Phóng viên: Golf được xem là môn thể thao quý tộc, phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, môn thể thao này chưa nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Là một người yêu thích chơi golf, ông có nhận xét gì về sự phát triển môn golf ở nước ta?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Trước đây, người ta cứ quan niệm golf là môn thể thao của quý tộc, của những người giàu có. Nhưng thực ra đó là một môn thể thao và các nước đều phát triển môn này. Nhiều nước còn phát triển mạnh ở hình thức cộng đồng, hình thành ra những sân golf cộng đồng để mọi người cùng chơi.
Còn về bản thân, tôi cũng là người chơi golf và lúc đầu cũng là do yêu cầu chính trị khi tham gia vào ASEAN. Golf là một hình thức phục vụ cho luyện tập sức khỏe và có nhiều ý nghĩa khác nữa. Hiện giải golf lớn trên thế giới được tổ chức thường xuyên, tuy nhiên chúng ta cũng chưa có đại diện tham dự, có chăng mới chỉ tham dự ở những giải nhỏ. Thế nên tại sao chúng ta không đặt ra mục tiêu là đưa golf Việt Nam ngang bằng với khu vực, rồi dần dần phát triển lên. Như Hàn Quốc thời gian qua phát triển rất mạnh và họ đứng đầu thế giới về golf nữ. Thế tại sao chúng ta không hướng đến mục tiêu như vậy.
So với các nước thì hiện nay số lượng sân golf ở Việt Nam đã đáp ứng đủ so với nhu cầu của người chơi?
Thực tế tôi thấy thì số lượng sân golf của Việt Nam còn ít, Hiện lên đến sân nào cũng thấy đông đúc, phải xếp hàng, chờ đợi rất là phức tạp, mất thời gian. Do đó vẫn thấy rằng, nhu cầu vẫn lớn hơn so với cung. Mở sân golf nào ra là đông sân đấy, cho thấy nhu cầu thể thao trong môn này vẫn còn rất lớn. Chúng ta cũng phải đặt ra câu hỏi, nếu không có sân golf thì các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn ở Việt Nam sẽ giải trí bằng gì? Hiện nay, tôi được biết, vào mùa đông có rất nhiều người ở Nhật Bản, Hàn Quốc sang Việt Nam vừa đi du lịch vừa là để chơi golf.
Đối với ông, chơi golf mang lại lợi ích gì trong công việc và cuộc sống?
Chơi golf rất ham. Ham vì đi ngoài trời, tinh thần rất thoải mái, sảng khoái. Nếu chơi 18 lỗ thì thông thường người chơi phải mất 5 tiếng đồng hồ, tính ra phải đi bộ khoảng 10km/ trận. Không khí thì rất trong lành, yên tĩnh nên giải tỏa được những căng thẳng. Môn golf cũng đòi hỏi người chơi phải tập trung thành thử giải tỏa được tâm lý. Thứ nữa là chơi golf không có tính đối kháng mà chỉ chơi với nhau nên tính gắn kết bạn bè rất cao. Lúc mệt đi chơi thì thấy khỏe ra rất nhiều. Đấy là những thứ hấp dẫn của golf.
Còn nói là do đam mê, dẫn đến bê trễ công việc, thì môn nào mà chẳng có. Tuy nhiên những người chơi golf chủ yếu là thể thao, công việc, rèn luyện sức khỏe. Còn dư luận nói rằng, lấy đất, lấy ruộng làm sân golf thì không hẳn đúng. Khi còn làm việc, trong Chính phủ khi xảy ra những dư luận về sân golf tôi đều đi đến tận nơi, tìm hiểu cặn kẽ, xem sân đó có chiếm ruộng, gây ra vấn đề xã hội không. Quan điểm là chỉ xây sân golf ở những nơi không trồng trọt được.
Ngày 16/12 tới báo Tiền Phong tổ chức giải golf Tiền Phong Championship nhằm gây quỹ cho Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam, ông đánh giá thế nào về hoạt động này?
Đây là hoạt động rất có ý nghĩa. Bởi bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển thì cũng phải cần có tài năng trẻ. Việc thành lập quỹ trên góp phần khuyến khích, hỗ trợ tài năng trẻ. Tuy nhiên, tổ chức giải này không nên chỉ đặt ở mục đích gây quỹ mà cần phải đặt ở vấn đề rộng hơn là phát triển môn thể thao này trong giới trẻ. Bởi đối với thanh niên, một trong những đặc trưng nổi bật là thể dục, thể thao. Môn golf cũng là một môn thể thao như bao môn thể thao khác như bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bóng chuyền. Việc phát triển golf trong giới trẻ cũng là nâng cao vị thế của Việt Nam về chơi golf. Chúng ta cũng nên khuyến khích mở các trường dạy golf cho trẻ em. Bởi những người đứng đầu về môn golf trên thế giới hiện nay đều luyện tập chơi golf từ khi mới 5- 6 tuổi. Nếu không đào tạo lớp trẻ về chơi golf thì không bao giờ chúng ta đua tranh được với thế giới cả.
Xin cảm ơn ông!