Nhà văn Võ Khắc Nghiêm qua đời

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam báo tin nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã qua đời tại nhà riêng vào 29/9.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã qua đời tại nhà riêng vào 29/9 sau một thời gian chống chọi với bạo bệnh. “Nhà văn Võ Khắc Nghiêm để lại trong tôi những ấn tượng đẹp. Tôi kính trọng cách sống, tư duy và những sáng tác của ông. Ông là đàn anh của tôi, người luôn chia sẻ, động viên tôi, những lời nói của ông khiến mình bình tĩnh nhìn lại mọi việc kỹ lưỡng”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm sinh ngày 10/10/1942 tại Nha Trang, Khánh Hòa, quê Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là học viên khóa đầu tiên của trường Trung cấp Cơ điện Mỏ (1959-1962). Ra trường, ông về làm việc tại Mỏ than Cọc Sáu, TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh. Tại đây, ông vừa làm cán bộ cơ điện mỏ, vừa viết báo, viết văn. Trước khi về hưu, ông về Hà Nội làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Than Việt Nam.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm qua đời ảnh 1

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm. Ảnh: Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Võ Khắc Nghiêm viết nhiều và có những tác phẩm ghi dấu ấn trong làng văn học Việt Nam như: Xung đột âm thầm (truyện ngắn, 1986), 16 tấn vàng (tiểu thuyết, 1989), Đại dương trong mắt em (tiểu thuyết, 1990), Người cha tội lỗi (tiểu thuyết, 1990), Người tình 15 năm (tiểu thuyết, 1990), Cướp ngày (tiểu thuyết, 1989), Mảnh đời của Huệ (tiểu thuyết, 1992-1993),Tìm lại chính mình (1995-1996)... Đặc biệt tiểu thuyết Mảnh đời của Huệ được được chuyển thể thành phim truyền hình để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả.

Bên cạnh sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết ông cũng viết kịch bản sân khấu kịch. Những tác phẩm nổi bật ở thể loại này có thể kể đến Nhân danh công lý (1985), Bi kịch ngược chiều (1988), Quy luật muôn đời (1991), Bỉ vỏ (1990), Tình yêu hai quá khứ (1990)...

Ông đã giành được nhiều giải thưởng lớn, như Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 4 năm 2017, Giải A Văn học Công nhân (1990-1995), Giải B Vì bình yên cuộc sống Bộ Công An - Hội Nhà văn Việt Nam (1998-2002), Giải A cuộc thi kịch bản sân khấu của Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu với vở kịch Bi kịch ngược chiều, Giải thưởng cuộc thi kịch bản điện ảnh của báo Văn nghệ, Hãng phim Người Bảo vệ với kịch bản Sự huyền diệu của tình yêu.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm qua đời ảnh 2
Tiểu thuyết Thị Lộ chính danh của nhà văn Võ Khắc Nghiêm.

Với tiểu thuyết Thị Lộ chính danh, nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã giành giải thưởng Văn học ASEAN năm 2020. Là người viết lời tựa cho cuốn tiểu thuyết Thị Lộ chính danh của nhà văn Võ Khắc Nghiêm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam gọi ông là luật sư bào chữa cho thi hào Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ trong vụ án Lệ Chi Viên. “Dựng lên con người Thị Lộ với những phẩm chất cao qúy và đầy khí phách chính là lời bào chữa hùng hồn nhất về những gì mà thi hào Nguyễn Trãi và bà bị vu oan, kết tội cùng ba họ. Trong mọi thời đại của đất nước dù ít hay nhiều đều có những 'luật sư bào chữa' cho những oan khuất của con người bằng những tác phẩm chân chính của họ”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết.

Theo Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, lễ viếng và lễ truy điệu nhà văn Võ Khắc Nghiêm được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (5 Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngày 3/10.

MỚI - NÓNG