Marko Nikolíc:

Nhà văn Serbia viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt

Tranh: nguyễn văn hổ
Tranh: nguyễn văn hổ
TP - Tôi và Marko Nikolíc hẹn nhau trên tầng 3 quán “Mậu dịch” ven hồ Ngọc Khánh (Hà Nội). Tôi hỏi Marko có hiểu từ “mậu dịch” không, anh nói đó là một cửa hàng thời bao cấp. Anh nhớ lại những kỷ niệm khi còn bé sống ở quê nhà Serbia (thuộc Nam Tư cũ) đã từng mua thực phẩm bằng tem phiếu. Tôi thầm duyệt khả năng tiếng Việt của anh.

Anh phát âm khá chuẩn và nói tôi là nhà văn người Việt đầu tiên anh quen. Lật quyển “Phố Nhà Thờ” của anh ở trang cuối, tôi giới thiệu với anh người đứng tên biên tập của Nhà xuất bản Hội Nhà văn chính cuốn sách của anh – Tạ Viết Đãng là tên thật của nhà văn Tạ Duy Anh. Anh chưa biết nhà văn thuộc loại đình đám này, cũng như Bảo Ninh, Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư... “Em đã đọc “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh bằng tiếng Anh. Em sẽ đọc bản tiếng Việt”. Marko thú thật, tiếng Việt của mình vẫn chưa đủ để đọc nhiều cuốn, “nhiều từ em chưa hiểu, có những từ không có trong từ điển nữa. Hay là có gì em sẽ hỏi anh?”. Tôi vui vẻ nhận lời và hứa sẽ giới thiệu cho anh gặp một số nhà văn nói trên, những người tôi kính trọng và… chúng tôi hay bù khú bia rượu.

Nhưng Marko là một “thanh niên nghiêm túc”, không rượu không thuốc. Anh hơi lúng túng thanh minh rằng nếu uống vào, anh có thể quên mất tiếng Việt để nói chuyện. Tôi đùa rằng việc anh không uống rượu có thể là một cản trở! Thầm nghĩ giá mà mình nghiêm túc được như anh chàng trẻ trung, đẹp trai này. Nhưng thế thì tôi lại thành người khác mất rồi. Và nếu thiếu đi cái “văn hóa bia rượu” này, có thể nền văn chương này hoặc toàn bộ dân tộc này đã khác!

Marko có lẽ là nhà văn nước ngoài viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt đầu tiên. Trước anh có vài người ra sách bằng tiếng Việt nhưng không phải tiểu thuyết, thậm chí cũng chẳng phải văn chương. Họ viết blog, status và rồi in lại thành sách.

Bắt đầu học tiếng Việt khi 28 tuổi, và mới được khoảng 4 năm, viết một cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Việt, ghi nhận nỗ lực của Marko. Nhưng hỏi thêm thì hóa ra anh chàng đã từng học hơn mười ngoại ngữ và có kỹ thuật, có mẹo học... Anh tiết lộ, đắm mình vào đọc sách tiếng Việt là cách học của mình. Đọc gì? Hơn 50 cuốn sách. Đoạn trong “Phố Nhà Thờ” này chính là quá trình đó: “Ban đầu tôi đọc những quyển truyện tranh của trẻ con. Sau đó tôi đọc bộ sách khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân Edison, Einstein, Napoleon... dành cho thanh thiếu niên. Cuốn sách Việt Nam đầu tiên mà tôi đọc là “Cà phê cùng Tony”, tiếp theo là bản dịch tiếng Việt cuốn “Người tình Sputnik” của Haruki Murakami. Và tôi thực sự mừng rỡ khi đọc được một vài truyện ngắn của Thạch Lam”.

Marko nói, anh thích “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng, một số quyển của Nguyễn Nhật Ánh. Anh cũng chưa hề đọc Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái.

Sống bằng nghề dạy tiếng Anh ở một trung tâm, Marko nói việc biết tiếng Việt giúp anh hiểu rõ hơn về các sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ và về các khó khăn mà học sinh Việt thường gặp khi học tiếng Anh.

“Phố Nhà Thờ” - tiểu thuyết của nhà văn người Serbia này, thú vị với một cái nhìn từ bên ngoài vào đời sống người Việt. Marko nói thêm, anh viết “Phố Nhà Thờ” để kể sự thật về cuộc sống của người nước ngoài tại thủ đô Hà Nội. Độc giả Việt có thể khám phá thế giới ‘’khuất’’ của người Tây và hiểu rõ hơn góc nhìn của “chúng tôi” về đất nước này. “Em kể sự thật và không ngại chỉ trích hành vi của người nước ngoài nếu nó không tốt đẹp”.

Có thể nói rằng “Phố Nhà Thờ” là một tiểu thuyết về Hà Nội hiện đại. Marko sống ở đây từ năm 2016 và cảm thấy rất gắn bó với thành phố này. Trong cuốn sách, anh cố gắng “miêu tả tâm hồn của Hà Nội”. Điều này khiến tôi thầm nghĩ: Vậy thì phải gặp và đọc Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tiến… rồi. Không thể so sánh “độ biết” của một người vừa vất vả học tiếng Việt vừa khám phá Hà Nội với các nhà văn người Hà Nội và hầu như chỉ viết về Hà Nội được. Nhưng ít nhất điều hấp dẫn ở đây là “cái khác”.

Cũng như mọi nhà văn, Marko viết để chia sẻ “những cảm tưởng sâu thẳm của mình, những nỗi sợ hãi và phấn đấu (chính xác anh dùng từ “phấn đấu”), chia sẻ những điều nằm sâu trong lòng ít khi dám nói thành lời: những thử thách về tình yêu, về lòng ích kỷ...

Thoạt đầu còn e dè, luôn thanh minh “không chỉ trích người Việt”, nhận được sự khuyến khích của tôi, Marko thẳng thắn cho biết mình “viết cả về những phong tục và thói hư tật xấu...”. Phẩm chất của người Việt, theo nhà văn người Serbia, anh « thích tính đoàn kết, tính cần cù, chịu khó. Người phương Tây hay than phiền kêu ca, hay chỉ trích, đổ lỗi cho đủ thứ: chính phủ, người dân, truyền thông... ». Anh nói, rất ngưỡng mộ tính chất tích cực và lạc quan của người Việt và cố gắng làm theo.

Trà My, nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết, là một cô gái giản dị khiêm tốn sống một cách chân thật và tự nhiên, một người vị tha rất quan tâm đến người khác, biết tìm thấy hạnh phúc ngay cả khi làm những điều nhỏ nhặt nhất.

Thông qua bốn mươi chương sách, Hà Nội hiện ra với những góc phố, ngóc ngách, quán cà phê, công viên đẹp đẽ. Marko viết về Hà Nội thế này: “Tình yêu thương giống như mùa thu Hà Nội: chúng ta chờ đợi nó mãi và cuối cùng khi nó đến, chúng ta chưa kịp tận hưởng những giây phút tuyệt diệu thì nó đã sớm bay mất rồi”.

Nhưng với bản chất phức tạp và đa đoan, Hà Nội cho tác giả nhiều thăng trầm tình cảm. Thông qua cái nhìn của nhân vật nam chính- mà Marko thú nhận là một phiên bản trong quá khứ của chính mình - có lúc anh cảm thấy mệt mỏi, chán chường, không tha thiết gì với một thành phố mười triệu dân ầm ĩ và đầy bụi bặm: “Đôi khi tôi nghĩ rằng mình không dị ứng thời tiết hoặc ô nhiễm mà bị dị ứng chính với thành phố này, như thể Hà Nội và tôi không thể chịu đựng nhau thêm nữa, tôi phải rời nó đi để được chữa lành”.

Hôm trước, trên trang cá nhân của Marko đưa lên một câu: "Phụ nữ là một trái ngọt nhưng dễ thành trái độc với kẻ không biết nếm đúng cách". Thực ra đây là một câu đã được đưa vào “Phố Nhà Thờ”. 

Rõ ràng phụ nữ Việt có vai trò quan trọng trong tiểu thuyết của nhà văn sinh năm 1987! "Phụ nữ Việt xinh đẹp đến mê cuồng. Nhưng điều tôi mê nhất là cặp mắt to với hàng lông mi dài, sâu thẳm, chứa chan tình cảm và ẩn giấu một tinh thần vững vàng, một tâm hồn dồi dào".

Trong một thư dài tự bạch về cuốn sách và về chính mình gửi cho tôi, Marko giãi bày: "phụ nữ là một gươm hai lưỡi vì họ mang lại cho đàn ông cả sung sướng lẫn khổ đau, cả hạnh phúc lẫn khốn khổ. Đàn ông mong muốn sở hữu, tận hưởng phụ nữ thay vì thấu hiểu họ. Một đàn ông yêu thương phụ nữ mà thiếu ý thức về các khác biệt giữa hai giới có nguy cơ bị tổn thương nặng nề".

Marko bắt đầu viết lách từ lúc 14 tuổi và đã từng ra mắt hai cuốn sách ở Serbia, Châu Âu (2006, 2011). Cuốn thứ nhất là một tiểu thuyết về tâm lý. Cuốn sách thứ hai - ‘’Ezan’’ kể về cuộc hành trình kéo dài 77 ngày qua  tám quốc gia Trung Đông mà anh hoàn thành vào năm 2008, khi mới 20 tuổi. Cuộc phiêu lưu của Marko (lúc đó là sinh viên đại học) đi qua khu vực hỗn loạn, trong khi mang theo rất ít tiền và phải xoay sở đủ cách qua một chặng đường dài khoảng 16.000 kilô mét. Không chỉ du ký, anh còn kể về văn hoá, lịch sử, phong tục và cả tâm hồn của Hồi giáo. Ngay sau khi ra mắt, ‘’Ezan’’ được đề cử cho hai giải thưởng văn học lớn trong nước.

“Về bản chất, tôi là một người hướng nội và kín đáo, tôi gặp khó khăn trong việc chia sẻ với thế giới bên ngoài. Chính vì thế mà tôi bắt đầu viết văn khi cảm thấy mình rất cô đơn. Viết lách trở nên một cách để tâm sự với độc giả không tên. Tôi suy nghĩ nhiều vì luôn cố gắng tìm ra ý nghĩa của cuộc sống này”.

Marko thích từ “phấn đấu”. Anh giãi bày: “theo tôi, mục đích cuộc sống là - phấn đấu. Phấn đấu cho đến cuối cuộc đời, không bỏ cuộc, dù hoàn cảnh của ta như thế nào đi nữa. Ý nghĩa của từ ‘’phấn đấu’’ có thể thay đổi theo người phụ thuộc vào hoàn cảnh sống và các khó khăn của từng người. Đấu tranh không phải là thay đổi thế giới mà thay đổi chính mình”.

Tò mò một chút về một ngày bình thường của chàng nhà văn nước ngoài trẻ tuổi. Có một lịch cố định cho các hoạt động hàng ngày. Trong đó có giờ đọc sách, ngồi thiền, viết lách, tập luyện cường độ cao… thường ăn đồ chay, hoa quả, đi ngủ trước 12 giờ đêm.

Thì đúng anh là “thanh niên nghiêm túc” thật.

Nhà văn này quan tâm đến khoảng cách thế hệ và khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam. Anh nói quyển sách tiếp theo nhân vật chính sẽ là người Việt. Đồng nghĩa với việc, anh phải tự bắt mình suy nghĩ như một người Việt.

Tôi hỏi Marko Nikolíc: “Em có nghĩ ngày nào đó lại sang một nước khác ở vài năm học tiếng và viết sách bằng bản ngữ không?”. Câu trả lời là: “Em không”; “Vì sao?”; “Việt Nam muôn năm”. Rồi anh chàng trầm giọng: “Em không còn sức bỏ tất cả và bắt đầu lại từ đầu. Tiếng Việt chắc chắn là ngôn ngữ cuối cùng mà em học.

Việt Nam là quê hương thứ hai của em! Marko Nikolíc quả quyết. Và tôi tin. 

Họ thờ ơ và không chút quan tâm đến vấn đề ô nhiễm. (…) Họ chỉ nhìn thấy cái trước mắt mà không biết nhìn xa, không chịu hiểu rằng ô nhiễm không khí không gây hại ngay lập tức mà giết dần giết mòn cơ thể. Họ không tiếc tiêu tiền mua điện thoại iPhone, áo quần hàng hiệu đắt tiền, đi nhà hàng hải sản xa xỉ hoặc nghỉ mát tại resort năm sao. Họ thích đầu tư vào vật chất hoặc dịch vụ mang đến cảm giác xa hoa, hưởng thụ nhằm để người khác biết họ có tiền, họ nổi trội, họ hạnh phúc.

(trích từ "Phố Nhà Thờ")

Cuốn sách thử thách

Nhà văn Serbia viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt ảnh 1

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - biên tập viên của Nhã Nam kể: Tháng 1/2019 có một chàng trai Tây đến, đề nghị được gặp biên tập viên sách tiếng Việt, không có hẹn trước. Thường nếu không có hẹn trước thì tôi từ chối tiếp luôn, nhờ nhắn tác giả để bản thảo lại. Nhưng một anh Tây tìm đến tận nơi hỏi về xuất bản tiếng Việt thì lạ, nên tôi đồng ý gặp. Đó chính là Marko Nikolíc.

Tôi đọc bản thảo tiểu thuyết ngay sau hôm đó. Nhìn chung về mặt ngôn ngữ Marko khá nhuần nhuyễn, nhưng nội dung thì chỉ nửa đầu là tốt, sinh động, hài hước, hấp dẫn, nửa sau bị đuối và đọc phải cố. Tôi viết thư cho Marko chia sẻ suy nghĩ của tôi, gợi ý sơ qua việc sửa chữa.

Ném lại cho tôi là một email rực lửa! Marko phản đối tôi bằng lời lẽ đanh thép và gay gắt khiến tôi choáng váng không hiểu mình đã làm gì. Tôi nói rõ hơn việc bản thảo chưa tốt ở đâu. Marko đáp lại, chê Nhã Nam cũng không in được văn học Việt gì nhiều, nói thẳng anh khó chịu với thái độ kiêu căng dạy đời của tôi. Thì ra đây là lý do. Tôi viết cho Marko rằng đó không phải kiểu cách của tôi. Mọi chuyện dừng lại ở đấy. Tôi chờ thấy cuốn tiểu thuyết xuất bản ở một nơi khác.

Nhưng ba tháng sau Marko trở lại, với “Phố Nhà Thờ” đã sửa chữa! Về chuyện này, Marko kể: Việc viết một tiểu thuyết bằng tiếng Việt là một thành tích lớn khiến tôi rất hãnh diện. Thế mà câu trả lời từ chối của Nhã Nam như tát thẳng vào mặt tôi. Tôi đã buồn nản và thất vọng đến mức mất ngủ mất ăn. Tôi biết rằng ở Việt Nam có hàng trăm nhà xuất bản và thuyết phục một NXB khác in “Phố Nhà Thờ” sẽ là điều dễ dàng bởi chủ đề của nó hấp dẫn và tác giả là người nước ngoài.

Tuy nhiên, tôi đã không làm thế. Tôi dành ba ngày lên núi để suy ngẫm thật kỹ lưỡng, thấu đáo. Rồi dành hơn hai tháng để sửa chữa bản thảo, hy sinh toàn bộ thời gian rảnh rỗi. Tôi xoá cả một phần ba của cuốn sách (khoảng một trăm trang) và viết lại từ đầu... 

MỚI - NÓNG