Ngày xưa có một chuyện tình là bộ phim điện ảnh, kể về tình bạn, tình yêu giữa hai chàng trai và một cô gái từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành, họ đã phải đối mặt trước những thử thách của số phận và đã đi đến tận cùng của một chuyện tình đầy éo le. 6 vai diễn cho 3 nhân vật chính ở hai giai đoạn khác nhau, trong đó Thanh Tú (Vinh), Bảo Tiên (Miền) và Hạo Khang (Phúc) trong các vai diễn hồi nhỏ; các diễn viên Avin Lu (Vinh), Ngọc Xuân (Miền) và Nhật Hoàng (Phúc) trong các vai nhân vật khi trưởng thành. Phim dự kiến ra mắt công chúng vào tháng 10 năm nay.
Mỏ vàng
Với sự ra đời của bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình cho thấy, những tác phẩm văn học về tuổi mới lớn cùa nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là “mỏ vàng” của các nhà làm phim.
Các diễn viên Avin Lu, Ngọc Xuân và Nhật Hoàng trong một cảnh phim Ngày xưa có một chuyện tình. |
Trước khi được chuyển thể thành điện ảnh, nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh cũng đã được dựng thành phim truyền hình như Áo trắng sân trường (chuyển thể từ Nữ sinh năm 1994), Bong bóng lên trời (chuyển thể từ Thằng quỷ nhỏ năm 1997), Chú bé rắc rối (1998), Kính vạn hoa (2004), Nữ sinh (Chuyển thể từ Nữ sinh, Buổi chiều Windows và Bồ câu không đưa thư năm 2008)… và đều nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả. Trong đó Kính vạn hoa đã trở thành một trong những bộ phim kinh điển của truyền hình phía Nam, được phát sóng nhiều lần. Một số nhân vật trong Kính vạn hoa được yêu thích cho tới tận bây giờ như Quý Ròm, Tiểu Long, Hạnh...
Về điện ảnh, tới nay đã có 3 tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh ra rạp là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Mắt biếc của Victor Vũ, Cô gái đến từ hôm qua của Phan Gia Nhật Linh. Dù những tác phẩm trên vẫn nhận được nhiều ý kiến khen chê trái chiều nhưng cả 3 phim đều tạo được dấu ấn riêng trong lòng khán giả và đem lại thành công lớn cho các nhà làm phim. Trong đó Mắt biếc đạt doanh thu trên 180 tỷ đồng, hai tác phẩm còn lại đều có doanh thu trên 70 tỷ đồng. Cũng từ các bộ phim này mà nhiều vùng đất miền Trung nổi tiếng, trở thành điểm đến mới thu hút du khách tại Phú Yên, Quảng Nam, Huế….
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. |
Chính vì những thành công trên mà đã có nhiều nhà sản xuất điện ảnh tiếp tục lựa chọn chuyển thể các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Trong đó đạo diễn Võ Thanh Hoà đang triển khai dự án làm phim Kính vạn hoa từ đầu năm 2024, còn đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cũng đang trong quá trình thực hiện Ngày xưa có một chuyện tình và dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào tháng 10 năm nay.
Theo nhà biên kịch Lê Huy, các tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Ánh có thể ví như “mỏ vàng” để các nhà sản xuất phim khai thác, danh tiếng của nhà văn, sự thân thuộc của tác phẩm cũng như các chất liệu điện ảnh trong từng tác phẩm rất phù hợp để chuyển thể điện ảnh.
Ngoài ra, nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh như: Cho tôi một vé đi tuổi thơ, Bảy bước tới mùa hè, Ngồi khóc trên cây, Bồ câu không đưa thư, Thiên thần nhỏ của tôi… cũng đã được các nhà làm phim để mắt tới. Theo thông tin từ Nhà xuất bản Trẻ, đơn vị hiện đang nắm bản quyền tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, hiện có một số nhà làm phim muốn mua tác quyền chuyển thể tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.
Vượt thách thức
Một số đạo diễn thừa nhận, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh luôn được các nhà làm phim chú ý bởi nội dung ngồn ngộn chất liệu, hình ảnh có thể dựng được một bộ phim hay. Bên cạnh đó, Nguyễn Nhật Ánh đã có sẵn một lượng fan hâm mộ lớn, mỗi cuốn sách ra đời của nhà văn đều được độc giả đón nhận mạnh mẽ, tái bản rất nhiều lần. Chỉ lượng fan đó mua vé xem phim cũng đủ để nhà sản xuất cầm chắc phần thắng về doanh thu.
Khi chuyển thể các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, các nhà làm phim luôn nhận được sự ủng hộ từ nhà văn. Trong khi đó, một số nhà văn thường có yêu cầu khắt khe khi chuyển thể tác phẩm của họ, Nguyễn Nhật Ánh lại khá thoải mái trong chuyện này. Theo nhà văn, khi cuốn sách hoàn tất và đến tay bạn đọc là người viết đã hoàn thành xong trách nhiệm. Còn khi lên màn ảnh, tác phẩm đó mang hình hài khác, ngôn ngữ khác nên áp lực khi chuyển thể tác phẩm văn học thành phim sẽ thuộc về đạo diễn. Vì thế, nhà văn không can thiệp vào quá trình chuyển thể tác phẩm của mình sang phim nhưng ông tin tưởng rằng các đạo diễn với đầy đủ trách nhiệm, chuyên môn có thể làm tốt việc này.
Các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh là “Mỏ vàng” cho các nhà làm phim. |
Tuy nhiên, có đạo diễn thừa nhận chuyển thể thành phim các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh cũng là áp lực lớn đối với nhà sản xuất bởi mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện của nhà văn đều đã có chỗ đứng trong lòng độc giả. Mỗi độc giả đều có sự tưởng tượng riêng về nhân vật. Câu chuyện, nhân vật đó lên phim bị thay đổi sẽ rất dễ làm cho khán giả phản ứng. Đạo diễn Victor Vũ từng chia sẻ, ông đã gặp áp lực khá lớn khi chuyển thể hai tác phẩm Mắt biếc và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. “Một tác phẩm văn học, tác giả quá nổi tiếng sẽ là áp lực cho các nhà làm phim. Bởi bạn đọc đã quá quen thuộc với tác phẩm văn học, khi chuyển thể thành ngôn ngữ điện ảnh nếu không chuyển tải được cái hay của tác phẩm văn học sẽ gây thất vọng với khán giả”.