Nhà vệ sinh miễn phí sang như khách sạn

Nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn 5 sao miễn phí tại TPHCM. Ảnh: LT
Nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn 5 sao miễn phí tại TPHCM. Ảnh: LT
TP - Sở Giao thông vận tải (GTVT) và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín vừa đưa vào sử dụng miễn phí ba nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) cao cấp tại trung tâm TPHCM để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Phục vụ hoàn toàn miễn phí, được thiết kế hiện đại, tiện nghi song ý thức của nhiều người sử dụng còn thấp.

Tiêu chuẩn 4 - 5 sao

8 giờ sáng 19/2, NVSCC tại công viên Lê Văn Tám (quận 3) nườm nượp người ra vào, chiếm số đông là những người tập thể dục trong công viên. Chỉ trong vòng một giờ, NVSCC này đã phục vụ gần 100 khách vãng lai, trong đó có một số du khách nước ngoài.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (44 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) nói chỉ vào rút tiền, không có nhu cầu sử dụng NVSCC nhưng vẫn tạt vào rửa mặt để tham quan cho biết.

“Hiện đại, tiện nghi, kín đáo và sạch sẽ không kém nhà vệ sinh trong các khách sạn cao cấp” - anh Tuấn khẳng định.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc nhân viên tạp vụ của Sacombank, phụ trách NVSCC tại công viên Lê Văn Tám cho biết mỗi ca trực phục vụ bình quân khoảng 250 -300 người. “Du khách, công nhân, học sinh, sinh viên, tài xế taxi, xe ôm, người đi đường, bán hàng rong thường ghé vào. Nhiều người vào tham quan chứ không sử dụng” – chị Ngọc cho biết.

Một số nhân viên trực vệ sinh kể: Mỗi lần khách sử dụng xong, nhân viên phải kiểm tra, lau dọn vệ sinh để tránh bốc mùi. Nhiều người không thay dép, sau khi đại tiện không giội nước, có người còn để chất thải rơi rớt ra ngoài.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, NVSCC có diện tích khoảng 60 m2, nội thất bên trong sang trọng, hài hòa, đảm bảo nhu cầu riêng tư. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, khách phải để giày dép bên ngoài và sử dụng dép dành riêng để sẵn phía trong.

Mỗi nhà vệ sinh có hai phân khu cho nam và nữ, có phòng và thiết bị dành riêng cho người khuyết tật. Các bồn vệ sinh, lavabo làm bằng sứ cao cấp, đắt tiền. Xà phòng rửa tay hoàn toàn miễn phí.

NVSCC được trang bị hệ thống cảm biến, tự động xả nước sau khi sử dụng. Bồn rửa mặt lắp đặt một tấm gương lớn để khách chỉnh trang y phục trước khi rời đi.

Bình hoa, đồng hồ, lịch treo tường, đặt biệt là tiếng nhạc du dương, nhè nhẹ tạo cảm giác gần gũi, thoải mái, thư giãn cho người sử dụng. Mỗi nhà vệ sinh được bố trí các mảng xanh hài hòa không gian xung quanh.

Theo đại diện Sacombank, NVSCC được xây dựng theo tiêu chuẩn 4 - 5 sao, chi phí từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Các quy trình kỹ thuật xử lý, quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đảm bảo an toàn với môi trường được các cơ quan chức năng kiểm duyệt trước khi xây dựng.

Lỗ hổng … ý thức

Để quản lý, giữ gìn vệ sinh, Sacombank bố trí nhân sự chuyên trách trực theo ca (hai ca/ngày). Hàng ngày, nhà vệ sinh mở cửa từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm.

Từ năm 2010 đến nay, Sacombank đã đầu tư và đưa vào sử dụng 10 NVSCC miễn phí tại TPHCM, Đà Lạt, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cao Lãnh (Đồng Tháp) và đảo Phú Quốc.

Tại TPHCM, 3 NVSCC đầu tiên được đưa vào hoạt động từ 25/1 tại các công viên Tao Đàn, 23 tháng 9 và Lê Văn Tám. Đại diện Sacombank cho biết dự kiến trong năm nay sẽ tiếp tục hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm 8 NVSCC miễn phí tại một số bến xe, công viên ở TPHCM.

Giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang cho biết TPHCM cần khoảng 1.000 NVSCC, riêng khu vực trung tâm cần hàng trăm NVSCC. Nếu thí điểm thành công, thành phố sẽ cho phép lắp đặt NVSCC tại các trạm xe buýt và dịch vụ thanh toán xe buýt theo hình thức xã hội hóa để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Chi phí đầu tư, vận hành, điện, nước, thuê người lau dọn vệ sinh, giữ xe miễn phí cho người dân sẽ do nhà đầu tư (ngân hàng) đảm nhiệm. Bù lại, thành phố cho phép ngân hàng lắp đặt máy ATM trong khu vực NVSCC.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Sacombank cho biết do lắp đặt tại các khu vực phức tạp (công viên, bến xe), tập trung nhiều đối tượng, tệ nạn xã hội nên nhà đầu tư cần chính quyền địa phương và cơ quan chức năng (công an) hỗ trợ giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự.

Lo ngại lớn nhất hiện nay là ý thức cộng đồng, giữ gìn vệ sinh, của một bộ phận không nhỏ người sử dụng vẫn còn thấp.

Theo Sở GTVT, TPHCM hiện có khoảng 170 NVSCC lắp đặt chủ yếu tại khu vực trung tâm thành phố để phục vụ khách vãng lai, khách du lịch, trong đó nhiều công trình có thu phí, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, môi trường.

MỚI - NÓNG