Như Tiền Phong đưa tin, Cty SAM Media vừa bị xử phạt 55 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ “mập mờ” cho gần 100.000 khách hàng, thu lợi nhuận gần 230,5 tỷ đồng. Trong tổng lợi nhuận trên, số tiền mà SAM Media cùng các công ty đầu số thu về chỉ khoảng 70 tỷ đồng, còn lại là lợi nhuận của 4 nhà mạng: Mobifone, Vinaphone, Viettel và Vietnammobile.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Vinaphone nói: Đến thời điểm này, nhà mạng vẫn chưa nhận được văn bản kết luận chính thức và văn bản yêu cầu giải trình của các cơ quan chức năng liên quan nên chưa có thông tin chính thức về lỗi vi phạm của CPs (các đơn vị cung cấp đầu số - PV).
Tuy nhiên, ngay khi báo chí đăng tải, VNPT Vinaphone đã rà soát các đầu số mà các CPs cung cấp. Đồng thời yêu cầu các CPs liên quan giải trình, nếu phát hiện sai phạm, xử lý theo đúng hợp đồng đã ký kết. Đại diện Vinaphone từ chối trả lời các câu hỏi liên quan SAM Media do không ký hợp tác trực tiếp với công ty này.
“Đây là trường hợp phức tạp, cần có thời gian điều tra và xác minh từ các cơ quan chức năng mới có thông tin chính xác”, vị đại diện nói. Tương tự, 2 nhà mạng Viettel và Mobifone cũng thông tin: Đang trong quá trình rà soát lại hoạt động của các đầu số và sẽ có thông báo chính thức sau.
Một luật sư từ Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, quy định chống thư rác cấm hành vi thu cước sử dụng dịch vụ mà không thông báo cho người sử dụng. Do đó, nếu người dùng không đồng ý dịch vụ thì nhà mạng không được phép thu. Nhà mạng có trách nhiệm quản lý trên toàn bộ dịch vụ giá trị gia tăng, do đó phải có trách nhiệm với người dùng. “Ngoài ra, có thể xem xét truy thu số tiền lãi mà nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ có được khi không có sự đồng ý của người dùng”, luật sư này nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia bảo mật cho biết, bất cứ mô hình kinh doanh giữa nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ nào cũng ăn chia theo mô hình 70 – 30 (nhà mạng được 70%), thậm chí trong nhiều mô hình, nhà mạng còn được cao hơn.
Do đó, lãi “khủng” của các nhà mạng từ số tiền 230 tỷ không có gì bất thường. Phần lớn các công ty dịch vụ sống trên hạ tầng của nhà mạng tự đưa ra những đề xuất về dịch vụ. Nếu khả thi về kinh doanh thì nhà mạng sẽ chấp nhận.
Thông thường, nhà mạng vẫn phải kiểm soát nội dung và cách thức kinh doanh. Tuy nhiên, đôi khi có một số trường hợp nhà mạng không kiểm soát được tất cả các đối tác kinh doanh có ký hợp đồng với nhà mạng. Có thể ở đây nhà cung cấp lợi dụng việc đó.
“Chắc chắn có sự liên quan của nhà mạng ở đây, nhưng liên quan ở mức độ nào thì còn nhiều vấn đề không chỉ là vấn đề kỹ thuật đơn thuần”, vị này nói.
Nhìn chung, về kỹ thuật, đơn vị cung cấp dịch vụ hoàn toàn có thể làm hộ người dùng thao tác đăng ký. Thậm chí, nhà mạng không đồng ý nhưng nhà cung cấp dịch vụ vẫn có cách để vượt qua chính sách đó bằng cách mô phỏng hành động đồng ý của người dùng. Do vậy chỉ cần ấn vào đường link thì người dùng có thể đăng ký dịch vụ.
Chuyên gia này khuyến cáo, người dùng cần hạn chế tối đa việc ấn vào các đường link quảng cáo.
Cuối giờ chiều 23/9, đại diện Viettel cho biết, Cty đã quyết định dừng mọi hợp tác với Cty ACOM (Cty cung cấp dịch vụ cho SAM Media) để đảm bảo quyền lợi khách hàng. Đồng thời nhắn tin đề nghị khách hàng đang sử dụng dịch vụ của ACOM đăng ký lại nếu vẫn có nhu cầu, tất cả khách hàng không xác nhận, Viettel sẽ tự hủy dịch vụ. Đại diện Viettel cho biết thêm, định kỳ mỗi tháng 2 lần, Cty yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải gửi kịch bản để Viettel kiểm duyệt. Đơn vị vi phạm nội dung bị phạt 30 triệu đồng/lỗi.
Cũng trong chiều 23/9, đại diện Mobifone khẳng định: Đơn vị đang rà soát quá trình cung cấp dịch vụ của các đơn vị trên. Nếu có vấn đề phát sinh trong dịch vụ đầu số, khách hàng có thể gọi ngay đường dây nóng 18001090 để thắc mắc khiếu nại.
Trần Hoàng