Tổng số ứng viên được các Hội đồng GS cơ sở đề xuất lên các hội đồng ngành là 416 (trong đó 352 ứng viên PGS, 64 ứng viên GS). Hội đồng ngành có số lượng ứng viên từ cơ sở đề xuất lên nhiều nhất là kinh tế với 68 ứng viên, trong đó 54 ứng viên PGS, 14 ứng viên GS. Ngành nhiều tiếp theo là y học, 45 ứng viên (35 GS, 10 PGS); hóa học - công nghệ thực phẩm 41 (33 PGS, 8 GS); vật lý 36 (35 PGS, 1 GS)… Ngành ít ứng viên nhất là sử học - khảo cổ học - dân tộc học, chỉ có 1 ứng viên PGS. 2 ngành văn học, ngôn ngữ, mỗi ngành chỉ có 2 ứng viên PGS. Các ngành luyện kim, luật học, tâm lý học, mỗi ngành cũng chỉ 2 - 4 ứng viên.
Kết quả xét duyệt của các Hội đồng GS ngành/liên ngành cho thấy, 321 ứng viên được các hội đồng ngành thông qua, để đề nghị Hội đồng GS Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đợt xét năm 2020, đạt 77,2% so với tổng số mà các hội đồng cơ sở đề xuất. Trong đó, ứng viên PGS được thông qua là 281, đạt 79,8% trong tổng số ứng viên PGS được các hội đồng cơ sở đề xuất. Ứng viên GS được thông qua là 40, đạt 62,5% trong tổng số ứng viên GS được các cơ sở đề xuất.
Một số hội đồng ngành có số ứng viên bị loại nhiều nhất gồm: hội đồng ngành kinh tế có 9/54 ứng viên PGS bị loại, 11/14 ứng viên GS bị loại; hội đồng ngành điện - điện tử - tự động hóa có 6/20 ứng viên PGS bị loại, 4/4 ứng viên GS bị loại; hội đồng ngành cơ học có 2/3 ứng viên GS bị loại, 2/4 ứng viên PGS bị loại; hội đồng ngành vật lý có 9/35 ứng viên PGS bị loại. Riêng ngành ngôn ngữ, cả ngành chỉ có 2 ứng viên PGS do hội đồng cơ sở đề xuất lên, nhưng hội đồng ngành đều không thông qua cả 2 ứng viên. Nếu xét về tỷ lệ thì Hội đồng GS ngành cơ học có ứng viên bị loại nhiều nhất 57%.
Có biểu hiện mua bán bài báo, không trung thực
Theo GS. TSKH Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, tiêu chuẩn chức danh GS hướng tới chuẩn mực quốc tế, nhưng chưa đặt ra các tiêu chí đánh giá cụ thể các bài báo quốc tế theo ISI, Scopus, OA, …, mà để các Hội đồng chuyên môn làm việc này trên cơ sở các nội dung nghiên cứu và tình hình cụ thể trong lĩnh vực ở Việt Nam. Tuy vậy các hiện tượng mua bán bài báo khoa học ở không ít cá nhân và tập thể, khiến dư luận lo ngại về hướng đi tiếp theo của khoa học Việt Nam. Không ít ứng viên GS, PGS đã bị loại từ các Hội đồng ngành và cơ sở dựa trên những nghi vấn mua bán bài báo, không trung thực, thiếu đạo đức và liêm chính trong khoa học trong đợt này, kể cả một số trường hợp đã đủ và dư điểm bù đắp những gì còn thiếu cho chức danh.
Vì sao nhiều ứng viên đã qua Hội đồng cơ sở nhưng lên đến Hội đồng ngành vẫn bị “rụng”? GS. Phạm Đức Chính nói rằng, Hội đồng cơ sở liên quan đến nhiều lĩnh vực nên không thể “bao sân” hết được như Hội đồng ngành. Hội đồng ngành nắm được chuyên môn sâu hơn.
Về trường hợp ứng viên bị loại tại ngành cơ học, GS.TS Trần Văn Liên, Thư ký Hội đồng GS ngành cơ học, cho biết trong văn bản Hội đồng GS ngành gửi lên Hội đồng GS Nhà nước, Hội đồng loại, không xét hồ sơ của ứng viên vì 3 lý do: số lượng công bố quá nhiều, tăng đột biến, bất thường trong 2 năm gần đây; công bố quá nhiều bài không thuộc lĩnh vực ngành cơ học; báo cáo tổng quan không đạt. GS Liên cho biết, sau quyết định trên, đại diện lãnh đạo hội đồng đã gọi điện cho ứng viên, trao đổi nội dung và kết luận của cuộc họp hội đồng, đồng thời thông báo để ứng viên không phải ra Hà Nội (ứng viên này ở TPHCM) dự phỏng vấn.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cung cấp thông tin thêm về 2 trường hợp ngành dược mà theo ông là có vấn đề liên quan đến liêm chính khoa học. Đó là ứng viên GS N.Đ.T và ứng viên PGS V.Q.T. Cả 2 ứng viên này có nhiều công bố trên các tạp chí open access (là các tạp chí chất lượng thấp vì thu tiền-đăng bài); có nhiều công bố trong 1 số của tạp chí OA (một tạp chí bình thường chỉ cho phép 1 tác giả có một bài hoặc có bài thứ 2 nếu đứng tên với tác giả khác trong một số); có nhiều công bố trong một năm trên các tạp chí OA.