Nguyên nhân người Hong Kong rầm rộ biểu tình chống dự luật dẫn độ

Nguyên nhân người Hong Kong rầm rộ biểu tình chống dự luật dẫn độ
TPO - Hàng trăm nghìn người Hong Kong hôm 9/6 xuống đường biểu tình phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc đại lục.

Vụ xuống đường hôm Chủ nhật là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Hong Kong, báo Trung Quốc South China Morning Post đưa tin. Cảnh sát Hong Kong ước tính có 240.000 đối tượng tham gia, trong khi các nhà tổ chức biểu tình nói rằng, có gần 1 triệu người.

Cuộc biểu tình quy mô lớn này diễn ra chỉ 3 ngày trước khi cơ quan lập pháp Hong Kong xem xét dự luật dẫn độ. Những người phản đối dự luật lo ngại rằng, luật mới sẽ cho phép Trung Quốc đại lục nhắm vào các đối thủ chính trị ở Hong Kong và có thể làm xói mòn sự độc lập tư pháp của của đặc khu hành chính này, báo Mỹ USA Today đưa tin ngày 9/10.

Sau khoảng 10 giờ biểu tình một cách hòa bình, căng thẳng gia tăng khi một nhóm người biểu tình vượt qua hàng rào chắn ở trụ sở chính của chính quyền Hong Kong. Họ đến được sảnh trong khoảng thời gian ngắn rồi bị cảnh sát đẩy lùi bằng dùi cui và hơi cay.

Tại sao dự luật gây tranh cãi?

Sau khi được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hong Kong vẫn duy trì hệ thống chính trị, xã hội và pháp lý riêng theo mô hình “một đất nước, hai chế độ”.

Những người phản đối dự luật dẫn độ nói rằng, nếu được thông qua, luật mới sẽ cho phép Trung Quốc đại lục gia tăng kiểm soát hệ thống pháp lý của Hong Kong và nhắm vào các đối tượng bất đồng chính kiến về chính trị. Những người bất đồng chính kiến có khả năng bị xét xử không công bằng.

Tuy nhiên, những người đề xuất dự luật (chính quyền Hong Kong) nói rằng, luật mới sẽ giúp phòng chống tội phạm tốt hơn và duy trì an ninh, trật tự.

Hiện nay, Hong Kong chỉ thực hiện dẫn độ nghi phạm với những nước, vùng lãnh thổ mà hai bên trước đó đã ký hiệp định dẫn độ. Trong trường hợp chưa ký hiệp định, Hong Kong cũng có thể xem xét dẫn độ trong từng trường hợp cụ thể. Hong Kong xưa nay loại Trung Quốc đại lục khỏi diện ký kết, xem xét.

Nếu Hong Kong thông qua dự luật dẫn độ, các tòa án ở đặc khu này sẽ có quyền dẫn độ tội phạm sang Trung quốc đại lục. Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) ủng hộ dự luật này.

Những ai phản đối?

Người dân Hong Kong thuộc mọi tầng lớp, từ trẻ con đến người gia, đổ xuống đường hôm 10/6. Họ mặc đồ trắng để biểu thị màu của ánh sáng, South China Morning Post đưa tin.

“Nếu tôi giờ không xuất hiện, tôi không biết khi nào mình mới lại có cơ hội để bày tỏ chính kiến. Nếu bạn không nỗ lực làm điều có thể thì sẽ quá muộn, bạn sẽ chẳng thể nói gì, làm gì nữa”, một người biểu tình 27 tuổi tên là Kiwi Wong nói. Trong khi đó, giáo viên nghỉ hưu Pun Tin-chi (70 tuổi) nói ông không tin chính quyền nói thật về bản chất của dự luật dẫn độ.

Nhà hoạt động Lee Cheuk-yan, từng là thành viên cơ quan lập pháp của Hong Kong, nói rằng, cần phải bảo vệ quyền tự quyết của Hong Kong và cân nhắc tác động bất lợi của luật mới đối với nền kinh tế của đặc khu.

“Người dân Hong Kong muốn bảo vệ sự tự do của chúng ta, tự do ngôn luận, pháp quyền, hệ thống tư pháp và nền tảng kinh tế của chúng ta. Những nhà đầu tư quốc tế thích điều này. Nếu các nhà đầu tư quốc tế mất niềm tin vào Hong Kong vì dự luật xấu này, kinh tế Hong Kong sẽ bị phá hủy”, nhà hoạt động Lee nhận định.

Nguyên nhân người Hong Kong rầm rộ biểu tình chống dự luật dẫn độ ảnh 1 Hàng trăm nghìn người Hong Kong hôm 9/6 biểu tình phản đối dự luật dẫn độ. Ảnh: Wochit.

Phản ứng của chính quyền

Chính quyền Hong Kong hôm 9/6 ra tuyên bố công nhận quyền của người biểu tình trong việc nêu ý kiến phê bình, chỉ trích.

“Chúng tôi công nhận và tôn trọng việc người dân có quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề. Đám đông xuống đường hôm nay là một ví dụ về việc người dân Hong Kong thực hiện quyền tự do biểu đạt theo quyền của họ được nêu trong Luật Cơ bản và Đạo luật Hong Kong về sắc lệnh quyền”, chính quyền Hong Kong tuyên bố.

Chính quyền của bà Lâm nói rằng, cần sửa đổi luật để trám các lỗ hổng pháp lý hiện nay. Phiên bản cuối cùng của dự luật dẫn độ sẽ được đệ trình vào ngày 13/6 và dự kiến được thông qua vào cuối tháng này.

MỚI - NÓNG