Nhà nghèo xài sang

Nhà nghèo xài sang
TP - Chiều qua, thảo luận về dự án Luật Đầu tư công, ĐB Huỳnh Văn Tiếp cho rằng, một số nơi còn nghèo mà đầu tư trụ sở quá hoành tráng. Các đại biểu đề xuất luật điều chỉnh cả phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

> Xây dựng kém chất lượng, quy trách nhiệm cơ quan quản lý

Khắc phục đầu tư dàn trải, cắt khúc

ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) cho rằng, luật này sẽ ngăn ngừa được những hạn chế hiện nay như tùy tiện, chủ quan, dễ dãi trong quyết định đầu tư. Địa phương quyết định đầu tư rồi chờ ngân sách trung ương. Việc lập kế hoạch vốn trung hạn sẽ tạo công khai minh bạch, hạn chế tiêu cực, xin cho trong phân bổ nguồn lực nhà nước.

Về nội dung công khai, minh bạch, ông Tân lưu ý, cần công khai từng chương trình, dự án như quy mô, tổng mức đầu tư, hiệu quả dự án với báo chí và trên cổng thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương để nhân dân giám sát.

Theo ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) nhu cầu đầu tư công để phát triển kinh tế- xã hội rất lớn. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát còn nhiều kẽ hở, nhiều nơi phê duyệt đầu tư gấp đôi, gấp ba khả năng gây lãng phí nguồn lực. “Cần quy định rõ quyền hạn trách nhiệm của người đứng đầu. Chủ đầu tư phải công khai thiết kế, tiến độ để nhân dân tham gia giám sát. Nhiều công trình trụ sở quá hoành tráng nên tôi đề nghị có thêm điều luật hạn chế xây dựng trụ sở hoành tráng gây lãng phí”- ông Tiếp nói.

Phải quản vốn đầu tư vào doanh nghiệp

ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) đề nghị luật này phải điều chỉnh cả phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vì khoản vốn này chưa được quy định trong khi chưa biết bao giờ đạo luật riêng về nội dung này được trình ra QH. Theo bà Bình, việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DNNN đang gây bức xúc trong xã hội. Cần khắc phục tình trạng vừa thi công vừa lập dự án. ĐB Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) đồng tình việc đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công đối với phần vốn nhà nước tại DNNN.

ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên- Huế) cho rằng, câu hỏi lớn nhất mà dự thảo luật chưa trả lời được là nhà nước đầu tư vào lĩnh vực nào, ngành nào. ĐB Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) đồng tình và đề nghị, cần có quy định chiến lược đầu tư công trong dài hạn, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư công.

Theo ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa), tồn tại lớn nhất hiện nay là tình trạng thất thoát, lãng phí do quy hoạch, kế hoạch kém chất lượng, quy mô không cần thiết, khai thác hiệu quả thấp, dự án không đảm bảo tiến độ.

Hiện tượng bắt tay, thông đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, nhà thầu và tư vấn giám sát, chất lượng công trình không tương xứng với nguồn vốn đầu tư. ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị làm rõ hơn trong xử lý trách nhiệm cá nhân nếu phê duyệt sai, kém hiệu quả. “Những cái sai không thể sửa được cần chấm dứt dự án chứ không chỉ dừng. Như thế sẽ bớt lãng phí hơn là tiếp tục làm”- ông Tám nói.

Các ĐBQH đều đánh giá cao dự thảo luật và những phát biểu mạnh mẽ của Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh, hy vọng khi luật này ban hành sẽ ngăn chặn được tình trạng đầu tư dàn trải, cắt khúc gây thất thoát, lãng phí. ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng, dự thảo luật có nhiều nội dung mới, trong đó có việc luật hóa thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG