Năm 2019, Trần Thế Trung (THPT chuyên Phan Bội Châu) trở thành học sinh đầu tiên của tỉnh Nghệ An vô địch Đường lên đỉnh Olympia. Gần một năm sau đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, chàng trai đạt điểm cao với Lịch sử 9, Địa lý và GDCD đều trên 9. Riêng bài thi Ngoại ngữ (Tiếng Anh), cậu được miễn do có chứng chỉ IELTS 8.0. Nam sinh nằm trong số ít quán quân chọn học tập tại Việt Nam.
“Khi tìm kiếm những bài báo gần đây về Trần Thế Trung, thông tin hiện lên nhiều nhất là ‘nhà vô địch Olympia duy nhất không đi du học’”.
Được hỏi về điều này trong cuộc trò chuyện, Thế Trung chia sẻ cậu mừng vì mọi người nhớ đến mình theo cách khá đặc biệt.
Tuy nhiên, theo như Thế Trung được biết, quán quân Olympia năm thứ 21 Nguyễn Hoàng Khánh cũng không lựa chọn con đường du học. Do đó, thông tin trên là chưa chính xác.
Thế Trung cho rằng nếu chương trình kéo dài hơn, sẽ có thêm nhiều quán quân cũng lựa chọn như vậy.
“Đơn giản là mỗi người một khác và sẽ có những trải nghiệm, lựa chọn, ước mơ khác nhau. Những điều này còn bị tác động bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan”, nhà vô địch Olympia năm thứ 19 nói.
Áp lực khó tránh khỏi
Sau mỗi trận chung kết Olympia khép lại, người chiến thắng luôn được quan tâm chuyện “đi du học ở đâu”, “đang làm gì”, “thành công ra sao”,... thậm chí một phát ngôn của họ cũng gây chú ý.
Bản thân Thế Trung cũng không tránh khỏi điều này.
Với nam sinh, những câu hỏi như vậy cho thấy lối suy nghĩ và sự kỳ vọng vô lý lên những người chỉ đơn giản là chiến thắng một cuộc thi và được trao một suất học bổng du học.
“Tất nhiên, những điều đó là cơ hội lớn để phát triển. Nhưng việc sử dụng cơ hội đó ra sao và lựa chọn thế nào hoàn toàn là quyền cá nhân”, cậu khẳng định.
Tuy nhiên, Thế Trung cho rằng mặt khác, việc trở thành quán quân cũng giúp cậu được biết đến nhiều hơn và mang đến không ít cơ hội trong học tập cũng như công việc.
Nhưng cuối cùng, Thế Trung xác định mọi thứ vẫn sẽ phụ thuộc vào ý chí và năng lực của chính mình. Với khả năng hiện tại và định hướng cá nhân, nhà vô địch Olympia 2019 cho biết sẽ dùng thực lực để chứng minh bản thân và tiến xa hơn nữa.
Thế Trung thừa nhận danh hiệu quán quân Olympia vừa mở ra nhiều cơ hội, vừa mang tới không ít áp lực. Ảnh: Duy Hiệu. |
Năm 2020, sau khi tốt nghiệp THPT, Thế Trung không sang Australia du học như dự tính ban đầu do dịch COVID-19. Nam sinh có 3 tháng học online theo chương trình của Đại học Kỹ thuật Swinburne. Tuy nhiên, cảm thấy bản thân không phù hợp, cậu quyết định dừng lại.
Quán quân Olympia năm thứ 19 đắn đo một thời gian trước khi đưa ra lựa chọn ở lại Việt Nam học tập. Cậu nhận được ủng hộ từ gia đình, bạn bè.
Thế Trung hiện là sinh viên Đại học RMIT Việt Nam, chuyên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo. Đây là ngành học chàng trai yêu thích từ những năm cấp 3. Cậu cho biết trong tương lai, dù có làm ngành nghề nào, bản thân cũng sẽ không từ bỏ thiết kế.
Với Thế Trung, lựa chọn không đi du học mang lại nhiều trải nghiệm có thể có ở Việt Nam, nhưng không ở đâu khác.
“Một điều chắc chắn mà tôi nghĩ người đi du học sẽ rất nhớ là đồ ăn Việt. Ở Việt Nam cũng cho tôi cảm giác hòa mình vào cộng đồng hơn, có thể tiên phong tạo ra những điều mới mẻ mà ở Việt Nam chưa có trong khi nước ngoài có khi đã rất sẵn. Tôi nghĩ rằng mỗi quốc gia, môi trường, hoàn cảnh đều sẽ cho mình những cơ hội và thách thức riêng biệt, độc nhất mà không so sánh được”.
Tương tự, ngành thiết kế cho Thế Trung cơ hội giao tiếp, tương tác, làm việc với cộng đồng nhiều hơn.
Là bộ môn với những nguyên tắc không kém phần tự nhiên trong khi làm việc với đối tượng chủ yếu thuộc về xã hội, chàng trai 20 tuổi nghĩ ngành học này dung hòa tốt khả năng của bản thân cũng như các lĩnh vực mà cậu yêu thích.
Nhiều đam mê
Ngoài học tập, Thế Trung thường chia sẻ với mọi người về đam mê shogi, bóng rổ, thư pháp. Tất cả đến với nam sinh như cái duyên.
Đối với thư pháp nói riêng và Hán Nôm nói chung, đây là sở thích, thứ mà Thế Trung muốn tìm hiểu. Cậu muốn được kết nối với nền văn hiến của ông cha ta từ nghìn xưa, hiểu rõ hơn về tiếng Việt. Đây cũng là cầu nối để học thêm những ngôn ngữ và nền văn hóa Á Đông.
Dịp Tết Nguyên đán này, nhà vô địch Olympia 2019 dự định viết vài bức thư pháp để treo trong nhà.
Đối với shogi, đây là mối duyên mà Thế Trung gặp từ hồi cấp 2. Khi tìm hiểu, chàng trai thấy bộ môn này rất thú vị, có lẽ là hơn nhiều so với cờ vua/cờ tướng mà mọi người hay chơi. Bên cạnh đó, nó cũng có những yếu tố văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống Nhật Bản.
Thế Trung đang là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Shogi Việt Nam với mong muốn phổ biến bộ môn này rộng rãi hơn đến mọi người, hình thành và phát triển cộng đồng kỳ thủ lớn mạnh cũng như tổ chức những sân chơi càng ngày càng chuyên nghiệp.
Câu lạc bộ hiện đã có hệ thống giải đấu xếp hạng là Danh Thủ chiến và hứa hẹn có thêm nhiều giải đấu, sân chơi dành cho kỳ thủ cả nước trong tương lai.
Bản thân Thế Trung mong muốn một ngày có thể biến shogi từ đam mê thành công việc chính, thậm chí nâng tầm lên thành môn thể thao thi đấu chuyên nghiệp tại Việt Nam.
“Tất nhiên, để làm được điều đó, cần sự nỗ lực rất lớn cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng. Bởi vậy, tôi rất mong mọi người sẽ tích cực ủng hộ cho cộng đồng shogi Việt Nam”, cậu bày tỏ.
Thế Trung đang là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Shogi Việt Nam. Ảnh: Vietnam Shogi Club - VSC. |
Đối với bóng rổ, đây là niềm đam mê lớn của Thế Trung từ lâu. Chàng trai bắt đầu làm trọng tài bóng rổ từ năm lớp 8 mà bản thân mô tả “chỉ là ‘học đòi’ cầm cây còi”, nhưng từ đó, cậu đã tìm hiểu luật và tham gia các giải đấu nhỏ ở thành phố Vinh.
Niềm đam mê này đã lớn dần theo năm tháng và đạt đến đỉnh điểm khi Thế Trung ra Hà Nội học đại học, sau dự án dịch Luật Bóng rổ 2020. Nam sinh đã tham gia điều hành Hanoi Basketball League (HBL) - giải đấu không chuyên lớn nhất Hà Nội, và đánh dấu bước phát triển lớn trong lĩnh vực này.
Hiện tại, Thế Trung là thành viên của Liên đoàn Bóng rổ Hà Nội và Hoàng Thành Basketball Agency - đơn vị chuyên cung cấp trang thiết bị thi đấu và tổ chức giải đấu bóng rổ tại Hà Nội.
Thời gian qua, Thế Trung có cơ hội tham gia điều hành một số giải đấu có quy mô lớn hơn tại Hà Nội như Hanoi Basketball Championship 2022 (HBC), Giải bóng rổ 3x3 Sinh viên Hà Nội 2022 (HCC 3x3), Giải Bóng rổ Sinh viên Toàn quốc 2022 (NUC) khu vực miền Bắc và gần đây là Hanoi Youth Basketball Cup 2022 (HYBC).
Hiện tại, Thế Trung cùng với Hoàng Thành tiếp tục biên dịch hệ thống tài liệu luật và trọng tài của FIBA (Liên đoàn Bóng rổ Thế giới) ra tiếng Việt, sau đợt cập nhật Luật Bóng rổ 2022, để tiếp tục phổ biến cho cộng đồng bóng rổ cả nước.
“Tôi mong muốn tiếp tục trau dồi kỹ năng trọng tài của mình để tiến lên các cấp độ cao hơn, với mục tiêu là được điều hành các giải đấu cấp độ quốc gia và quốc tế”, Thế Trung cho biết.
Thế Trung hy vọng có thêm cơ hội phát triển với nghề trọng tài bóng rổ. Ảnh: HUST Basketball Club. |
Trở lại với Đường lên đỉnh Olympia, Thế Trung nghĩ sân chơi này duy trì được đến nay là sự cố gắng rất lớn của những người làm chương trình. Nam sinh tôn trọng nỗ lực của họ.
Bên cạnh đó, nhà vô địch năm thứ 19 hy vọng sẽ có những sự cân nhắc điều chỉnh hợp lý hơn trong luật chơi, câu hỏi để cuộc thi ngày càng hấp dẫn hơn và duy trì được cái “chất” của chương trình.
Đối với dư luận, Thế Trung cho rằng sẽ không thể tác động trong một sớm một chiều. Nhưng chàng trai mong mọi người sẽ có cái nhìn thoáng hơn với các thí sinh nói chung và quán quân nói riêng, cũng như tôn trọng cuộc sống riêng tư và lựa chọn, quyết định của họ.
“Chắc chắn, tôi không mong muốn được nhớ tới chỉ vì cái danh ‘quán quân Olympia’. Tôi đang từng bước hiện thực hóa điều đó và tìm kiếm bản ngã của mình”, Thế Trung khẳng định.
Link gốc: https://zingnews.vn/nha-vo-dich-olympia-2019-se-co-them-nhieu-quan-quan-khong-di-du-hoc-post1395068.html