> Làm nông nghiệp thôi thì chỉ ổn, không giàu
> Vì sao nông dân viết đơn trả ruộng?
Tụt hậu 50 năm
Trong khi nhiều nông dân chế tạo, cải tiến ra nhiều loại máy móc, có tính ứng dụng cao, thì thành tựu của ngành nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông lâm nghiệp được coi là “yếu kém, khó chấp nhận”.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, khoa học nông lâm nghiệp nước ta có tỷ suất cống hiến đạt khoảng 30% giá trị gia tăng trong sản xuất. Trong khi, tỷ suất này ở Trung Quốc, như Quảng Tây là 40%, Quảng Đông 60%, Thượng Hải tới 70%; còn các nước tiên tiến là 80-90%. “Đây là sự yếu kém khó chấp nhận. Với đà phát triển này, nếu tỷ lệ cống hiến của khoa học nông lâm nghiệp chỉ tăng 1%/năm, phải 50 năm nữa, Việt Nam mới đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới”- ông Tạn nói.
Ông Tạn dẫn chứng, đến nay, ngành chăn nuôi nước ta chưa tạo ra được con giống gọi là thành quả khoa học công nghệ tự thân của Việt Nam. Sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, phần lớn phải nhập nguyên liệu (từ ngô, đậu tương, đến thức ăn bổ sung, phụ gia). Còn ngành lâm nghiệp, đến nay vẫn chưa trả lời được câu hỏi muôn thuở của dân: Ở vùng đồi núi trồng cây gì sớm được khai thác, đạt doanh thu 20 triệu đồng/ha/năm...
Trong khi đó, tình trạng tổn thất sau thu hoạch còn lớn. Hệ thống máy móc phục vụ nông nghiệp phải nhập từ nước ngoài. TS Chu Văn Thiện, Viện trưởng Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện 90% máy gặt đập liên hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long nhập từ nước ngoài.
Nhiều loại máy trôi nổi, không kiểm soát được chất lượng. “Còn phần cơ giới hóa nông nghiệp, đến nay loại máy kéo 2 bánh trong nước sản xuất đã lỗi thời. Loại 4 bánh, tới 99% nhập nước ngoài. Trong nước cũng có một cơ sở của Hà Tây (cũ) nghiên cứu được loại này, nhưng mãi chưa chuyển giao vào sản xuất được”- ông Thiện nói.
Nguyên Cục trưởng Trồng trọt- ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, kết quả nghiên cứu của các viện, trường còn chưa tương xứng so với mức độ đầu tư của Nhà nước. Về nghiên cứu khoa học, ông Ngọc cho hay: “Thực chất ông nào khéo vẽ thì tiêu được tiền. Chứ không phải ông nào khéo làm, làm giỏi và làm có kết quả mới được tiêu tiền”.
Cái chúng ta cần là những đơn vị làm ra sản phẩm được nông dân và xã hội công nhận. “Những sản phẩm khoa học phục vụ sản xuất còn khiêm tốn quá. Những báo cáo khoa học nhiều quá. Báo cáo khoa học nhiều làm gì, bà con có thời gian đọc đâu. Mà có đọc cũng không thể hiểu hết được”- ông Ngọc nói.
Nghiên cứu xong bỏ vào ngăn kéo
Đầu tư nghiên cứu hàng chục năm nay, nhưng máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL hầu hết phải nhập khẩu (ảnh to); “Hai lúa” nông dân Hoàng Văn Liêm bên chiếc máy xúc nông sản tự chế ở huyện Thới Lai - Cần Thơ (ảnh nhỏ). Ảnh: phương chăm. |
Kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng còn nghèo nàn, nhiều nhà khoa học muốn dời các viện nghiên cứu. TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT (Bộ NN&PTNT) nói: “Tình trạng nông dân bỏ ruộng là bất thường, nhưng tình trạng nhà khoa học bỏ viện nghiên cứu còn tệ hơn”. Theo ông, trong 5 năm qua, tình trạng “chảy máu chất xám” tiếp tục diễn ra tại các viện nghiên cứu, nhất là các viện cách xa thành phố.
Theo ông Sơn, hằng năm, nước ta chi khoảng 1.000 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học nông nghiệp, với đội ngũ nhà nghiên cứu tới 5.000-6.000 người, ở trên 10 viện nghiên cứu. Đến 1/3 số tiền trên bỏ vào hoạt động bộ máy, nhưng lương vẫn rất thấp. “Dàn trải mà không đến đầu đến đũa. Hơn nữa, cách giao đề tài thông qua các hội đồng; các đơn vị nghiên cứu xong, lại nộp hội đồng đó đánh giá, và bỏ ngăn kéo là xong”- ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Cây lương thực và cây thực phẩm (Bộ NN&PTNT) cho biết, vài năm lại đây, ở viện có 3-4 người, trình độ thạc sĩ đào tạo ở nước ngoài xin nghỉ, và chuyển sang làm cho một số công ty nước ngoài ở Việt Nam. “Ở ngoài họ trả 20-30 triệu đồng/tháng, ở viện chỉ được 3-4 triệu. Chịu thôi. Tình trạng một số anh em đi học nước ngoài ở lại làm tiếp, có người chả muốn về thì nhiều” - ông Hoàn nói.
Ông Hoàn cho hay: “Lớp trẻ bây giờ thực tế lắm, sống ở thành phố khó khăn như thế mà lương thấp, chỉ được mấy triệu mỗi tháng nên họ ra đi. Lúc đầu mình thấy ngạc nhiên, nhưng dần dần mình thấy đó là tất yếu cuộc sống”. Theo ông, thực ra, đội ngũ cán bộ khoa học “khó sống”. So với ngành nghề khác còn có tiền nọ, tiền kia, phần trăm này khác, chứ khoa học có gì đâu.
Tại Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, TS Lê Văn Bảnh-Viện trưởng cho biết, hiện đang có 16 người học tiến sĩ và 23 người học thạc sĩ ở nước ngoài. Lực lượng khoa học trẻ này, “cố bám” ở nước ngoài, hay sau này xin nghỉ ở viện cũng không loại trừ.
Nhiều sáng chế của nông dân được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, như: ông Huỳnh Thái Dương ở Bình Thuận, đạt giải tại Hội nghị sáng tạo kỹ thuật toàn ngành Quốc gia với bóc vỏ, tách hạt bắp; ông Trần Văn Lía (xã Ninh Phụng, Ninh Hòa, Khánh Hòa) với quạt bắt muỗi, đoạt giải tại Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông lần thứ III; nông dân Nguyễn Văn Hai (phường Xuân An, Phan Thiết, Bình Thuận), chưa học hết lớp 5, có hàng chục sản phẩm kỹ thuật được giải thưởng và bằng sáng chế độc quyền như: máy tuốt củ lạc (đậu phộng), bơm tích nước nhỏ giọt tưới thanh long; phun thuốc trừ sâu, bơm nước, cứu hỏa; anh Nguyễn Hồng Chương (xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), có hàng loạt sáng chế: máy gieo hạt, máy dồn đất vào vỉ số, máy xay đất mùn; máy xay đất kết hợp băng tải... |