Nhà biến thành “hầm” vì con đường đắt đỏ ở Hà Nội

Lối đi của gia đình ông Vũ Văn Bổng chỉ còn đủ cho một người đi sau khi dự án đường Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái hoàn thành.
Lối đi của gia đình ông Vũ Văn Bổng chỉ còn đủ cho một người đi sau khi dự án đường Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái hoàn thành.
TP - Dự án đường Vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái đi qua 4 phường thuộc quận Hai Bà Trưng gồm Thanh Nhàn, Thanh Lương, Bạch Đằng và Đống Mác. Khi đoạn đường Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái mới được tạm đưa vào sử dụng, cuộc sống của hàng trăm người dân đã bị đảo lộn do nhà bỗng thành “hầm”.

Việc mở rộng đường không đồng bộ với quy hoạch nhà ở đã khiến phần cốt đường cao hơn nhiều nhà dân từ 1,5 đến 3 mét, làm cho cuộc sống của nhiều hộ gia đình bị xáo trộn.

Người cao tuổi phải tập “leo núi”

Ông Vũ Văn Bổng, nguyên cán bộ Bộ Ngoại giao, trú tại tổ 5 phường Thanh Lương không giấu nổi bức xúc: Cổng nhà ông bị bịt bởi con đường mới mở, chỉ còn một khoảng nhỏ chừng 20 cm chỉ đủ cho một người lách qua. 

Ông Bổng cho biết thêm, ngoài việc sống như trong hầm, leo trèo bất tiện, toàn bộ xe máy, xe đạp của gia đình phải gửi bên ngoài. Tại tổ 5 còn có 10 hộ gia đình khác chung cảnh cốt đường cao hơn nhà đến 1,6 m. Người dân phải tự xây bậc, hoặc bắc thang tạo lối lên đường. “Năm nay đã 85 tuổi, tôi và bà cụ muốn lên được đường là cả một thử thách”, ông Bổng nói.

Anh Vũ Chiến Thắng, nhà 39 tổ 5 phường Thanh Lương cho biết, các hộ dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương cấp giấy phép sửa chữa nhưng vẫn chưa được phản hồi. “Nhiều người ở đây đã 20 năm nhưng chưa được cấp sổ đỏ do đất nằm trong quy hoạch, chính quyền nên có hướng dẫn để người dân được tôn nền hoặc xây nhà mới thoát khỏi cuộc sống trong hầm”, anh Thắng nói. Không chỉ khổ sở vì đi lại, người dân ở đây còn phải hứng chịu khói bụi, ô nhiễm môi trường do “hứng bụi” trực tiếp từ mặt đường.

Dân muốn xây nhà mới không dễ

Ghi nhận ý kiến người dân trong khu vực cho thấy, các hộ dân hai bên đường Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái đều có mong muốn được xây dựng nhà mới để sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều hộ dân chưa được cấp sổ đỏ do nằm trong vùng quy hoạch, nên không đủ điều kiện xin cấp Giấy phép xây dựng (GPXD).

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 20/6, ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, việc người dân không đủ điều kiện cấp GPXD do nằm trong vùng quy hoạch đang là vướng mắc chung đối với tất cả các khu vực có dự án đường giao thông đi qua, trong đó có đường Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái. 

Muốn xin GPXD, trước hết người dân phải được cấp sổ đỏ hoặc có một cơ chế đặc thù mới được cải tạo hoặc xây mới. “Để giải quyết những vướng mắc trong việc làm sổ đỏ và cấp GPXD của người dân, trong tuần tới UBND quận Hai Bà Trưng sẽ có buổi làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc và các cơ quan chức năng thành phố tìm phương án tháo gỡ khó khăn giúp người dân ổn định cuộc sống”, ông Tuấn nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội, trước mắt, việc cần làm ngay là phải nhanh chóng xây dựng những đường dẫn lên đê để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho người dân đi lại như Hà Nội đã từng làm tại đường Âu Cơ, Đê La Thành… “Bên cạnh hệ thống đường dẫn, để tránh ngập úng, cũng cần chú ý đến hệ thống lan can, mương thoát nước dẫn ra cống”, ông Hùng nói.

Dự án đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái) có chiều dài 570 m, rộng 50 m, được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào cuối năm 2005 với tổng mức đầu tư là 383 tỷ đồng. Đến tháng 9/2014, dự án được điều chỉnh tăng mức đầu tư gấp gần 3 lần lên tới 1.139 tỷ đồng. Để thực hiện dự án này, quận Hai Bà Trưng phải thu hồi 41.240 m2 đất liên quan tới 670 hộ dân.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.