Bị giam giữ trong một nhà tạm giam ở California cùng hàng trăm người di cư khác đang trông chờ được tị nạn, Duglas Cruz phải đối mặt với một lựa chọn. Hoặc là chấp nhận khẩu phần ăn của nhà giam “giàu có” đến mức anh luôn cảm thấy đói cồn cào. Hoặc phải lao động trong bếp của nhà tù để có tiền mua thêm thức ăn từ cửa hàng của nhà tù.
Cruz quyết định nhận việc làm. Nhưng mức lương 1 USD/ngày của anh tại nhà tù tư nhân Adelanto chẳng nhiều nhặn gì cho cam.
Bởi một hộp cá ngừ được bán tại cửa hàng của nhà tù có giá 3,25 USD. Tức là hơn gấp 4 lần giá bán ở cửa hàng tiện lợi Target gần thị trấn sa mạc Adelanto, cách Los Angeles 2 giờ xe chạy về phía đông bắc.
Cruz phải chấp nhận mua một gói mì ramen với giá 58 xu Mỹ, gấp đôi giá ở cửa hàng Target. Một thỏi khử mùi nhỏ được bán với giá 3,35 USD, là số tiền hơn ba ngày làm việc, nên đối với anh đó là món đồ xa xỉ.
“Nếu tôi mua thứ đó, dù rất cần, thì chẳng còn tiền mua thức ăn”, Cruz nói.
Nhưng cá ngừ và thỏi lăn mùi vẫn chỉ là mối lo nhỏ đối với những người bị bắt giam như Cruz. Năm nay 25 tuổi, anh tìm đường tị nạn sau khi chạy trốn khỏi quê hương Honduras, nơi có những băng nhóm tội phạm tìm cách tuyển mộ anh, nơi mà nếu nói từ “không” đồng nghĩa là đã tìm đến cái chết.
Một quan chức tư pháp Mỹ nói giá cả áp dụng tại các cửa hàng bán cho người bị giam là một phần trong một chiến lược rộng hơn do các nhà tù tư nhân đề ra, nhằm tận dụng lao động bị giam giữ, hạ giá thành đồng thời tăng lợi nhuận cho các ông chủ.
Các nhà hoạt động và người nhập cư nói các nhà tù như Adelanto thuộc sở hữu của tập đoàn Geo Group Inc có trụ sở tại Boca Raton, Florida. Đây là công ty tư nhân điều hành chuỗi nhà tù tư nhân lớn nhất nước Mỹ. Họ cố tình cắt giảm một cách tàn bạo khẩu phần ăn của tù nhân và những đồ thiết yếu khác, ép buộc người tù phải làm việc ít nhất một giờ mỗi ngày để có tiền thêm vào khẩu phần ăn đạm bạc.
Công ty này nói họ hợp đồng với những người bán lẻ bên ngoài nhà tù để điều hành cửa hàng, giá cả “tương tự các chợ địa phương”. Họ cũng nói chỉ “lấy một phần lãi nhỏ” trong số hàng hóa bán ra cho người tù, tiền “phần lớn” lại được sử dụng làm quỹ phúc lợi cho chính người tù.
Họ hàng của tù nhân có thể gửi tiền qua tài khoản để chu cấp cho người thân nhưng với mức phí 10% số tiền, theo tường thuật của một số gia đình có thành viên bị giam. Còn đối với người nhập cư, chùi rửa toilet và làu nhà là cách duy nhất giúp họ được ở sạch sẽ và có thêm tiền ăn. Còn chủ nhà tù được lợi vì cắt đi khoản thuê người vệ sinh trong khi vẫn tính khoản đó cho ngân sách liên bang.
“Bạn hoặc phải làm việc một giờ để đổi lấy vài xu Mỹ hoặc sống mà không có những thứ thiết yếu như xà phòng, dầu gội đầu, chất khử mùi và thức ăn”, tù nhân Wilhen Hill Barrientos, 67 tuổi nói trong đơn tố cáo nhà tù của tập đoàn CoreCivic Inc ở Nashville, sở hữu chuỗi nhà tù lớn thứ hai ở Mỹ. Ông Barrientos kể rằng cai ngục nói “dùng ngón tay đi” khi ông hỏi xin giấy vệ sinh tại trại giam Stewart ở vùng nông thôn Lumpkin, bang Georgia.