Đắk Lắk:

Nhà đất 'bất động' trước tin thành phố mở rộng địa giới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo dự thảo đang được Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk đưa ra lấy ý kiến, TP Buôn Ma Thuột - nơi được ví như “thủ phủ cà phê” của cả nước sẽ mở rộng địa giới hành chính. Thế nhưng thị trường bất động sản nơi đây lại khá im ắng.

Ông Đặng Văn Hoan - Chủ tịch UBND xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk, một trong những địa phương được dự kiến sáp nhập vào TP Buôn Ma Thuột - cho biết toàn xã có hơn 3.500 ha đất tự nhiên. Thời điểm này, hiếm thấy ai nhắc đến thông tin Cư Suê sắp được sáp nhập thành phố như một năm về trước.

“Gần năm nay, thị trường bất động sản đóng băng. Giới đầu tư không còn lui tới địa phương nhiều như trước. Bất động sản trầm lắng là một trong những nguyên nhân chính khiến năm nay xã bị hụt thu ngân sách hơn 3 tỷ đồng”, ông Hoan cho hay.

Nhà đất 'bất động' trước tin thành phố mở rộng địa giới ảnh 1

Bảng rao bán đất trên đường về xã Cư Suê

Tại xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar) có vị trí sát vách TP Buôn Ma Thuột cũng một thời "sốt" đất không kém nhưng nay vắng hẳn.

Ông Y Se Niê - Phó Chủ tịch UBND xã Cuôr Đăng - thông tin, năm 2020-2021, giới bất động sản đến mua đất rất nhiều, nhất là khu vực giáp thành phố. Đặc biệt khi có thông tin một tập đoàn sẽ làm sân golf, giá đất quanh hồ Ea Nhái (Cuôr Đăng) tăng vọt.

Theo ông Y Se, thời điểm "sốt" đất, 1 sào quanh khu vực hồ tăng lên 300-400 triệu đồng, còn bây giờ không ai mặn mà hỏi thăm. Kể cả thông tin địa phương này dự kiến sáp nhập vào TP Buôn Ma Thuột nhưng giới bất động sản vẫn chưa bắt nhịp.

Nhà đất 'bất động' trước tin thành phố mở rộng địa giới ảnh 2

Một lô đất thuộc xã Ea Drơng (huyện Cư M’gar) dự kiến sáp nhập vào TP Buôn Ma Thuột, được rao bán.

Theo dõi thông tin trên các diễn đàn mua bán nhà đất ở Đắk Lắk, việc rao bán bất động sản ở các địa phương dự kiến sáp nhập vào TP Buôn Ma Thuột cũng không còn rôm rả, “sốt dẻo” như trước.

Anh N.V.A. (ở TP Buôn Ma Thuột), một nhà đầu tư bất động sản cho hay, giá đất hiện nay đã hạ nhiệt nhưng vẫn chưa về sát giá trị thực. Lý do, trước đây giới đầu cơ mua giá cao nên bây giờ họ không hạ giá xuống, trừ trường hợp bị “ngộp”.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất vay nên giới đầu cơ lỡ “ôm” đất giá cao đang cầm cự. Còn nhà đầu tư tiềm năng cũng đang dè chừng bởi nền kinh tế đang biến động.

Bản thân anh A. không vội mua đất ở những khu vực giáp ranh hoặc xa thành phố, dẫu có thông tin tương lai sẽ sáp nhập. Vì theo anh, câu chuyện đó còn xa, tương lai chưa nói trước điều gì. Giá đất ở những khu vực được cho sẽ lên thành phố, đang được rao bán ngang ngửa với nhiều vị trí đất hẻm của TP Buôn Ma thuột. Nếu đầu tư, anh A. sẽ ưu tiên khu vực nội đô…

Một chuyên gia bất động sản ở Đắk Lắk cũng cho hay, thông tin TP Buôn Ma Thuột mở rộng địa giới hành chính chưa được cấp thẩm quyền quyết định chính thức. Hiện bất động sản ở Đắk Lắk chưa phục hồi so với những năm trước.

Nhà đất 'bất động' trước tin thành phố mở rộng địa giới ảnh 3

Huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) từng trở thành "điểm nóng" về "sốt" đất

Trước đó, Tiền Phong có nhiều phản ánh tình trạng “sốt đất ảo” ở Đắk Lắk. Nhất là những khu vực giáp ranh, gần với TP Buôn Ma Thuột (huyện Cư M'gar, Krông Pắc...), hoặc những nơi có chủ trương xây dựng công trình như đường sá, bệnh viện…

Việc mua bán theo kiểu chớp nhoáng, “lướt sóng” để lại nhiều hệ lụy như phân lô bán nền; xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Ngoài ra còn trường hợp nhiều hộ dân người dân tộc thiểu số đã đưa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục sang tên, nhưng người mua cầm đi rồi lặn mất tăm; hoặc khi đưa thì họ lại cắt lấy hết phần thổ cư khiến nhiều hộ chỉ còn đất nông nghiệp, trong khi đã xây dựng nhà ở…

Đầu tháng 12/2023, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk có công văn gửi các sở, ngành liên quan về việc lấy ý kiến cho dự thảo phương án mở rộng địa giới hành chính TP Buôn Ma Thuột (điều chỉnh lần 3). Theo dự thảo, Sở Nội vụ đề xuất sáp nhập các xã Cư Suê, Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar), Hòa Đông (huyện Krông Pắc) và hơn 10km2 của buôn Kroa A, xã Ea Drơng (huyện Cư M’gar) vào địa giới hành chính TP Buôn Ma Thuột. Tổng diện tích các đơn vị nằm trong phương án sáp nhập khoảng trên 127km2, quy mô dân số gần 40.000 người.

MỚI - NÓNG