Nhà thơ Hoài Vũ: Thơ của tôi, ai nhớ thì mừng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không ít người trong giới nói rằng: Tác giả “Đi trong hương tràm” xứng đáng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật. Nhưng thực tế, Hoài Vũ còn chưa chạm Giải thưởng Nhà nước. Lý do đơn giản: Ông không làm hồ sơ vì thấy… không cần thiết.

“Quan niệm của tôi thoải mái lắm. Được viết, được sống, được chơi với bạn bè đã là vui. Còn tác phẩm, ai còn nhớ thì mừng, vậy thôi! Không cần huy chương với giải thưởng. Không có gì ràng buộc, sống thoải mái, cho sướng”, nhà thơ chia sẻ.

Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng. Ông giải thích bút danh của mình như sau: “Vũ” là “mưa”, “Hoài” là “nhớ thương”. Tại sao “nhớ mưa” mà không “nhớ nắng”? Tôi hỏi Hoài Vũ. Ông cười: “Tôi có nhiều kỷ niệm về những cơn mưa, dễ cảm với mưa”. Thế nhưng, nếu để ý sẽ thấy, mưa ít đi vào thi ca Hoài Vũ.

Nhắc đến thi sĩ sinh ra ở Quảng Ngãi là nhắc đến “Gửi miền hạ”, “Đi trong hương tràm”, “Hoàng hôn lặng lẽ” … Có thể nói, ông là một trong những nhà thơ được các nhạc sỹ ưu ái. Theo Hoài Vũ, có khoảng trên dưới 100 bài thơ của ông đã được phổ nhạc. Trong đó, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc trên dưới 20 thi phẩm của người nhớ mưa, không thể không nhắc tới “Anh ở đầu sông em cuối sông”, phần lời chính là bài “Gửi miền hạ” của Hoài Vũ. Đây là bài thơ dài, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã nhặt những khổ ông thích đưa vào nhạc: “Anh ở đầu sông em cuối sông/Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông/Thương nhau đã chín ba mùa lúa/Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông!/Ôi bát ngát chân trời miền hạ/Tím tình yêu, tím cả ước mong/Gió nhớ thương ai mà lay bờ lá/Để bìm bịp kêu con nước lớn ròng…”.

Có những bài thơ như “Đi trong hương tràm” lọt “mắt xanh” tới hai nhạc sỹ. Người yêu nhạc hôm nay hay nghe bản “Đi trong hương tràm” của Thuận Yến. Song từng có một “Đi trong hương tràm” giành giải ca khúc hay nhất miền Bắc của một nhạc sỹ khác. Nhạc sỹ Thuận Yến có nhiều mối duyên với thơ Hoài Vũ. Ca khúc nổi tiếng “Chia tay hoàng hôn”, phần lời chính là bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” của Hoài Vũ: “Anh phải về thôi, xa em thôi!/Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi/Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/Mà lời từ biệt chẳng lên môi/Anh phải về thôi, xa em thôi!/Xa vườn xưa, đôi chiền chiện tha mồi/Hoa khế rụng tím ngầm hầm bí mật/Để mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi…”. Không ít người nhầm “Chia tay hoàng hôn” là “đứa con” của riêng Thuận Yến song Hoài Vũ chưa bao giờ lên tiếng đòi quyền lợi. Ông vẫn giữ lá thư Thuận Yến gửi cho ông, trong đó nhạc sỹ bày tỏ sự đáng tiếc và gửi lời xin lỗi Hoài Vũ, vì trong một chương trình về văn học nghệ thuật, ông nhắc đến “Chia tay hoàng hôn” mà quên nhắc tác giả phần lời. Nhưng Hoài Vũ có trách chi ai, nhất là những người đã chắp cánh cho thơ ông bay xa. Ông nhắc đi nhắc lại: “Tôi thoải mái lắm” và cất tiếng cười sảng khoái. Ở tuổi 87, tác giả “Đi trong hương tràm” vẫn khỏe mạnh, đi vững, trí nhớ tốt, giọng nói còn vang và rõ. Có lẽ bí quyết nằm ở tiếng cười cùng cách nhìn đời nhẹ nhàng, bao dung của người nghệ sỹ.

Viết không nhiều, coi trọng xúc cảm

Gia tài văn chương của Hoài Vũ không đồ sộ. Ông tự thú: “Quan hệ giao du thì rộng rãi nhưng viết thì vừa phải, không liên tục. Tôi không phải người viết nhiều, cũng không áp lực chuyện viết”. Liệu ông có đến 500 bài thơ không? Tôi hỏi. Hoài Vũ cười: Không nhiều đến thế. Nhưng ông có niềm hạnh phúc, nhiều thi phẩm đã vượt qua sự gạn lọc khắc nghiệt của thời gian để sống đến ngày hôm nay. Không ít độc giả trẻ vẫn rưng rưng khi đọc “Đi trong hương tràm”: “Dù đi đâu dù xa cách bao lâu/Dù gió mây kia đổi hướng thay mầu/Dù trái tim em không trao anh nữa/Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”. Hoài Vũ không làm những bài thơ ngắn, cỡ vài câu, ông cũng không ham trường ca, nhưng thích viết những bài thơ dài, dốc hết những tâm tư, rung động. Nhiều thi phẩm của ông viết trong thời chiến mà người đọc không thấy bom rơi, đạn nổ chỉ thấy tình người, khi nào cũng thiết tha. Chính tình cảm thiết tha ấy trong thơ Hoài Vũ khiến người đọc không thể làm ngơ, bất kể họ thuộc thế hệ nào. Thi sĩ thừa nhận ông coi trọng xúc cảm khi sáng tạo. Thơ đã viết ra thì không sửa. Đương nhiên, những thi phẩm ra đời như thế, luôn bắt nguồn từ một hiện thực mà cha đẻ của chúng được trải qua hoặc chiêm nghiệm: “Tôi không định giáo dục hay lên lớp ai bằng thơ. Tôi chỉ viết bằng tâm trạng và trái tim mình”, ông giãi bày. Những nhân vật trong thơ ông đều là những con người có thật trong thực tế chiến đấu: “Chứ không phải con người cố gắng”, Hoài Vũ nhấn mạnh.

Nhà thơ Hoài Vũ: Thơ của tôi, ai nhớ thì mừng ảnh 1

“Đi trong hương tràm” viết về một cô giao liên tên Lan đã chăm sóc Hoài Vũ khi ông bị sốt rét. Cô giao liên để lại thương mến trong lòng thi nhân sau này đã hy sinh ngay bên gốc tràm. “Biết tin cô giao liên hy sinh, trong đêm đó tôi chong đèn viết một mạch “Đi trong hương tràm”, không sửa một chữ. Hay “Gửi miền hạ” (phần lời bài hát “Anh ở đầu sông em cuối sông”), viết trong một đêm cũng không sửa gì”, thi sĩ chia sẻ. Một trong những bài thơ ông viết trong nước mắt, có tựa “Kính dâng lên Bác”: “Năm Bác mất, tôi đang chiến đấu trong này, ngày mồng 3 tháng 9, đài Giải Phóng đưa tin Bác Hồ ra đi. Đêm ấy, tôi xúc động làm bài thơ “Kính dâng lên Bác”, viết liền một mạch. Sáng hôm sau, tôi gởi bài thơ cho Đài phát thanh Giải Phóng, họ phát rồi gởi ra Hà Nội. Thật vinh dự vì bài thơ đó đã được đăng trang trọng trên báo Nhân Dân, trong những ngày tang lễ Bác”.

Dù thừa nhận chú trọng xúc cảm song Hoài Vũ không chê những người viết trẻ coi trọng đổi mới hình thức thơ hơn xúc cảm thơ: “Phải quý anh em và tôn trọng anh em vì sáng tạo là vô cùng tận. Nên để cho khám phá sáng tạo của tuổi trẻ được tự do, rụng rơi cái gì, còn lại cái gì là sự thử thách của thời gian. Đừng khắt khe. Tôi rộng rãi với câu chuyện này. Vì thế hệ tôi qua rồi, nếu phê phán dưới con mắt của người già là không đúng. Phải là người trong cuộc, trong thế hệ đó nhìn nhận mới cảm thấy cái hay, cái đẹp”.

Gia tài văn chương phong phú

Nhắc đến Hoài Vũ, nhiều người mặc định, ông là một thi sĩ. Hoài Vũ cười, không đính chính. Gia tài văn chương của Hoài Vũ tuy không đồ sộ nhưng phong phú, nào văn, nào thơ, nào dịch thuật. Ông còn là một nhà báo với những thiên phóng sự ghi dấu ấn. Tác giả “Đi trong hương tràm” sinh ra trong một gia đình giàu chữ nghĩa: “Cha tôi là ông tú tài. Khi ông đi dạy học trò, tôi thường theo ông. Cha tôi cũng có làm thơ phú, tôi cũng bắt chước cha làm thơ, hồi 9, 10 tuổi. Nhưng thơ ca ra gì thì phải đợi thực tế cuộc sống tràn vào, đó là những năm tháng đi chiến trường”, ông tâm sự.

Nhà thơ Hoài Vũ: Thơ của tôi, ai nhớ thì mừng ảnh 2

Nhà thơ Phan Hoàng (trái) và nhà thơ Hoài Vũ (phải)

Sở dĩ Hoài Vũ còn là một dịch giả tiếng Trung, vì ông từng học ở Trung Quốc: “Học về tôi đi thẳng vô Nam”, ông kể. Là người con Quảng Ngãi song thơ Hoài Vũ đậm đà màu sắc Nam Bộ, vì thế. Ông nói rằng, ông viết văn từ rất sớm: “Tôi sáng tác văn trước khi làm thơ, chủ yếu viết truyện ngắn”. Hoài Vũ là tác giả của nhiều tập truyện: “Tiếng sáo trúc”, “Rừng dừa xào xạc”, “Quê chồng”, “Bông sứ trắng”, “Bên sông Vàm Cỏ”… Ông còn là dịch giả của những tập truyện: “Loạn luân”, “Người đàn bà bất hạnh”, “Nữ điền chủ cuối cùng”… Hoài Vũ hứa, khi nào tôi vô Sài Gòn chơi, ghé ông, ông sẽ tặng tập “Hoa trong tuyết”, khá dày, do ông dịch. Hiện nay, Hoài Vũ không sáng tác thơ, văn, cũng không dịch thuật: “Bây giờ sách báo đâu mà dịch? Tôi không quen sử dụng mạng, không rành Internet, nên không khai thác được nguồn dịch. Tôi sống ở thời xa xưa, thời đó không có Internet”, ông giải thích. Việc ông ngừng viết thơ, viết văn, cũng là vì ông nhận thấy, thế hệ của mình đã trôi qua: “Nên chăm sóc, ủng hộ lớp trẻ, để cho lớp trẻ lên, họ có cái mới của họ”.

Như nhiều nhà thơ khác, thi sĩ gốc Quảng Ngãi vẫn có những tác phẩm chưa công bố và sẽ không công bố, như những bài thơ viết cho vợ, cho con, sẽ mãi nằm trong “vùng trời riêng” của ông. Không làm tuyển tập, cũng chẳng màng giải thưởng, huy chương, Hoài Vũ muốn văn chương hồi đáp cho ông thế nào? Ông kể một kỷ niệm: “Sau 75, tôi làm ở Tuần Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) ở trong này, có một cô giáo dạy cấp 3 ở Thanh Hóa, đã từ Thanh Hóa vô Sài Gòn tìm gặp tôi. Nhưng lúc đó, tôi đi dự cuộc họp ngoài ngoại thành. Cô chờ tôi một ngày, không gặp được, cô về, để lại một bức thư, viết tội lắm”. Tôi hỏi Hoài Vũ: “Ông có nhiều fan như thế không?”. Hoài Vũ lại cười: “Nhiều chứ!”. Tôi nói với ông, rằng: “Đó là hạnh phúc của một nhà thơ, của một người đàn ông. Những “món quà” ấy còn lung linh hơn huy chương và giải thưởng”.

Nhà có 4 người

Hoài Vũ chia sẻ: Bà xã của ông đã mất vài năm nay. Ông sống cùng con gái, con rể và một cháu ngoại. Cuộc sống khá yên bình. Thi sĩ vẫn “vẽ” cho mình nhiều việc để làm, trong đó, giao tiếp với bạn bè cũng là một “việc”. Năm ngoái ông vừa ra mắt tập truyện ngắn “Gái thời chiến”, 416 trang và “Hoa trong tuyết” (dịch văn học Trung Quốc hiện đại, 514 trang). Không chỉ có duyên với âm nhạc, Hoài Vũ còn được nhiều họa sỹ yêu mến. Một số họa sỹ đã vẽ chân dung Hoài Vũ như họa sỹ Huỳnh Phương Đông, Thái Hà, Thanh Châu, Lê Sa Long…

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.