Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) ấy không cùng thời với sự kiện. Thu này NSNA mới quá thất tuần thôi mà… Nhưng may, có câu tạo hóa liêu nhân (đùa trêu người) nhưng liền đó cũng có câu tạo hóa lưu nhân (ghi nhận người tài). May mà Nguyễn Đình Toán có duyên gặp. May nữa, hơn người là cái cách ghi nhận cùng thu nhận theo cái cách riêng của mình khiến người thưởng lãm ảnh đôi lúc giật thột?
Tôi khoái coi ảnh Nguyễn Đình Toán bởi có cảm giác ông không có ý thức chép sử, mà là tái sử! Cái khoảnh khắc hồn cốt của những người từng can dự vào sử mà ông phục, chộp được như truyền đi những thông điệp đa dạng cho người thưởng lãm. Những khoảnh khắc làm nên điểm nhỡn cho mỗi tấm hình của Nguyễn Đình Toán như vấn vít bảng lảng một thứ ký sự, câu chuyện?
Như tấm ảnh hai nhân vật sử Võ Nguyên Giáp và Văn Cao. Ối người chụp Võ tướng với Văn nhạc. Nhưng cách nhìn của Nguyễn Đình Toán như một thứ biệt nhỡn. Võ tướng và nhạc sĩ lặng lẽ ngồi bên nhau. Cả hai không ý thức rằng đương có người khác chụp hình mình. Như đang đắm vào hồi ức, một câu chuyện quá vãng nào đó? Nhìn ảnh, bao nhiêu là những hồi ức cùng liên tưởng của độc giả về số phận, tài năng những riêng chung của hai người sử võ và văn? Nguyễn Đình Toán nói, đó là buổi chiều xuân mồng sáu Tết Nhâm Thân năm 1992. Ông tình cờ ghé nhà nhạc sĩ Văn Cao ở phố Yết Kiêu. Nghe gia chủ ngỏ, chút nữa Võ Đại tướng sẽ ghé. Nguyễn Đình Toán nán lại. Hai mươi mấy kiểu phim về lọc chỉ có 2 kiểu tạm ưng ý. Tráng phim nhưng chỉ để đó. Mãi thời điểm Võ Đại tướng mất, ảnh này ông mới cho in.
Bối cảnh cùng hoàn cảnh, thời điểm ra đời tấm ảnh như thăng hoa như hiệu ứng thêm lên vẻ lặng lẽ đầy suy tư ấy? Bởi bao nhiêu là người đã tường, bao nhiêu người đã biết hoặc láng máng rằng thời điểm 1992 ấy cả Võ Đại tướng cùng nhạc sĩ Văn Cao đương trong những ngày không phải là hanh thông. Chợt nhớ thu năm 1991, người viết bài này được hầu rượu nhạc sĩ Văn Cao tại nhà riêng Yết Kiêu nghe nhạc sĩ bộc bạch để làm tỏ tường những sầm sì vô lối Tiến quân ca có hai tác giả?
Tấm ảnh chụp thời điểm đầu tháng 9/1995 kỷ niệm 50 năm phong trào Bình Dân học vụ. Người ngồi góc bên phải tấm ảnh là Nguyễn Hữu Đang.
Bây giờ, mọi người đã quá tường về nhân vật lịch sử Nguyễn Hữu Đang. Ông là người được Bác Hồ vinh dự trao trọng trách làm Trưởng Ban tổ chức Ngày Lễ Quốc khánh 2-9 tại Quảng trường Ba Đình. Ông phải lo tổ chức việc làm kỳ đài và nhiều việc quan trọng khác trong thời gian ngắn nhất. Và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nguyễn Hữu Đang cũng là một yếu nhân của phong trào Bình dân học vụ sau thời điểm Quốc khánh mồng 2-9 hạt nhân của phong trào diệt giặc dốt sau phong trào diệt giặc đói.
Công lao là thế nhưng rồi Nguyễn Hữu Đang đã gặp nạn. Từng bị lao tù hơn mười năm. Mãi đầu những năm 90 ông mới được minh oan…
Nguyễn Hữu Đang là một người cương trực, thẳng thắn, một nhà hoạt động chính trị, văn hóa nổi tiếng và là một nhân cách lớn. Mặc dù bị oan khuất gần 30 năm, nhưng trong những tác phẩm của ông, người ta không thấy sự oán giận mà chỉ thấy sự khoan dung, nhân hậu, lòng tin vào tương lai của đất nước, dân tộc. (Theo Wikipedia)
Trở lại tấm ảnh của NSNA Nguyễn Đình Toán. Ông kể, buổi lễ kỷ niệm ấy được tổ chức tại địa điểm 47 Hàng Quạt nguyên là Trụ sở Hội Trí Tri khi trước. Nhiều quan khách và yếu nhân dự. Chi tiết ông rất ấn tượng là khi các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cố kéo Nguyễn Hữu Đang đứng cạnh mình nhưng Nguyễn Hữu Đang cứ lảng với vẻ mặt rất bối rối như đang xấu hổ. Mãi rồi ông mới thụp vào một góc…
Tính tình ngay thẳng tiết tháo đã tìm đến nhau và kết thành mối thâm giao giữa nhà cách mạng, nhân vật lịch sử Nguyễn Hữu Đang với văn nhân, nhà thơ Phùng Quán. Tại cái Chòi ngắm sóng nơi tá túc của gia đình nhà thơ Phùng Quán ở góc Hồ Tây, nhiều anh em viết trong đó có tôi đã từng ngồi hầu chuyện đôi tri kỷ Nguyễn Hữu Đang - Phùng Quán. Được biết trong những ngày khó khăn, Phùng Quán từng khoác bị cói đựng mấy thứ quà vặt xuống tận góc huyện Kiến Xương của Thái Bình thăm ông anh Nguyễn Hữu Đang thuở ấy đương phải ở nhờ gian nhà đổ nát của một trường cấp Một.
Và chúng tôi cũng được nhà thơ Phùng Quán nhắn đến dự buổi sinh nhật Nguyễn Hữu Đang 80 tuổi mà Phùng tiên sinh nói là lễ mừng sống dai hoặc mừng trai tân Nguyễn Hữu Đang tròn bát thập (Nguyễn Hữu Đang thời điểm đó chưa vợ con gì và không gia đình cho đến khi mất năm 2007 ở tuổi 95) tại Chòi ngắm sóng.
Thi sĩ Phùng Quán trịnh trọng trong bộ áo the nâu bên cạnh là một chậu… xương rồng! Chậu ấy độc một thân vút thẳng. Ngọn xương rồng hệt một ngọn giáo xanh vút lên. Chủ nhân đã buộc ngang thân giáo một dải lụa đỏ. Phùng Quán xin phép đọc bài thơ ứng tác để mừng sinh nhật ông anh Nguyễn Hữu Đang.
Chuyện về Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán còn dài dài… Riêng phim thôi, đã hơn mười bao tải!
Và cứ từng khoảnh khắc của mỗi ngày, Nguyễn Đình Toán đương nối thêm những tấm hình tái sử như khởi đầu một câu chuyện một thứ hồi ký!
Tôi nhận được thứ quà lạ. Đúng hơn là bức thư pháp của thi sĩ Phùng Quán vốn rất khéo tay. Đó bài thơ chép tay (chữ của Phùng Quán) cùng tấm ảnh cỡ 9x12cm mà thi sĩ nói là của Nguyễn Đình Toán ông cắt ra đính kèm bên. Mạn dưới bài thơ là dòng chữ Thơ tặng Nguyễn Hữu Đang 80 tuổi. Còn dưới bức ảnh chụp Phùng Quán đương đứng đọc thơ và người ngồi bên là cụ Nguyễn Hữu Đang có hàng chữ nhỏ Tặng Xuân Ba, Phùng Quán, Hồ Tây mùa đông 92.