nghiệp như Thanh có khác biệt gì nhiều so với người bình thường?

Với vận động viên chuyên nghiệp, lối sống phải khoa học do bản thân mình tự đề ra. Như em thường dậy sớm, lúc 4h sáng hàng ngày. Đều đặn thức dậy vào giờ đó để tập luyện, sau đó ăn sáng, dành thời gian đọc sách, có thể ngủ thêm một tiếng nữa trước giờ cơm trưa. Ăn trưa xong lại ngủ đến khoảng 15h – 15h30 rồi dậy tập luyện tiếp. Ngày nào cũng như vậy. Buổi tối, em sẽ ngủ sớm, khoảng từ 21h- 21h30. Phải giữ kỷ luật như vậy, không được nuông chiều bản thân.

Thanh đánh giá như thế nào về giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong năm nay tại Pleiku?

Giải năm nay có đường chạy rất ấn tượng với những con dốc cực kỳ khốc liệt. Bản thân em cũng thấy ngợp. Nhưng mà đổi lại thì đường chạy rất thú vị. Lên dốc liên tục nhưng cũng có đoạn xả dài, rất thích, vận động viên sẽ lấy lại được năng lượng. Hai bên đường người dân ra xem rất đông, cổ vũ nhiệt tình, anh em vận động viên rất vui, rất cảm xúc. Đường chạy hơi nhỏ, cảm giác đông, chen chúc một tí nhưng vui và không bị lạc lõng.

Em tham gia giải chạy của báo Tiền Phong từ 2013. Đây là lần thứ hai em về Nhất Marathon nội dung nam. Ngoài đấu trường SEA Games, em cũng hướng tới giải đấu tầm châu lục. Quan trọng là bản thân mình cố gắng hay không, có đặt ra mục tiêu hay không. Môn marathon là môn thể thao cô độc, là môn tự ý thức. HLV giao giáo án nhưng mình không theo được hoặc mình không thực hiện, mình chán nản thì không bao giờ làm được. Do bản thân mình là chính.

Xin cám ơn Thanh!

Nhà vô địch Tiền Phong Marathon: Không được nuông chiều bản thân ảnh 1
MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm 2025, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
TP - Việc các concert “anh trai” được tổ chức liên tục (6 đêm trong vòng hai tháng) vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt khán giả đương nhiên là tín hiệu tốt cho ngành tổ chức biểu diễn, mở ra hướng đi mới cho công nghiệp văn hóa. Nhưng làm nên chuyện không chỉ do các nghệ sĩ. Lần đầu tiên có dấu hiệu khán giả không chỉ thần tượng nghệ sĩ mà hâm mộ gameshow góp phần tạo nên những thần tượng đó…
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
TP - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu từng đánh giá Đà Nẵng là địa phương điển hình của đổi mới sáng tạo, luôn tìm cách để du khách trải nghiệm, thụ hưởng cảnh quan, đắm chìm trong các sự kiện, lễ hội nhiều nhất. Thành phố bước vào mùa mưa lạnh cuối năm với thời tiết nhiều bất lợi nhưng vẫn không “ngủ vùi trong chăn” mà liên tục tung ra sản phẩm, thổi luồng khí ấm cho du lịch Đà Nẵng.