Nhà Trắng nói các vật thể bay mới bị bắn hạ 'dường như vô hại'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một quan chức hàng đầu của Nhà Trắng cho biết ba vật thể bay bị bắn hạ trong vài ngày qua ở Mỹ “có thể là thiết bị phục vụ nghiên cứu hoặc thương mại”. Những thiết bị này dường như “vô hại và không gây ra mối đe dọa thực sự nào đối với Mỹ”.
Nhà Trắng nói các vật thể bay mới bị bắn hạ 'dường như vô hại' ảnh 1

Ông John Kirby. Ảnh: NY Times

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết cơ quan điều tra vẫn chưa tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy ba vật thể này có liên quan đến chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, tương tự vụ khinh khí cầu (nghi là do thám) bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Nam Carolina hồi đầu tháng.

“Chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu hay bất cứ điều gì cho thấy ba vật thể này là một phần của chương trình do thám của Trung Quốc hoặc tham gia vào các nỗ lực thu thập thông tin tình báo bên ngoài”, ông Kirby nói.

Quan chức này cho biết Cục Hàng không Liên bang đã xác định rằng các vật thể không được vận hành bởi Chính phủ Mỹ. Lời giải thích khả dĩ cho các vật thể này có thể là chúng được vận hành bởi các công ty tư nhân hoặc viện nghiên cứu.

Ông Kirby nói: “Họ không bác bỏ khả năng đây có thể là những khinh khí cầu có liên quan đến các tổ chức thương mại hoặc viện nghiên cứu, do đó chúng vô hại. Đó có thể là lời giải thích hợp lý nhất trong trường hợp này.”

Tuy nhiên, ông nhắc lại rằng hiện chưa có công ty hay tổ chức nào liên hệ với Chính phủ Mỹ để nhận trách nhiệm về các vật thể bay. Lực lượng chức năng Mỹ cũng chưa thể tìm thấy và thu thập mảnh vỡ từ ba vật thể này sau khi chúng bị bắn hạ. Điều đó có nghĩa là có thể đưa ra một kết luận khác nếu các mảnh vỡ được phân tích kĩ càng.

Trong vòng ba ngày từ 10 đến 12/2, máy bay chiến đấu của Mỹ đã bắn hạ ba vật thể bay không xác định. Vật thể đầu tiên bị bắn hạ trên Vịnh Prudhoe, Alaska; vật thể thứ hai ở Vùng Yukon của Canada; và vật thể thứ ba ở trên Hồ Huron. Các quan chức Mỹ cho biết vật thể thứ ba đã rơi xuống phần Hồ Huron trên lãnh thổ Canada.

Các quan chức Lầu Năm Góc cũng thừa nhận hôm thứ Ba rằng tên lửa đầu tiên do máy bay chiến đấu của Mỹ bắn qua Hồ Huron hôm 12/2 đã trượt mục tiêu.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói với các phóng viên ở Brussels rằng tên lửa trượt mục tiêu hiện đang ở dưới đáy Hồ Huron. “Phát đầu tiên bị trượt, phát thứ hai bắn trúng”, ông Milley nói.

Những bình luận của ông Kirby được đưa ra khi các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc và cộng đồng tình báo, bao gồm tướng Glen VanHerck – người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) đến Điện Capitol vào thứ Ba để báo cáo trước toàn thể Thượng viện.

Cuộc họp báo là nỗ lực mới nhất của chính quyền Mỹ nhằm cập nhật cho các nghị sĩ về hàng loạt vật thể lạ bị bắn hạ trong những ngày gần đây.

Nhưng việc thừa nhận rằng chính quyền có nhiều câu hỏi chưa thể trả lời đã gây ra một làn sóng thất vọng mới trong Quốc hội Mỹ. Các nghị sĩ chỉ trích việc trục vớt chậm chạp và sự thiếu rõ ràng của chính quyền ngay từ đầu.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio từ Florida cho biết: “Mọi người đang nói chuyện, hành động như thể đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy những điều này. Nhưng không phải vậy.”

Ông Rubio cho rằng chỉ thu hồi các mảnh vỡ sẽ không thể cung cấp một bức tranh toàn cảnh về những gì đang xảy ra trên bầu trời Mỹ.

Ngày 4/2, một khinh khí cầu Trung Quốc đã bị máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ bắn rơi ở độ cao khoảng 60.000 feet. Các quan chức Mỹ ngay lập tức đổ lỗi cho Trung Quốc, nói rằng khinh khí cầu được trang bị để phát hiện và thu thập tín hiệu tình báo, thậm chí có thể tự điều động.

Đáp lại, Bắc Kinh khẳng định đây là khinh khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khí tượng. Trung Quốc cho rằng việc Mỹ bắn hạ khí cầu này là “phản ứng thái quá”.

Ngày 10/2, bộ đôi máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ bắn hạ một vật thể có kích thước gần bằng một chiếc xe hơi nhỏ trên bờ biển phía Đông Bắc Alaska.

Ngày 11/2, máy bay F-22 của Mỹ tiếp tục bắn hạ một vật thể bay trên khu vực Yukon của Canada.

Ngày 12/2, máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ bắn hạ một vật thể bay trên Hồ Huron (biên giới Mỹ - Canada).

Ba vật thể bị bắn rơi từ ngày 10 đến ngày 12/2 được xác định nhỏ hơn nhiều so với khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ hồi đầu tháng.

Theo Straitstimes
MỚI - NÓNG