“Kính thưa quí vị. Lời đầu tiên cho phép tôi xin tự giới thiệu. Tôi là Trần Trung Việt, bút danh là Trần Nhã Thụy, sinh năm 1973, tại Đức Tân, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Quí vị có thể xem tôi như một nhà văn, nhà báo…”. Khai màn Vlog, Trần Nhã Thụy trịnh trọng giới thiệu về mình như vậy. Có lẽ, hiếm Vlog nào có màn chào hỏi nghiêm ngắn “kính thưa quí vị”, như cách Trần Nhã Thụy lựa chọn.
“Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn. Đó là đề từ trong truyện ngắn “Những bài học nông thôn” rất nổi tiếng của Nguyễn Huy Thiệp. Còn nhà phê bình văn học Hoài Thanh, trong cuốn Thi nhân Việt Nam, phần viết về thi sĩ Nguyễn Bính, có câu: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Một đất nước nông nghiệp, với nền văn minh lúa nước ngàn đời, thì dường như trong máu mỗi người Việt Nam đều chảy dòng máu nông dân, trong mùi mồ hôi chúng ta đều… thơm mùi nhà quê. Ba má tôi cũng là nông dân, và tôi cũng sinh ra ở nông thôn. Gần chẵn 30 năm tôi sống ở Sài Gòn, nhưng ngẫm, thấy mình vẫn là người nhà quê”, đó là lý do Trần Nhã Thụy đặt cho Vlog cái tên “Tôi là người nhà quê”. Cứ như cách gã dẫn giải thì đối tượng khán giả của Vlog này không chỉ nhắm đến người nhà quê mà còn mong chinh phục cả người thành phố, bởi xét đến cùng đố ai “thoát” được văn minh lúa nước, “quê” như nhau cả!
Ở Vlog “Tôi là người nhà quê” gã đóng vai trò người kể chuyện. Trần Nhã Thụy từng đặt câu hỏi, nếu không làm nhà văn mà làm người kể chuyện như mấy chú bác ngày xưa thì gã có làm được không, sẽ kể chuyện gì? “Làm một người kể chuyện (không phải bằng chữ viết) là việc tôi đang muốn làm”, gã thú nhận. Có những nhà văn viết thì hay, nói lại dở (và ngược lại), chắc chỉ số ít được cả hai.
Ngòi bút Trần Nhã Thụy độc giả yêu văn chương xa gần đã biết còn “văn nói” của gã ra sao? Gã kể, hồi nhỏ gã là đứa trẻ rất nhút nhát, chẳng được như lũ trẻ của gã bây giờ. Ngoài 20 tuổi, gã vẫn còn nỗi sợ đám đông. Mỗi khi đi dự đám cưới, nhìn thấy cảnh cha mẹ chú rể được mời lên sân khấu cứ ấp a ấp úng, mặt tái mét, là gã nghĩ tới viễn cảnh của mình. Từ đó, gã tập nói dần, rồi dạn dĩ dần.
Mấy năm nay gã còn làm MC nữa kìa: “MC nghiệp dư thôi nhưng tôi cũng thuộc loại phớt tỉnh ăng lê”. Xem Vlog phải công nhận gã dẫn chuyện trôi chảy nhưng chẳng dám mong gã tung hứng chiêu trò như mấy MC gameshow. Nói gì thì nói, gã vẫn là một nhà văn làm MC. Gã sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp. Khán giả xem xong video đầu tiên của gã thì góp ý: “Nói chậm và hơi nhỏ; nhạc nền hơi ồn”. Trần Nhã Thụy lập tức hứa hẹn: “Tôi nghĩ chắc do nhiều người thương mà góp ý nhẹ nhàng vậy. Chứ thực sự video còn nhiều khiếm khuyết, đặc biệt người dẫn chuyện trông… rất tệ. Thôi thì cố gắng ở những video tiếp sau”.
Không khai trên trang cá nhân nhưng gã nói nhỏ với anh em quen biết, Vlog “Tôi là người nhà quê” sinh ra trong dịch COVID-19: “Nghỉ ở nhà dài ngày quá, tụi nhỏ nghĩ chuyện làm Vlog”. Tham gia sản xuất Vlog ngoài hai cậu con trai của gã còn có sự tham gia của em gái út. Tiến tới, vợ gã cũng sẽ tham gia phụ quay, khi hai con gã phải đến trường. Đó là chưa kể rất nhiều cổ động viên nhiệt tình ở vòng ngoài. Bạn bè ở quê rất hào hứng khi gã chia sẻ ý tưởng làm Vlog. Họ bảo gã khi nào về quê quay thì sẽ cho xe chở đi, muốn đi đâu chỉ cần nói một câu. Sướng thế là cùng!
Gã hồn nhiên khoe: “Mình sống tốt, xưa giờ chưa làm phiền ai, chưa bao giờ nhận tiền bẩn”, nên được bạn bè quí là sự tất nhiên. Nhưng nhiều người yêu thương và cổ vũ có khi cũng tạo áp lực? Vlog “Tôi là người nhà quê” không ăn khách thì Trần Nhã Thụy chắc cũng áy náy tí ti. Song một khi đã ăn khách thì thế nào cũng có tiền. Gã tuyên bố: Làm gì cũng là để kiếm tiền hết. Trừ viết văn. Thành thật tuyên bố thế thôi, song ai cũng hiểu Trần Nhã Thụy không đặt việc kiếm tiền lên hàng đầu. Nếu gã còn nghèo, hiểu theo nghĩa đen, đã không dám liều đánh đu Vlog: “Cái này cũng phải nói thật, nếu không có tiền vẫn cứ làm. Mình cũng không nghèo nữa, nên làm cái mình thích hehe”.
Vlog “Tôi là người nhà quê” ra đời trong mùa dịch nhưng sẽ không khép lại khi hết dịch. Trần Nhã Thụy còn nuôi nó dài dài: “Vì nó có nhiều mô đun ở trong: 1. Tâm sự người nhà quê; 2.Hướng dẫn nấu món ăn; 3. Chia sẻ khởi nghiệp của người nhà quê lên phố thành đạt; 4. Trở lại quê nhà. Tôi sẽ làm dần dần xoay quay các chủ đề đó”. Nếu đúng như lời Trần Nhã Thụy nói thì Vlog “Người nhà quê” đáng để xem, thậm chí đáng để có nhà tài trợ. Bởi, ít nhất đây không phải Vlog tầm phào, câu “view”, mà là một “công trình” tâm huyết của một nhà văn nhà quê. Gã cũng nói trước, Vlog không theo một giọng tôn vinh: “Sau này tôi sẽ nói về cái hay cái dở của nhà quê. Không phải nhà quê là đáng yêu hết đâu”.
Trần Nhã Thụy xem trọng Vlog này: “Có khi bỏ viết sách làm Vlog. Biết đâu”. Gã bảo thế, khi tôi hỏi liệu làm Vlog có ảnh hưởng đến việc viết sách của gã không. Nhưng chẳng nên tin điều gã nói. Đang bận bịu với Vlog mà hỏi đến chuyện văn chương thấy gã “nghiêm trọng” hẳn: “Tôi là người hay ghi chép nhưng hay trì hoãn việc viết lắm. Thực ra quá nhiều người chỉ bôi chữ chứ không phải viết. Văn chương không phải là dùng một mớ để diễn giải một câu chuyện. Văn chương là trò phù thủy của ngôn từ. Ngay từ khi còn nghèo đói, tôi cũng chưa bao giờ viết văn để kiếm tiền”. Quay trở lại Vlog “Tôi là người nhà quê”. Tôi hỏi nhỏ Trần Nhã Thụy: Bác định hướng dẫn nấu món ăn thật sao? Gã cười: “Tôi làm được. Có khi còn khéo hơn mấy bà”. Cứ chờ xem!