Nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội: Bỏ hoang hay 'găm' đất vàng?

Nhiều dự án thương mại chuyển sang NƠXH nhưng chậm triển khai
Nhiều dự án thương mại chuyển sang NƠXH nhưng chậm triển khai
TP - Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội (NƠXH). Tuy nhiên, những dự án này gây lãng phí lớn khi không có khách mua. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp xin chuyển đổi để được miễn tiền sử dụng đất rồi bỏ hoang nhiều năm.

Nhà ở xã hội rao bán trên… cây

Dưới cái nắng gay gắt của Hà Nội những ngày đầu tháng 5, Đại lộ Thăng Long càng nắng nóng hơn khi kéo dài gần 15km mới tới một dự án NƠXH tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Một cảnh tượng đập ngay vào mắt người đi đường là những tấm biển quảng cáo bán nhà treo trên cây suốt dọc đường đi. Những dòng quảng cáo hấp dẫn như: giá từ 480 triệu đồng/căn và được vay đến 75% giá trị căn hộ.

Còn nhớ cách đây 2 năm, vào tháng 6/2013, dự án này được tổ chức rầm rộ. Hoành tráng là vậy, nhưng sau hơn 2 năm “bỏ hoang”, dự án mới được triển khai thi công.

Hiện nay, nhiều dự án NƠXH treo biển quảng cáo khắp nơi như: giá từ 480 triệu đồng/căn và được vay đến 75% giá trị căn hộ. Tuy nhiên, sự chú ý của người dân tại dự án không cao. Nhiều khách hàng cho biết: “Dự án xa trung tâm, giá có rẻ cũng không hấp dẫn”.

Trong khi đó, chính những người làm dự án cũng đau đầu vì vì bí đầu ra.  “Dự án nếu không chuyển sang NƠXH cũng chết, vì tiền sử dụng đất lớn, làm nhà thương mại không ai mua. Nay, dự án chuyển sang làm NƠXH bớt đi mấy chục tỷ đồng tiền sử dụng đất cũng khó thoát cảnh ế ẩm”, một nhân viên BQLDA NƠXH nói.

Đại diện một Cty địa ốc cho biết, chủ trương giải cứu BĐS được nêu rõ trong Nghị quyết 02 của Chính phủ là yêu cầu các ngân hàng phải dành một lượng vốn khoảng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho vay đầu tư, kinh doanh và thuê mua nhà. Trong đó, NƠXH gần như là đối tượng chính được ưu ái nhất…

Có “găm” đất vàng?

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, Hà Nội có 21 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà thương mại sang NƠXH, trong đó có 5 dự án đã được chấp thuận chuyển đổi và hàng chục dự án chấp thuận về chủ trương. Tuy nhiên, sau khi được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất, nhiều dự án lại “chây ỳ” triển khai. 

Điển hình như: Dự án AZ Thăng Long nằm trên trục Quốc lộ 32 do Cty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư. Khi là nhà ở thương mại, dự án nổi tiếng vì chậm tiến độ và huy động vốn của khách hàng trái phép. Tưởng sẽ được “thay máu” khi đón luồng gió mới, nào ngờ, dù đã được chấp thuận chuyển đổi từ tháng 1/2014, đến nay dự án vẫn gần như “án binh bất động”…

Ngoài ra, dự án NƠXH (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) của Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư được chấp thuận về chủ trương chuyển đổi từ 11/3/2013, nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Theo nhiều chuyên gia BĐS, động thái chuyển đổi sau đó “ngâm” dự án của chủ đầu tư là chiêu trò “găm đất” (?).

Ông Nguyễn Hoàng Long, chuyên gia BĐS, cho rằng: “Bản chất các dự án xin chuyển đổi là (những dự án) không đủ khả năng triển khai khi thị trường BĐS đóng băng. Chủ đầu tư xin chuyển từ nhà ở thương mại sang NƠXH để được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT, vay vốn ưu đãi… Đây có thể là chiêu của các doanh nghiệp giữ đất đợi thị trường ấm lại chuyển từ nhà thu nhập thấp sang nhà thương mại để kiếm lời.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Việc chủ đầu tư cố tình chây ỳ, chậm trễ trong triển khai dự án để giữ đất khó xảy ra, mà chính khâu thủ tục hành chính đang gây khó cho các doanh nghiệp. Ông Đạm cũng thừa nhận việc “ngâm” dự án quá lâu sẽ khiến chủ trương của Chính phủ mất đi giá trị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn vừa có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng lập đoàn kiểm tra liên ngành về NƠXH. Nội dung kiểm tra gồm: Thẩm định về mặt tiến độ dự án, các chủ đầu tư phải cam kết về tiến độ triển khai dự án, dự án nào không làm tốt sẽ bị xem xét thu hồi.


MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".