Nhà khoa học huyền thoại trên xe lăn vừa qua đời

Khuyết tật cơ thể không thể ngăn TS Stephen Hawking khám phá vũ trụ
Khuyết tật cơ thể không thể ngăn TS Stephen Hawking khám phá vũ trụ
TPO - Stephen W. Hawking, nhà vật lý học huyền thoại với cuộc đời nỗ lực khám phá vũ trụ từ chiếc xe lăn, vừa qua đời ở tuổi 76.

Phát ngôn viên của ĐH Cambridge (Anh), nơi ông công tác, đã xác nhận thông tin này.

“Kể từ thời Albert Einstern mới có một nhà khoa học đủ khả năng kích thích trí tưởng tượng của con người đến thế, và đã giành được tình yêu mến của hàng chục triệu người trên thế giới”, GS Michio Kaku, chuyên gia về lý thuyết vật lý tại ĐH New York, nói về ông Hawking trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

TS Hawking nổi tiếng nhất với cuốn sách: “A Brief History of Time: From the Big Bang to Black Holes,”  (Lược sử thời gian: Từ vụ nổ Big Bang đến các Hố đen) xuất bản năm 1988. Cuốn sách này đã bán được hơn 10 triệu bản và trở thành nguồn cảm hứng cho một bộ phim tài liệu của Errol Morris. Bộ phim “Lý thuyết vạn vật” chiếu năm 2014 về cuộc đời ông được đề cử nhiều giải hàn lâm. Eddie Redmayne, người đóng vai TS Hawking, giành được giải Oscar hạng mục diễn viên xuất sắc nhất.

Về khoa học, TS Hawking ghi dấu ấn sâu đậm nhất với khám phá kỳ lạ về hố đen, khi đặt ra giả thuyết: Khi nào một hố đen không còn đen? Khi nó nổ tung.

Một điều kỳ diệu khác chính là cuộc đời ông. Tốt nghiệp đại học năm 1963, ông mắc chứng xơ cứng động mạch, loại bệnh về cơ nang thần kinh còn được gọi là bệnh Lou Gehrig. Sau đó, ông chỉ có vài năm nữa để sống cuộc sống bình thường.

Căn bệnh này khiến cơ thể không mất kiểm soát cử động ngón tay và chuyển động mắt, nhưng trí tuệ của ông hoàn toàn không bị ảnh hưởng.

Ông tiếp tục công việc của mình để trở thành người đi đầu của thế hệ trong khám phá tính chất của trọng lực và tính chất của hố đen, những cái hố không đáy cực kỳ sâu và đặc đến mức ngay cả ánh sáng cũng không thể lọt qua.

Quá trình nghiên cứu đó dẫn đến một bước ngoặt trong lịch sử vật lý hiện đại khi TS Hawking ứng dụng vật lý lượng tử, loại lý thuyết kỳ lạ điều khiển tính chất của hạ nguyên tử, để giải thích hố đen. Trong một tính toán dài và khó khăn, TS Hawking phát hiện ra rằng các hố đen không thực sự là hố đen. Ông phát hiện ra rằng, trên thực tế, các hố đen cuối cùng sẽ bị xáo trộn, giải phóng phóng xạ và các hạt, rồi sẽ nổ và biến mất trong thời gian dài vô hạn.

Ban đầu, không có ai, bao gồm cả TS Hawking, tin rằng các hạt sẽ thoát khỏi hố đen.

Lý thuyết của TS Hawking được xuất bản năm 1974 trên tạp chí khoa học Nature dưới tựa đề “Hố đen sẽ nổ?”. Ngày nay, các nhà khoa học ca ngợi lý thuyết này là bước ngoặt lớn đầu tiên trong hành trình gian khổ nhằm tìm ra một lý thuyết tự nhiên để kết nối trọng lực với cơ lượng tử nhằm giải thích vũ trụ theo cách chưa ai từng nghĩ tới.

Phát hiện của TS Hawking về phóng xạ đã lật ngược lại những điều người ta từng nghĩ về hố đen. Nó biến các hố đen từ kẻ hủy diệt thành cỗ máy sáng tạo, hoặc ít nhất là cỗ máy tái chế, và truyền cảm hứng cho giấc mơ sẽ tìm ra lý thuyết cuối cùng về hố đen và vũ trụ theo một hướng mới hoàn toàn khác.

Năm 2002, TS Hawking nói rằng ông muốn công thức về tính toán phóng xạ sẽ được khắc trên bia mộ của ông.

Ông được coi là biểu tượng của nỗ lực vượt qua giới hạn của trí tuệ, của sự nghiệp và cuộc sống cá nhân. Ông đi khắp thế giới để dự các cuộc hội thảo về khoa học, đến khắp các lục địa, bao gồm cả châu Đại Dương, ông viết những cuốn sách bán chạy nhất về công việc của mình, ông kết hôn hai lần, làm cha của ba đứa con...

Ông kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 với việc bay trên một khinh khí cầu. Cùng trong tuần đó, ông bị ngã từ chiếc xe lăn chạy điện khi đang đi trong khuôn viên trường Cambridge, khiến chân ông bị gãy.

Tháng 4/2007, chỉ vài tháng sau sinh nhật lần thứ 65, ông có mặt trên chuyến bay không trọng lượng bằng chiếc Boeing 727 được thiết kế đặc biệt. Đó là bước dạo đầu cho hành trình lên không gian của công ty Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson bằng con tàu SpaceShipTwo.

Khi được hỏi vì sao dám mạo hiểm như vậy, TS Hawking nói: “Tôi muốn thể hiện rằng con người không nên bị giới hạn bởi khuyết tật cơ thể trừ khi họ bị khuyết tật tinh thần”.

MỚI - NÓNG