Nhà máy xử lý rác thải đổ tro xỉ gây ô nhiễm, dân bức xúc

Khu xử lý rác thải Việt Hồng (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương).
Khu xử lý rác thải Việt Hồng (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương).
TPO - Khoảng hơn chục ngày nay, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương đổ tro xỉ từ nhà máy đốt rác ra khu vực nằm giáp ranh 2 xã Cổ Dũng, Tuấn Việt thuộc huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) gây ra mùi hôi thối, khó chịu, khiến người dân địa phương rất bức xúc. Chuyên gia cho rằng, tro xỉ của lò đốt rác thải sinh hoạt nguy cơ cao là chất thải nguy hại.

Theo phản ánh của người dân địa phương, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương là chủ nhà máy xử lý rác thải tại Khu liên hiệp xử lý rác thải Việt Hồng (xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà). Khoảng 10 ngày nay, công ty này dùng tro xỉ từ hoạt động đốt rác thải để san lấp mặt bằng.

Một số người dân sống gần nơi đổ tro xỉ cho hay, tro xỉ có lẫn nhiều tạp chất như vải, nilon, nhựa, sắt vụn chưa cháy hết trộn lẫn với nhau khiến cho người dân sống ở khu vực xung quanh phải chịu mùi khét lẹt nồng nặc, nhiều người thường xuyên nhức đầu, chóng mặt khi ngửi phải mùi này.

Nhà máy xử lý rác thải đổ tro xỉ gây ô nhiễm, dân bức xúc ảnh 1Hiện trường khu vực đổ tro xỉ của Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương gây mùi khét lẹt, khó chịu cho các hộ dân xung quanh. 

Vị trí san lấp mặt bằng của Khu liên hiệp xử lý rác thải thuộc xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà tuy nhiên lại giáp ranh 2 xã Cổ Dũng, Tuấn Việt thuộc huyện Kim Thành. Đặc biệt, hai xã Cổ Dũng, Tuấn Việt này lại nằm ở cuối chiều gió nên thường xuyên hứng chịu khói bụi và mùi hôi thối từ nhà máy xử lý rác cũng như khu san lấp.

Anh Nguyễn Văn Thanh, một kỹ sư xây dựng sống ở xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành chia sẻ, công ty đổ tro xỉ để san lấp mặt bằng nhưng không có lớp kỹ thuật che chắn với lòng đất, tro xỉ thì lẫn tạp chất bốc mùi khét lẹt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân xung quanh. “Đây là hành vi gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cử đoàn kiểm tra đến lập biên bản, xử lý, tránh tai họa cho người dân”, anh Thanh nói.

Nhiều người dân sông ở xã Cổ Dũng và Việt Tuấn chia sẻ, mấy năm qua, trong xã xuất hiện nhiều trường hợp người chết vì bệnh ung thư. Nhiều người dân cho rằng, nguyên nhân là do họ phải hít khói bụi liên tục từ lò đốt rác của khu liên hiệp.

Theo ông Tạ Hồng Minh, Phó giám đốc Sở TN&MT Hải Dương, Khu liên hiệp nhà máy xử lý rác đi vào vận hành từ tháng 7/2012 với công suất thiết kế 64.000 tấn rác thô/năm, khoảng 175 tấn rác thải/ngày. Dự kiến thành phẩm khoảng 12.390 tấn phân hữu cơ/năm. Tuy nhiên khi hoạt động, nhà máy chỉ xử lý được 45% rác, còn lại phải đốt.

Sau thời gian vận hành không hiệu quả, nhà máy được chuyển giao cho một đơn vị tư nhân. Sản phẩm phân hữu cơ sản xuất ra không tiêu thụ được nên nhà máy phải ngừng dây chuyền sản xuất phân vi sinh, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt phải chuyển xử lý bằng công nghệ đốt.

Tháng 1/2015, đơn vị vận hành nhà máy có văn bản xin trả lại nhà máy rác cho UBND tỉnh Hải Dương. Tháng 11/2016, UBND tỉnh giao nhà máy cho công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương - đơn vị chuyên về lĩnh vực cây xanh, chiếu sáng, thoát nước, xây dựng.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hải Dương cho hay, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Hải Dương đang chuẩn bị thanh tra khu xử lý rác thải tại xã Việt Hồng.

Nhà máy xử lý rác thải đổ tro xỉ gây ô nhiễm, dân bức xúc ảnh 2 Ô tô đổ tro xỉ ra môi trường tạo vùng khói trắng mù mịt, ảnh chụp từ flycam. Vùng đen là tro xỉ đã đổ ra môi trường. 

Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, tro xỉ của lò đốt rác sinh hoạt phần lớn là chất thải nguy hại do chất thải sinh hoạt của Việt Nam không được phân loại tại nguồn. Để được san lấp nền, nhà máy xử lý chất thải phải có chứng nhận kiểm nghiệm chất thải không nguy hại, đáp ứng quy chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành.

“Tuy nhiên, gần như tro xỉ từ lò đốt chất thải sinh hoạt không được sử dụng làm vật liệu san nền do thường chứa chất nguy hại cao, chỉ có tro xỉ từ các lò đốt công nghiệp như nhiệt điện than mới được sử dụng làm vật liệu san nền”, TS Tùng nói. Ông cho biết thêm, với tro xỉ từ lò đốt chất thải sinh hoạt thường phải xử lý theo quy trình nghiêm ngặt của chất thải nguy hại.

Theo ông Nguyễn Kim Tuyển, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường Miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT), tro xỉ đốt rác chỉ được phép sử dụng làm vật liệu san lấp khi đáp ứng được quy chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành.

"Kể cả trong trường hợp được phép san lấp, việc san lấp cũng phải thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật như bãi chôn được quy hoạch, lót vải địa kỹ thuật ở đáy để không ảnh hưởng đến nước ngầm. Cục Bảo vệ Môi trường miền Bắc sẽ kiểm tra, xác minh thông tin, từ đó có hướng xử lý cụ thể", ông Tuyển nói.

MỚI - NÓNG