Nhà thơ ‘Mây và bông’ Ngô Văn Phú qua đời

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam báo tin nhà thơ Ngô Văn Phú - tác giả bài thơ “Mây và bông” qua đời tại nhà riêng vào 15h15 ngày 24/10.

Nhà văn, nhà thơ Ngô Văn Phú qua đời tại nhà riêng vào 15h15 ngày 24/10 ở tuổi 85. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ với Tiền Phong, người yêu nghệ thuật nhớ đến Ngô Văn Phú với tư cách là nhà thơ nhưng số lượng tác phẩm văn của ông nhiều hơn, đặc biệt là các tác phẩm văn xuôi, sân khấu, nghiên cứu.

“Với ông hình như cuộc sống chính là viết. Ông là người lặng lẽ, luôn luôn nở nụ cười. Ông hay kể những câu chuyện hài hước nhưng vô cùng nghiêm túc trong công việc, sáng tạo. Các câu chuyện của ông đề cập tất cả khía cạnh đời sống. Ông hiểu biết về lịch sử, về văn hóa dân gian và những vấn đề đương đại”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Nhà văn, nhà thơ Ngô Văn Phú sinh ngày 8/4/1937 tại Nam Viêm, Mê Linh, Vĩnh Phúc. Ông là sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 1958-1961. Nhà thơ Ngô Văn Phú có tới 40 năm công tác ở các báo, tạp chí chuyên về văn học. Ông từng là biên tập viên báo Văn học, báo Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong 40 năm đó có tới 13 năm ông giữ chức Tổng biên tập, Phó giám đốc, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Tác phẩm đầu tiên nhà văn Ngô Văn Phú viết về lịch sử là cuốn Ngõ trúc. Ông lấy ý từ câu thơ “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo” của Nguyễn Khuyến để viết về chính cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Gia tài của ông có hơn 200 tác phẩm đủ các thể loại văn thơ, dịch thuật, nghiên cứu phê bình, truyện lịch sử, tuyển chọn, giới thiệu. Nhà văn, nhà thơ Ngô Văn Phú là một trong ít người có số lượng sách xuất bản vào loại đồ sộ.

Nhà thơ ‘Mây và bông’ Ngô Văn Phú qua đời ảnh 1

Nhà văn, nhà thơ Ngô Văn Phú. Ảnh: Tư liệu.

Cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960 của thế kỷ 20, nhà thơ Ngô Văn Phú nổi danh trong lĩnh vực văn xuôi và thơ ca. Nhiều tập thơ của ông được xuất bản như Tháng năm mùa gặt (1978); Đi ngang đồi cọ (1986); Cỏ mùa mê (1988), Hoa trắng tình yêu (1995), Chiêm bao (2001), Nhặt nắng trong mưa (2003)… Nhà thơ Ngô Văn Phú thường được nhắc tới với danh xưng thi sĩ của đồng quê. Ông từng chia sẻ đồng quê chính là “trường” sáng tác của mình.

Bồi hồi nhớ lại những lần nhà thơ Ngô Văn Phú nhận xét các tác phẩm của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể với Tiền Phong: “Tôi gặp ông khi còn rất trẻ. Ông nhận xét và luôn khích lệ sáng tác của những người trẻ như tôi hồi đó. Những góp ý của ông rất gợi mở bởi ông là người có kiến văn sâu sắc và có sự trải nghiệm đời rất sâu nên những những lời khuyên, chia sẻ của ông rất ý nghĩa đối với lứa nhà văn, nhà thơ trẻ”.

Suốt cuộc đời gắn bó với văn chương, nhà văn, nhà thơ Ngô Văn Phú được trao nhiều giải thưởng như: Giải thưởng thơ tạp chí Văn nghệ năm 1961, Giải thưởng văn xuôi báo Văn học, Giải thưởng Văn học 5 năm của Hội Văn nghệ Hà Nội (1980-1985); Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012...

Theo Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, lễ viếng nhà văn, nhà thơ Ngô Văn Phú được tổ chức vào 7h30 sáng 25/10 tại nhà riêng.

MỚI - NÓNG