Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi tri ân và yêu quí nhạc sỹ Phú Quang!

0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: Nhà thơ Hồng Thanh Quang cung cấp)
(Ảnh: Nhà thơ Hồng Thanh Quang cung cấp)
TPO - “Vẫn biết ta giờ không trẻ nữa/Sao thương ai ở mãi cung hằng/Lời nguyện cũ trên đầu như nguyệt quế/Đâu chịu nhòa khi tới giữa mùa trăng… ”. Tác giả phần lời của “Khúc mùa thu”, một trong những nhạc phẩm được yêu thích của nhạc sỹ Phú Quang, chính là nhà thơ Hồng Thanh Quang.

“Khúc mùa thu” được yêu thích từ thơ đến nhạc. Cơ duyên nào khiến Phú Quang phổ nhạc thi phẩm này của anh?

Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Bài này tôi viết năm 1994, đăng lần đầu tiên trên tờ Hà Nội Mới Cuối Tuần. Khi đó anh Phú Quang đang sống ở Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng có ra Hà Nội vì công việc. Đúng dịp tôi đăng bài thơ đó thì Phú Quang từ TP. Hồ Chí Minh ra và anh ấy tình cờ đọc được bài thơ. Anh đọc xong thấy thích quá liền ngồi vào đàn, viết luôn bài hát. Viết xong bài hát thì anh cất bản thảo vào ngăn kéo. Sau đó vài ngày anh gặp tôi, bảo: “Vừa phổ nhạc bài thơ của em, rất hay. Nhưng anh cứ để đó, sau một tháng nếu vẫn thấy hay như cảm nhận ban đầu, sẽ cho biểu diễn”. Khi ấy, tôi chỉ là một phóng viên “quèn” của báo Quân đội Nhân dân, cũng mới viết thơ, chưa có tên tuổi gì. Rồi về sau, anh Phú Quang đưa cho vợ tôi lúc ấy, ca sỹ Lê Dung, hát. “Khúc mùa thu” lần đầu tiên được biểu diễn ở Nhà hát Lớn.

Bài thơ “Khúc mùa thu” nếu đọc, ai cũng nghĩ đó là trải nghiệm, phản ánh từ những câu chuyện thực tế. Nhưng thực ra đó là bài thơ chiêm nghiệm, có những ý tưởng từ hồi trẻ tôi đã ấp ủ, như là một sự cảm nhận, tiên trải về sự phát triển của bất cứ thứ tình yêu đích thực nào. Ý nghĩa bài thơ rộng và sâu hơn một tình yêu cụ thể, (dù tôi không phủ nhận có yếu tố cá nhân). Điều đó lý giải vì sao “Khúc mùa thu” càng ngày càng được khán giả yêu mến.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi tri ân và yêu quí nhạc sỹ Phú Quang! ảnh 1

Từ trái qua phải: Nhà thơ Hồng Thanh Quang, Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, Nhạc sỹ Phú Quang (Ảnh: Nhà thơ Hồng Thanh Quang cung cấp)

So với bản gốc của anh, nhạc sỹ Phú Quang có thêm/cắt hay sửa sang gì khi phổ nhạc thành bài hát “Khúc mùa thu”?

Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Đây là bài thơ hiếm hoi Phú Quang gần như không đụng gì cả. So với bản thảo, ở câu thứ 5: “Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc”. Phú Quang nhấn: “Tôi đã yêu, đã yêu như chết là hạnh phúc”. Và câu thứ 2 khổ cuối: “Sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy/Mãi cô đơn vằng vặc giữa trời”. Không biết Phú Quang cố tình hay vô tình đã biến thành: “Sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy/Nỗi cô đơn vằng vặc giữa trời”.

Anh có phản ứng khi thơ bị sửa?

Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Bài hát ra rồi, tôi không can thiệp. Đó là hai cách hiểu khác nhau, mỗi cách hiểu đều có lý của nó. Nhưng tôi là nhà thơ, tôi thấy cách viết của tôi sâu sắc hơn cách hiểu kia. Tôi không nói vì thường thường các nhạc sỹ bẻ thơ ra nhiều, phá thơ thành lời bài hát ấy chứ (cười)

Nhạc sỹ Phú Quang phổ bao nhiêu bài thơ của anh?

Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Anh Phú Quang phổ khoảng 4,5 bài của tôi. “Khúc mùa thu” là nổi nhất. Bài thứ 2 là “Romance 4” cũng dựa vào thơ của tôi. Bài “Mẹ” cũng xuất phát từ những câu thơ của tôi, anh ấy viết thành: “Mẹ là người đầu tiên/ người đàn bà mãi mãi/Không bao giờ phản bội, ngay cả khi con ngu dại một đời”. Bài “Một mình” của Phú Quang cũng phỏng thơ tôi: “Một mình sẽ một mình thôi/Tìm câu ca cũ hát chơi một mình”…

Anh biết nhạc sỹ Phú Quang từ bao giờ?

Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi biết Phú Quang từ những năm 90, trước đây tôi chỉ biết Phú Quang qua những bài hát. Qua quan hệ trong giới của vợ đầu của tôi thì anh em gặp nhau, thân thiện, quí mến nhau.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi tri ân và yêu quí nhạc sỹ Phú Quang! ảnh 2

Nhạc sỹ Phú Quang cùng nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng trong buổi ra mắt sách mới của nhà thơ Hồng Thanh Quang (Ảnh: Nhà thơ Hồng Thanh Quang cung cấp)

Những bài hát của Phú Quang phần lời đa phần thuộc công của thi sĩ. Điều đó cũng chứng tỏ năng lực thẩm thơ của Phú Quang?

Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Anh Phú Quang là một nhạc sỹ lớn. Tôi đã từng phỏng vấn Phú Quang. Anh ấy nói: Hồi trẻ, anh rất coi thường thể loại ca khúc. Với tư cách một nhạc sỹ, chỉ có nhạc không lời mới thể hiện giai điệu tâm hồn của người viết. Nhưng Phú Quang hiểu, sống trong xã hội Việt Nam, muốn nổi tiếng, có phương tiện kiếm sống thì phải viết ca khúc. Lúc đầu, viết ca khúc vừa là nhu cầu đời sống tình cảm của Phú Quang, vừa là muốn nhập cuộc vào showbiz nước Việt. Tất nhiên một người tài năng như Phú Quang thì đụng đâu thành công đó. Anh ấy viết ca khúc rất thành công và viết rất nhiều. Từ năm 75,76 anh đã viết ca khúc. Có những năm anh viết cả trăm ca khúc.

Thi sĩ có thể phác thảo chân dung ngoài đời của nhạc sỹ Phú Quang?

Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Phú Quang là một nhạc sỹ lớn. Tất cả những tài năng lớn đều rất yêu mình. Anh ấy là người bạn rất dễ chịu với người anh ấy quí. Nhưng là người rất khó chịu với những ai khiến anh không hài lòng. Rất hạnh phúc cho những ai được anh Phú Quang quí mến. Và bất hạnh cho những ai làm anh không hài lòng. Đó là tính cách của một nghệ sỹ sáng tạo.

Cảm xúc của anh khi Phú Quang ra đi?

Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi hiểu Phú Quang ở mọi góc độ và lúc nào cũng khâm phục và thương cảm với một tài năng lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Với tư cách cá nhân, tôi tri ân, yêu quí Phú Quang vì nhờ âm nhạc của Phú Quang mà một số bài thơ của tôi được công chúng rộng rãi biết đến. Tôi luôn đinh ninh và ghi nhớ trong lòng như vậy. Được tin Phú Quang ra đi, tôi vô cùng xót xa.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.