> ‘Thúc’ xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo
Căn nhà của chị Đẹp một bên chỉ sâu gần 4 tấc. Hầu hết các sinh hoạt (trừ ngủ, tắm giặt) đều diễn ra bên ngoài. Ảnh: LT. |
Ngủ theo ca
Sau gần 5 năm bàn giao mặt bằng, tọa lạc ngay trung tâm thành phố nhưng khu dân cư di dân cạnh công trường xập xệ như dãy nhà tạm công nhân. Con đường nội bộ bằng đất lầy lội, gồ ghề và bị “lô cốt” che khuất, trở nên tối tăm trống vắng.
Sáng 9-10, sau gần một giờ dò dẫm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được căn nhà số 507/26 Lê Quang Định (phường 1, quận Gò Vấp) của chị Đoàn Thị Đẹp.
Căn nhà cũ gần 100 m2, mặt tiền hơn 4m nhưng sau giải tỏa chiều dài căn nhà một bên còn khoảng 1 m, một bên chưa đến 4 tấc. Làm thêm gác suốt, tận dụng tối đa không gian diện tích căn nhà vỏn vẹn khoảng 4 m2, vừa mỏng vừa méo.
Chị Đẹp không có nhà. Anh Trần Nguyên Bình (sinh năm 1979) bán cà phê cóc đầu hẻm kể: “Sống nương nhờ bên vợ, nhà bị giải tỏa trắng, dạt về quận 12, vợ chồng anh Bình không chốn nương thân, đành thuê căn nhà chị Đẹp ở tạm. Tầng trệt chật chội, chỉ đủ chỗ để… giày dép, và lối đi.
Trên gác, phòng ngủ rộng 0,8m, người lớn nếu nằm thẳng thì chân thò vào phòng vệ sinh. Hai người nằm ngột ngạt không thở nổi. Nhiều hôm, anh Bình phải ôm gối ra lan can ngủ.
Cách nhà chị Đẹp gần hai cây số phía quận Bình Thạnh là căn nhà hai tầng mới xây sau giải tỏa của ông Nguyễn Văn Bảy (53 tuổi).
Căn nhà thuộc phường 3, quận Gò Vấp, mặt tiền rộng khoảng 4m nhưng sâu vào chỉ hơn 1m nên tổng diện tích khoảng 5m2.
Toàn bộ tầng hai dành cho vợ chồng người con trai đầu. Vợ chồng ông Bảy và hai cô con gái ở tầng một. Khổ nỗi, con gái lớn không thể ngủ chung với bố mẹ nên đành phải chia ca ngủ. Bố mẹ ngủ từ 9 giờ 30 tối, đến 1 -2 giờ khuya thì nhường cho con.
Ông Trần Huy Tiến, Tổ trưởng tổ 27, khu phố 6 (phường 1, quận Gò Vấp) cho biết Tổ được thành lập sau khi giải tỏa dân các tổ 56, 57, 58 (cũ). Tổ có trên 15 căn nhà diện tích dưới 20m2, trong đó nhiều căn dưới 10m2.
Sau khi giải tỏa, tiền bồi thường không đủ mua nhà khác nên nhiều người phải quay lại nơi cũ thuê nhà sinh sống trong điều kiện chật chội, tạm bợ.
Mong được cảm thông
Nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” xuất hiện ngày một nhiều ở TPHCM, đặc biệt là tại các dự án mở đường, phóng hẻm. Đường Ngô Văn Năm (quận 1) sau khi mở rộng xuất hiện ít nhất 3 căn trên đoạn đường dài chưa đến 1km.
Đường Bà Huyện Thanh Quan, Rạch Bùng Binh (quận 3) cũng có non chục căn. Ngay như khu đô thị mới Rạch Miễu (quận Phú Nhuận) cũng có không ít nhà “siêu mỏng”, “siêu méo”.
Theo UBND phường 1, quận Gò Vấp, năm 2007, UBND TPHCM đã có quyết định số 135, quy định lô đất ở vị trí mặt tiền có diện tích dưới 15 m2, chiều rộng nhỏ hơn 3m được cải tạo theo hiện trạng cũ nên sau giải tỏa, nhiều nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” xuất hiện.
Ông Trần Văn Long, Phó Chủ tịch UBND phường 1 cho biết về cơ bản đây là những căn nhà được phép tồn tại theo QĐ năm 2007 của UBND TPHCM.
Ông Long khẳng định: Cũng cần phải nhìn nhận đây là sự thiệt thòi, hy sinh “đất và nhà” của người dân cho lợi ích chung dự án.
Theo ông Long, mối lo lớn nhất của chính quyền địa phương hiện nay là công trình xây dựng đường cao tốc Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài đang thi công nền hạ, mặt bằng toàn tuyến bị khoét sâu hơn 1m nên phần đất tiếp giáp nhà dân đang bị lún sụt trầm trọng.
Có đoạn xuất hiện hàm ếch sâu hoắm, nhiều căn nhà có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, do chưa có cốt nền chuẩn nên nên nhiều căn nhà sau khi cải tạo có nguy cơ thấp hoặc cao hơn nhiều so với mặt đường sau khi hoàn thiện.
“Không ai muốn căn nhà mình gây mất mỹ quan thành phố. Trước đây, nhiều căn nhà rộng rãi, đầy đủ tiện ích sinh hoạt, từ khi bị giải tỏa mới biến thành “siêu méo”, “siêu mỏng” – Ông Trần Huy Tiến trăn trở.
Anh Trần Nguyên Bình thở dài: Lấy nhau gần chục năm, vợ chồng tôi vẫn chưa dám sinh con vì sợ chúng khổ như bố mẹ.
Báo đăng nhiều dự án tồn đọng hàng trăm nền đất, hàng nghìn căn hộ cao cấp bỏ hoang. Căn hộ cao cấp tôi không dám mơ. Nhà riêng càng không nghĩ tới. Tôi chỉ mong đủ tiền mua một căn hộ giá rẻ hoặc một miếng đất ở ngoại ô để cất nhà nhưng bán quả cóc như vầy chỉ lượm bạc cắc. Chẳng biết đến bao giờ giấc mơ đó mới thành hiện thực.