… Không nhớ đã bao lần tôi bám càng phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam Chương trình phát thanh Thanh niên Bùi Đức Huyên về Vùng Mỏ.
Vùng than Đông Bắc Khu Mỏ Hồng Quảng là một chốn đi về của Bùi Đức Huyên. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Toán, Bùi Đức Huyên được điều về dạy văn hóa cho Trường văn hóa binh chủng Pháo binh khi đó ở Sơn Tây nhiều năm. Rồi chuyển ngành về Trung ương Đoàn.
Ông cán bộ Ban tổ chức nghiêm nghị, đồng chí định về Ban nào? Mà này hiện giờ T.Ư Đoàn đang phát động phong trào cán bộ xung phong về cơ sở đấy nhá…
Anh giáo trẻ, chiến sĩ Bùi Đức Huyên ngạc nhiên “Thưa anh bảo sao, đi cơ sở? Là biệt phái hay ở hẳn?” “Hẳn chứ lỵ. Như Vùng mỏ đang rất thiếu cán bộ Đoàn…!”. “Anh cho tôi về suy nghĩ, ngay ngày mai sẽ trả lời…”.
Ngay đêm đó, Bùi Đức Huyên đã quyết. Quê ở Phùng - Đan Phượng, vào đại học rồi sung vào quân ngũ, Bùi Đức Huyên chưa khi nào đến vùng mỏ cả. Nhưng cuốn Vùng Mỏ của Võ Huy Tâm từng hút hồn chàng sinh viên ấy. Mơ mộng và cả những bồng bột này khác, những sinh viên, chiến sĩ độ tuổi của lứa Bùi Đức Huyên thời ấy người thì nhen nhóm, kẻ bập bùng ngọn lửa say mê khoáng đạt về vùng đất nào đó của đất nước đang bước vào thời dựng xây.
Năm đã xa ấy, phóng viên Đài TNVN Bùi Đức Huyên dẫn tôi về cái nơi lần đầu anh xung phong rồi trụ lại với vùng Mỏ Quảng Ninh. Thuở ấy còn có cái tên Đặc khu Hồng Quảng. Không có cái tâm trạng thừ người ra vì nhớ Thủ đô phố xá, anh cán bộ Đoàn khu mỏ Hồng Quảng Bùi Đức Huyên háo hức nhập vào đời sống công nhân mỏ. Anh về ăn ở cùng đi ca với công nhân than các mỏ lộ thiên hầm lò. Bao nhiêu là những lạ lẫm bỡ ngỡ cùng gian khó nhưng chả làm nản lòng anh cán bộ Đoàn tâm lẫn sức hẵng còn đang tràn trề. Một thời gian sau anh được phân công chuyên trách công tác thiếu nhi. Một công việc chả mấy hấp dẫn. Nhưng anh đã mau chóng làm quen và bập với việc thành lập CLB thiếu nhi Hạ Long. Nhớ lại thời gian khó ấy, anh kể, nhà cửa ọp ẹp, phải lai dắt các cháu ra học rồi lại đưa về, đám trẻ đói, mấy anh em lại bỏ tem phiếu mua cơm cho chúng nó ăn. Khó khăn vậy mà việc đào tạo các cháu thiếu nhi vẫn được quan tâm…
CLB Thiếu nhi Hạ Long với nhiều nội dung sinh hoạt, mà điểm nhấn là đội văn nghệ Hạ Long. Dưới sự cầm chịch của anh phụ trách nhiệt tình lại sẵn cái năng khiếu thơ ca nhạc họa, dần dà Đội văn nghệ Hạ Long đã phát triển với nội dung hoạt động phong phú. CLB Thiếu nhi Hạ Long là một trong 4 CLB văn nghệ nổi danh của miền Bắc hồi ấy, cùng với CLB Sơn Ca của Đài Tiếng nói Việt Nam, CLB Vàng Anh của Nam Định, CLB Hải Yên của Hải Phòng.
Một trong những hồn cốt hay điểm nhấn chất lượng của CLB là tiết mục thu thanh trên ĐTNVN được phát rộng khắp toàn miền Bắc khi ấy là ca khúc Em yêu đất mỏ quê em do Bùi Đức Huyên sáng tác. Tiết mục thu thanh và được phát trên sóng có cả đồng ca, tốp ca, đơn ca nhưng nổi trội vẫn là giọng đơn ca của cô bé Lê Dung trong CLB Thiếu nhi Hạ Long.
Năm đã xa ấy, lần đó tôi được chứng kiến cuộc hội ngộ của NSND Lê Dung, cô bé có chất giọng là lạ lảnh lót ngày ấy giờ là nghệ sĩ chất giọng nữ cao hàn lâm sang trọng tầm cỡ quốc gia và khu vực với anh phụ trách Bùi Đức Huyên ngày nào! NSND Lê Dung mắt ướt nhòa khi gọi Bùi Đức Huyên bằng anh khi chú khi thầy lúc hai người ôn lại những kỷ niệm gần nửa thế kỷ trước ở Nhà thiếu nhi khu mỏ Hồng Quảng!
Cô bé Lê Dung, cô ca sĩ nhí Lê Dung làm sang cho ca khúc đầu tay của nhạc sĩ nghiệp dư Bùi Đức Huyên bằng chất giọng vang, nét, cao độ chuẩn, như một điềm triệu để trở thành nghệ sĩ tầm cỡ sau này? Hay ca khúc ấy là cái cách Bùi Đức Huyên bố cáo với bàn dân thiên hạ một tài năng thanh nhạc? Chả biết! Nhưng rõ ra cái sự ăn ý đồng điệu. Cái thứ như giời ban, trời cho ấy khó mà lý giải? Cũng cần nói thêm sau ca khúc ấy Bùi Đức Huyên cũng có sáng tác. Và nhiều ca sĩ nổi danh ngoài Lê Dung cũng có cơ hội thể hiện vài ca khúc. Nhưng nói ngay cho vuông, chưa có ca khúc nào vượt qua Em yêu đất mỏ quê em?
Có lần tôi hỏi Bùi Đức Huyên, ca khúc đầu tay ấy viết đầu năm 1963 và nghe người ta nói anh sáng tác chỉ sau ba ngày về Hồng Quảng hay là đã có một thời gian thực tế nhất định với vùng mỏ? Bùi Đức Huyên chỉ cười… Duyên do cơn cớ nào đã khiến anh cán bộ Đoàn phụ trách nhà văn hóa thiếu nhi Hạ Long ấy thăng hoa bột phát làm nên một ca khúc để đời vậy? Tôi ngắm lại ông bạn đồng nghiệp. Luôn thường trực mái tóc xơ xác cắt cua bốc. Quần áo thùng thình xộc xệch. Đôi dép luôn dính hờ dưới chân… Tất cả tổ hợp gồ ghề ấy ngự trên chiếc xe máy không rõ thuộc nhãn gì nhưng luôn chủ đạo thứ âm thanh pành pành chói gắt.
Em yêu đất mỏ… còn là thứ tín hiệu để nhận ra nhau. Năm 1972, anh cán bộ Đoàn kiêm nhạc sĩ Bùi Đức Huyên tái ngũ. Trên cung chặng Trường Sơn hay chiến trường C ở Lào, thoảng bất chợt có giọng đồng đội nào nghêu ngao hoặc xướng lên ca từ nào của Em yêu đất mỏ… là y như rằng là tín đồ trung thành của chương trình ca nhạc Đài tiếng nói VN hoặc là dân xứ mỏ vùng than Đông Bắc! Và bao nhiêu những cái ôm xiết cái vỗ vai nhau thân ái khi đồng đội ngạc nhiên vui sướng tự hào nhận ra anh lính dáng người vậm vạp họ Bùi ấy chính là tác giả của bài hát mà mình từng rất kết.
Bếp ăn tập thể 55 Quang Trung của T.Ư Đoàn sau 1975 đón thêm một người ăn độc thân. Phải, người đó là Bùi Đức Huyên. Huyên mới chuyển ngành về lại T.Ư Đoàn là phóng viên Ban phát thanh thanh, thiếu niên của Đài TNVN. Cánh phóng viên cánh độc thân chúng tôi bao nhiêu lần thường như cơm bữa cùng so bát so đũa thân ái với nhau ở nhà ăn này. Cũng như nhiều bận cùng rủ nhau đi cơ sở. Tôi có nhiều lần cùng Bùi Đức Huyên khi bám càng cái con xe cà tàng pành pành của anh khi thì xe khách, xe đón tung tẩy, lang thang khắp các công trường, các cơ sở Đoàn.
Nằm với nhau lâu ở vùng than, ở các công trình lớn Phả Lại, Sông Đà, Hoàng Thạch… còn dài hơn. Có lần cắm hơn tháng ở Công trường Ialy Tây Nguyên, tôi với Bùi Đức Huyên rủ nhau rong ruổi tiếp một tháng dọc các tỉnh Trung Nam bộ… Chứng kiến PV Bùi Đức Huyên làm chương trình phỏng vấn phát thanh kinh tế công nghiệp nhắm vào đối tượng lao động trẻ, người mới biết mới chứng kiến thì ngạc nhiên bởi động thái tất tả, cẩn trọng của ông bạn PV nhà đài... Vất vả lôi thôi, lỉnh kỉnh nhiêu khê cái công đoạn sản xuất chương trình tạm gọi là chương trình băng cối cát sét, sau này với băng từ có đỡ vất hơn nhưng Bùi Đức Huyên vẫn không cho phép mình thư thả đủng đỉnh. Không bằng lòng với những thông tin hời hợt kiểu lời nói gió bay, nói cho nó có, cho đầy băng kiểu công thức sáo mòn xin anh hoặc đồng chí cho biết… Như một nhà điều tra thực thụ, khó tính riết róng soi mói này khác… Thời lượng chi dùng cho công việc lâu hơn, đối tượng gặp phức tạp nhiêu khê hơn. Ấy là mỗi khi bập vào chương trình điều tra nào đó cho ra môn ra khoai nhất là những cuộc đi chống tiêu cực.
Làng báo nói trong nước có lẽ không lạ cái tính nghiêm cẩn với công việc đến độ khắt khe và tính cách thẳng thắn, không màu mè của Bùi Đức Huyên? Tất nhiên đằng sau vẻ khô khan thẳng thắn đến thô cứng ấy, phải chịu khó tiếp cận tìm hiểu thì mới phát lộ ra miền chất phác, tình cảm… Nhưng thời gian đâu? Điều kiện đâu? Có phải vậy không mà đến bây giờ ở tuổi sắp… bát tuần mà ông bạn cựu PV Đài tiếng nói VN vẫn ở một mình? Có vẻ như có một đứa con tinh thần Em yêu… ấy vào cái thời dẫu bao ấu trĩ thô vụng nhưng vẫn được coi là rất được ấy, với anh cũng là ổn rồi?
Đến tận bây giờ khi ngồi gõ những dòng này tôi cứ đắn đo không biết mình có nên nói ra không? Ấy là cái lần Bùi Đức Huyên và tôi tháp tùng chuyến công tác của ông tướng Đặng Quốc Bảo, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn về Móng Cái. Đó là đầu năm 80, Móng Cái vẫn trong tình trạng chiến sự. Tướng Bảo cho 2 phóng viên cùng ngồi chiếc Uoat dã chiến với mình.
Trên xe, như vài lần đã cùng đi, với bản tính cởi mở vốn có, thiếu tướng Đặng Quốc Bảo chuyện trò rất dân chủ với người trên xe bất biết sự chênh lệch và khoảng cách nào cả. Tôi không nhớ là đang trao đổi về đề tài gì, nhưng trong không khí cởi mở ấy ông phóng viên Bùi Đức Huyên hăng hái chẳng kém chi thủ trưởng của mình. Đường hồi đó ra Móng Cái xấu tệ. Bao nhiêu cú xóc tung người đầu chạm trần xe. Nhưng thầy trò chứ rôm rả chuyện. Đến một lúc, tôi thấy chất giọng giữa hai thầy trò đã căng căng, có vẻ như chả ai chịu nhường? Tôi vốn tính nhát, nên đâm hoảng bèn lén lấy tay bấm vào giò ông bạn báo nói. Mặc kệ. Huyên nhà ta cứ nổ. Từ ghế trên, tướng Bảo ngoái hẳn xuống tranh luận.... Tôi và anh thư ký tướng Bảo tìm đủ cách dàn hòa, nói lảng nhưng cũng không xong! Bất đồ tướng Bảo vẻ như cáu, mặt đỏ găng vỗ sang giò ông lái xe, Cậu dừng lại tí. Chiếc Uoat khự ngay lại. Tướng Bảo vẫn hướng về phía trước, không quay lại và chất giọng cứ nhẹ như không, “cậu xuống!”.
Cậu xuống… Tức là Huyên ta phải xuống. Tôi ngoái vội lại. May mà cái xe đằng sau của Tỉnh ủy đã bốc Huyên lên.
Thế mà đoạn về, tướng Bảo lại cho Huyên lên xe. Lại như thường! Như chưa từng có cuộc… chia ly nào cả! Lại cho chúng tôi dự cuộc gặp buổi làm việc giữa tướng Bảo và Bí thư huyện ủy Tiên Yên khi đó là ông Vũ Mão.
Trên đường về, bất đồ tướng Bảo lộ ra cái ý là muốn đưa ông Bí thư huyện ủy này về Trung ương Đoàn với câu các cậu xem vị này có xứng đáng làm thủ lĩnh của Đoàn ta không?
Được lời, Huyên ta lại cởi mở. Nhưng có vẻ chừng mực. Rồi chả biết những trao đổi gì, tướng Bảo cười, cậu cũng có tí lý đấy.
Cuối năm ấy, Đại hội Đoàn IV, ông Vũ Mão được bầu vào Ban Bí thư TƯ Đoàn. Năm sau là UVTW Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.
Cựu phóng viên báo nói Bùi Đức Huyên đang thanh thản với những ngày hưu. Với bản tính thích kỹ thuật máy móc, ông sắm máy quay, dàn máy tính đủ để dựng phim, làm các chương trình ca nhạc cho bạn bè như ông nói vui là đang làm truyền thông với phương châm VLC (vui là chính).
Lâu rồi tôi cũng chưa có dịp ghé ông.