Chương trình văn nghệ khai mạc ngày hội. Ảnh: Xuân Tùng |
Ngày 18/4, tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Bắc Giang, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức Ngày hội "Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn".
Dự chương trình có anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam; ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBNDUBND tỉnh Bắc Giang.
Ngày hội là hoạt động triển khai phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi", hướng tới Ngày Sách Việt Nam (21/4). Chương trình “Mỗi thanh niên, một cuốn sách làm bạn” nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, thanh niên về giá trị của việc đọc sách; đồng thời xây dựng và phát triển thói quen, kỹ năng đọc sách trong hội viên, thanh niên.
Để mỗi thanh niên có sách làm bạn
Anh Nguyễn Tường Lâm cho biết đã chia sẻ những danh ngôn nói về vai trò của sách và giá trị của đọc sách. Trong đó, có "cuộc đời ta thay đổi theo hai cách, qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc" (Harvey MacKay). Ảnh: Xuân Tùng |
Anh Nguyễn Tường Lâm cho biết: Thời gian qua, chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” đã được các cấp bộ Đoàn, Hội, đoàn viên, hội viên và thanh niên tích cực tham gia hưởng ứng bằng nhiều hoạt động thiết thực như thành lập các câu lạc bộ đọc sách. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi giao lưu với các diễn giả, tác giả. Trao đổi tặng sách hình thành thói quen đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trong các bạn trẻ.
Anh Nguyễn Tường Lâm mong muốn mỗi cán bộ, hội viên, thanh niên và các em học sinh sẽ được hiểu hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của sách cũng như văn hóa đọc.
Mỗi bạn trẻ hãy lựa chọn cho mình những cuốn sách phù hợp, những điều tâm đắc từ những trang sách để làm hành trang cho tương lai của bản thân. Sống, học tập và làm theo những điều tốt đẹp, giá trị từ sách để góp phần xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển.
"Các cấp bộ Hội tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng để chương trình Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn tiếp tục lan tỏa tới đông đảo cán bộ, hội viên và thanh niên, để mỗi thanh niên Việt Nam sẽ có một cuốn sách làm bạn", anh Lâm nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Tường Lâm và ông Mai Sơn trao học bổng cho các học sinh. Ảnh: Xuân Tùng |
Dịp này, T.Ư Hội LHTN Việt Nam trao tặng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Bắc Giang một công trình thanh niên “Không gian đọc sách thân thiện” trị giá 50 triệu đồng; trao 10 suất học bổng mỗi suất trị giá một triệu đồng.
Ngày hội đã diễn ra hoạt động giao lưu, trao đổi kiến thức và kỹ năng xây dựng văn hóa đọc; phương pháp tiếp thu những tri thức từ sách có hiệu quả. Tổ chức các gian hàng sách, đổi sách, bán sách đồng giá; hội thi thuyết trình “Trang sách ý nghĩa – chìa khóa tương lai”. Cùng các trò chơi vận động tìm hiểu về sách và tặng sách.
Gây dựng văn hóa đọc, sách là mỹ phẩm cao quý
Đặc biệt, các hội viên, thanh niên, học sinh được giao lưu với các diễn giả, đại diện nhà xuất bản, đại sứ văn hóa đọc để hiểu thêm về ý nghĩa của sách và tầm quan trọng của văn hóa đọc.
Các diễn giả chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ thời sẵn sàng "xếp bút nghiên ra trận" qua những dòng viết trong những trang sách "Mãi Mãi tuổi hai mươi" - nhật ký Nguyễn Văn Thạc, những câu thơ của Phạm Tiến Duật, "Dấu chân người lính" của Nguyễn Minh Châu, "Mẫn và tôi" của Phan Tứ.
"Những câu thơ của Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân và trang viết của Nguyễn Minh Châu, Phan Tứ đã theo tôi vào chiến trường. Đọng lại trong tôi nhất là câu thơ Ta đi hôm nay đã không là sớm/Đất nước hành quân mấy chục năm rồi/Ta đến hôm nay cũng không là muộn/Đất nước còn đánh giặc chưa thôi (Phạm Tiến Duật - nv).
"Những cuốn sách đã mang lại cho tôi lòng yêu nước. Lòng yêu nước đã giúp tôi có những kỳ tích...", nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng nhắn gửi các bạn trẻ cần phải gây dựng được thói quen đọc sách. "Sách là loại mỹ phẩm cao quý nhất, bền chặt nhất mà rẻ nhất. Sách giúp cải biến con người", ông nói.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Ông Lê Thanh Hà- Giám đốc NXB Thanh niên cũng cho rằng, những trang sách, báo là kênh giao tiếp, người bạn đồng hành với sự lớn lên của học sinh, sinh viên. Chúng ta tiếp cận tri thức chắt lọc qua nhiều thế hệ bằng nhiều cách khác nhau như khúc hát ru, ca dao dân ca... chứ không chỉ có sách.
Đến nay, tri thức được đóng gói không chỉ trong những cuốn sách in trên giấy mà trong các phương tiện khác nhau. Do đó, quan niệm về đọc cũng cần mở rộng hơn, không cứ phải cầm cuốn sách trên tay mới là đọc.
"Sách chỉ là một phần, là một cái cớ dẫn dắt các bạn trẻ xây dựng thói quen đọc. Đọc là kỹ năng tuyệt đỉnh để phát triển bản thân, có nơi nương tựa về tinh thần, tích lũy trí tuệ và tâm hồn góp phần tạo nền tảng cho chúng ta bước vào xã hội hiện đại", ông Hà nói.
Ông Lê Thanh Hà - Giám đốc NXB Thanh Niên chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Anh Đặng Phương Nam - Đại sứ văn hóa đọc Việt Nam 2020 cũng cho rằng, trong thời đại cách mạng 4.0, công nghệ số thì công nghệ thông tin phát triển và các phương tiện nghe nhìn phát triển. Văn hóa đọc có thể hiểu gồm giá trị đọc, chuẩn mực đọc, ứng xử đọc.
Đông đảo học sinh, thanh niên tham gia chương trình |
Không gian đọc sách mới được khánh thành trong khuông viên Trường PTDTNT tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Xuân Tùng |