Đầu tháng 10, Tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) và Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) thông báo đã nộp hồ sơ đề nghị cơ quan quản lý y tế Mỹ xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em 5-11 tuổi mà Pfizer cùng BioNTech hợp tác phát triển. Liều lượng vắc xin sử dụng cho trẻ em là 10 microgram mRNA, tương đương 1/3 liều lượng 30 microgram của nhóm 12 tuổi trở lên.
Nghiên cứu của Pfizer về hiệu quả của vắc xin đối với trẻ em được tiến hành trên khoảng 4.500 tình nguyện viên từ Mỹ, Phần Lan, Ba Lan và Tây Ban Nha. Thông tin chi tiết về kết quả thử nghiệm chưa được công bố, nhưng Pfizer khẳng định sử dụng vắc xin liều lượng thấp vẫn hiệu quả và an toàn.
Dự kiến, hội đồng cố vấn của Cơ quan Quản lý thực phẩm – Dược phẩm (FDA) Mỹ sẽ nhóm họp vào ngày 26/10 để thảo luận về việc cấp phép sử dụng vắc xin Pfizer/BioNTech cho nhóm 5-11 tuổi. Trước đó, vắc xin của Pfizer/BioNTech được cấp phép sử dụng cho nhóm 12-15 tuổi chỉ khoảng một tháng sau khi hãng dược nộp hồ sơ.
Dự kiến, hội đồng cố vấn của Cơ quan Quản lý thực phẩm – Dược phẩm (FDA) Mỹ sẽ nhóm họp vào ngày 26/10 để thảo luận về việc cấp phép sử dụng vắc xin Pfizer/BioNTech cho nhóm 5-11 tuổi. Trước đó, vắc xin của Pfizer/BioNTech được cấp phép sử dụng cho nhóm 12-15 tuổi chỉ khoảng một tháng sau khi hãng dược nộp hồ sơ.
Nhưng ngay cả khi FDA chưa đưa ra quyết định cuối cùng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã khẩn trương lập kế hoạch tiêm chủng cho nhóm trẻ em độ tuổi tiểu học. Vắc xin - được đóng gói 100 liều/hộp - dự kiến sẽ được chuyển đến hàng nghìn địa điểm, bao gồm bệnh viện, phòng khám nhi, nhà thuốc… và được tiêm hoàn toàn miễn phí. Một số tiểu bang có khả năng sẽ triển khai tiêm vắc xin ở trường học. Cùng lúc đó, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ đang lên kế hoạch nhắn tin khuyến khích các bậc phụ huynh đưa con đi tiêm chủng.
Nhìn chung, trẻ em vẫn được coi là nhóm ít có nguy cơ trở nặng nếu mắc COVID-19. Theo ước tính của Học viện Nhi khoa Mỹ và Hiệp hội Bệnh viện Nhi (Mỹ), số trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện chỉ chiếm chưa đến 2%. Tuy nhiên, các quan chức y tế cảnh báo sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 trong đợt dịch vừa qua ở Mỹ đã kéo theo số trẻ em nhập viện gia tăng đáng báo động, đặc biệt là những trẻ em có bệnh nền như béo phì. Ngoài ra, việc mắc COVID-19 cũng có nguy cơ khiến trẻ em gặp phải những biến chứng về lâu dài.
Các cuộc thử nghiệm riêng biệt về hiệu quả của vắc xin đang được tiến hành trên nhóm trẻ mẫu giáo, và kết quả có thể sẽ được công bố vào cuối năm nay. Nếu thuận lợi, vắc xin cho trẻ em dưới 5 tuổi của Pfizer/BioNTech có thể sẽ được tung ra thị trường vào đầu năm 2022.
Đẩy mạnh tiêm chủng cho trẻ em
Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia khác đã quyết định đẩy mạnh tiêm chủng cho nhóm đối tượng trẻ em trong bối cảnh các trường học bắt đầu mở cửa trở lại.
Ấn Độ ngày 12/10 khuyến nghị sử dụng khẩn cấp vắc xin Covaxin do công ty Bharat Biotech của nước này sản xuất cho trẻ em từ 2 đến 18 tuổi. Trước đó, Bharat Biotech đã bắt đầu thử nghiệm Covaxin ở trẻ em vào tháng 6. Kết quả thử nghiệm của vắc xin này chưa được công bố, nhưng Tổ chức Kiểm soát tiêu chuẩn thuốc quốc gia (CDSCO) và Ủy ban chuyên gia (SEC) “đã xem xét kỹ lưỡng dữ liệu và khuyến nghị sử dụng loại vắc xin này”.
Hồi tháng 9, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho trẻ em từ 2 tuổi sau khi cơ quan y tế nước này khẳng định các loại vắc xin nội địa an toàn cho trẻ nhỏ. Nhóm đối tượng từ 2 đến 18 tuổi ở Cuba được tiêm vắc xin Soberana-02, với liệu trình hai liều Soberana-02 và một liều Soberana Plus.
Theo Bộ trưởng Y tế Cuba Jose Angel Portal Miranda, 92% số trẻ em đủ điều kiện tiêm chủng trong nhóm 2-18 tuổi ở nước này đã được tiêm ít nhất một liều Soberana-02. Bộ trưởng Portal Miranda cho biết khi hoàn tất tiêm chủng vào tháng 11, Cuba sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới mở lại trường học với toàn bộ học sinh được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Chính quyền Israel hồi tháng 6 khuyến nghị tiêm chủng cho trẻ em trên 12 tuổi sau khi xuất hiện các ổ dịch ở trường học. Từ tháng 7, Israel bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho những trẻ em từ 5 đến 11 tuổi mắc bệnh mãn tính. Đến cuối tháng 8, cơ quan y tế nước này tiếp tục cho phép tiêm liều vắc xin tăng cường cho tất cả các nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên.
Việc triển khai vắc xin cho trẻ em ở Israel diễn ra tương đối suôn sẻ. Hầu hết các bậc phụ huynh Israel sẵn sàng đưa con đi tiêm chủng. Tính đến tháng 10/2021, 53,7% số trẻ em từ 12 đến 15 tuổi, và 84% số trẻ vị thành niên từ 16 đến 19 tuổi ở Israel đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin.
Ở một số quốc gia như Anh, Na Uy, thay vì tuân thủ quy trình tiêm chủng với ít nhất hai liều vắc xin, cơ quan y tế đã khuyến nghị trẻ em trên 12 tuổi nên tiêm một liều vắc xin Pfizer/BioNTech để vừa giúp bảo vệ một phần khỏi COVID-19, vừa tránh các tác dụng phụ có thể gặp phải sau khi tiêm liều thứ hai.
Tại Anh, một số nhóm trẻ em được khuyến nghị nên tiêm đủ hai liều, bao gồm những trẻ em có nguy cơ phơi nhiễm cao. Các học sinh sẽ được tiêm chủng tại trường học và phụ huynh cần phải kí giấy đồng ý trước khi cho con đi tiêm. Những trẻ em mắc COVID-19 sẽ chỉ được tiêm vắc xin bốn tuần sau khi khỏi bệnh.