Đắk Lắk:

‘Cò đất' lập quy hoạch giả, tung tin thành lập phường gây xáo trộn vùng quê

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Người nơi khác đổ xô về mua đất đầu cơ trước thông tin sắp quy hoạch khu đô thị, thành lập phường... Đây là chiêu trò tung tin giả của các đối tượng môi giới bất động sản (cò đất) nhằm thổi giá trục lợi ở nhiều vùng quê Đắk Lắk. 

Tự ý cắm biển quy hoạch giả

Ông Vương Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) cho biết, đã triển khai lực lượng tháo dỡ các biển đánh dấu quy hoạch do một số đối tượng (chưa rõ thông tin lại lịch) tự ý cắm dọc một số tuyến đường nhằm tung tin đồn giả về quy hoạch để thổi giá đất trục lợi. UBND xã đề nghị công an vào cuộc xác minh, đồng thời báo cáo Huyện ủy và UBND huyện Krông Pắc chỉ đạo, xử lý.

‘Cò đất' lập quy hoạch giả, tung tin thành lập phường gây xáo trộn vùng quê ảnh 1

Các đối tượng tự ý cắm bảng quy hoạch giả trên địa bàn xã Hòa An

Trước đó, tại trục đường thôn 6B, đoạn từ Quốc lộ 26 đến chùa Phước Hưng xuất hiện các cọc sắt, gắn bảng có đánh số thứ tự kèm tin đồn giả về việc quy hoạch mở rộng đường giao thông, quy hoạch khu đô thị, mở rộng địa giới hành chính thị trấn Phước An...

Theo UBND xã Hòa An, trên địa bàn có duy nhất quy hoạch điểm dân cư tại khu trung tâm xã, không có quy hoạch khác, không có dự án mở rộng đường giao thông.

‘Cò đất' lập quy hoạch giả, tung tin thành lập phường gây xáo trộn vùng quê ảnh 2

Bảng "quy hoạch" do các đối tượng tự ý cắm tại các trục đường xã Hòa An

Qua nắm bắt thông tin sơ bộ, chính quyền địa phương nhận định đây là chiêu trò của các đối tượng môi giới bất động sản (cò đất), tung tin đồn quy hoạch ảo, đẩy giá đất lên cao để trục lợi.

UBND xã Hòa An khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, khi phát hiện các đối tượng lạ tung các thông tin giả về quy hoạch, về dự án nhằm tạo giá đất ảo, báo cho thôn trưởng hoặc UBND xã qua để kịp thời xử lý. UBND xã này đề nghị các trưởng thôn buôn nắm tình hình để phát hiện và báo cáo kịp thời.

Tung tin thành lập phường Tân Phú

Tại xã Cư Suê (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cũng rộ lên tin đồn thành lập phường Tân Phú khiến cơn “sốt đất” càng lên cao. Có nơi, 1 sào đất (1000m2) được thổi lên 2 tỷ đồng.

Ông Đặng Văn Hoan- Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho hay, địa phương nằm sát với TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nên giá đất tăng rất cao trong thời gian qua.

“Qua nắm bắt tình hình, tôi có nghe tin đồn, TP. Buôn Ma Thuột đang mở rộng về hướng Bắc nên sẽ thành lập phường Tân Phú tại xã Cư Suê. Từ thông tin này, nhiều người đổ về đây mua đất, đẩy giá lên rất cao. Đây là những thông tin không chính thống, người dân cần hết sức cảnh giác”, ông Hoan nói.

‘Cò đất' lập quy hoạch giả, tung tin thành lập phường gây xáo trộn vùng quê ảnh 3

Cơn "sốt đất" tràn về các vùng quê Đắk Lắk

Theo Chủ tịch UBND xã Cư Suê, bên cạnh việc tung tin đồn quy hoạch giả, các đối tượng môi giới đất còn lợi dụng thông tin dự án đang nằm trên “giấy” để thổi giá đất gần các khu vực có dự án nhằm trục lợi. Đơn cử, trên địa bàn đang có dự án Nhà ở nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch đang mới dừng lại ở việc kêu gọi đầu tư nhưng “cò đất” đã phao tin tạo “sốt đất”.

‘Cò đất' lập quy hoạch giả, tung tin thành lập phường gây xáo trộn vùng quê ảnh 4

Những khu đất ở vị trí xa cũng được thổi giá cao

Theo tìm hiểu của PV, chiêu trò thổi giá đất lên cao để trục lợi của “cò đất” không mới. Đầu tiên, các đối tượng tung tin đồn giả về các khu vực sắp có dự án, quy hoạch. Sau đó, các “cò đất” tìm mua đất của người dân, móc nối mua qua bán lại để thổi phồng giá đất hoặc đẩy giá lên cao. “Cò đất” thường không mua hẳn đất của người dân mà chỉ làm hợp đồng đặt cọc tiền trước 1 ít và kéo dài thời gian thanh toán để tìm “con mồi” mới mua giá cao hơn. Sau khi “con mồi” cắn câu, “cò đất” nhận làm môi giới thủ tục chuyển nhượng để “ăn hoa hồng”. Sau khi “ăn xổi” xong, “cò đất” tiếp tục tìm khu vực khác thổi giá như chiêu trò trên.

UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo công an vào cuộc rà soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng dự thảo bản đồ quy hoạch sử dụng đất để tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất lên cao, gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và đời sống của người dân.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.