Nguyễn Ái Quốc và các đoàn viên công xã Leninsky Zakal

TP - Năm nay, chúng ta kỷ niệm 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường cứu nước. Ngày, 5/6/1911, với tên gọi Văn Ba, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng, lên một chuyến tàu thủy của Pháp, với khát vọng tìm con đường mới để cứu đất nước khỏi ách nô lệ.
Nguyễn Ái Quốc và các đoàn viên công xã Leninsky Zakal ảnh 1 Trang tạp chí Ngọn lửa nhỏ in bài báo của Osip Mandelstam về Nguyễn Ái Quốc, 12/1923

NHỮNG NGÀY ĐẦU TIÊN TRÊN QUÊ HƯƠNG CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI

Cũng một ngày tháng 6, sau đó 12 năm. Thứ Bảy, ngày 30/6/1923. Thành phố Petrograd. Chuyến tàu thủy Liên Xô mang tên Karl Liebknecht (nhà hoạt động cách mạng Đức, 1871-1919), từ Hamburg cập cảng. Một thanh niên mảnh khảnh làm thủ tục nhập cảnh với họ tên "Chen Vang". Theo giấy tờ, anh là một nhiếp ảnh gia đến từ Đông Dương. Sự xuất hiện của Chen Vang không gây được sự chú ý gì của các nhân viên an ninh Cheka thời đó.

Chen Vang còn lưu lại ở thành phố trên sông Neva 2 tháng. Đến tháng 9, sau khi đã hoàn tất các thủ tục giấy tờ và có sự chứng nhận của đại diện Đảng cộng sản Pháp ở Quốc tế cộng sản, Chen Vang mới lên tàu đến thủ đô nước Nga Xô viết.

Và, như chúng ta đã biết, Chen Vang chính là bí danh hoạt động năm 1923 của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Lên thủ đô, Nguyễn Ái Quốc được xếp chỗ ở trong khách sạn Lux trên phố Tverskaya, ngay gần Quảng trường Đỏ. Đây cũng chính là Ký túc xá của Quốc tế Cộng sản thời đó. Báo Luận chứng và sự kiện (Nga) trong một bài báo có tên "Chàng trai mặc chiếc áo len. Hồ Chí Minh đã đến Petrograd và Moskva ra sao", ra ngày 19/5/2018, nhân kỷ niệm 128 năm sinh nhật Người, đã cho biết Nguyễn Ái Quốc được nhận ngay vào Ban phương Đông, Quốc tế cộng sản.

Hình tượng "chàng trai mặc chiếc áo len" mà tít báo "Luận chứng và sự kiện" sử dụng là lấy từ bài báo "Nguyễn Ái Quốc. Thăm một chiến sĩ cộng sản quốc tế” của nhà báo Xô viết Osip Mandelstam, mô tả cuộc gặp gỡ với Nguyễn Ái Quốc tại khách sạn Lux vào năm 1923. Bài báo này được đăng trên tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” tháng 12/1923. Osip Mandelstam mô tả đó là một chàng trai gầy mảnh khảnh, hoạt bát, mặc áo len và cũng trong bài báo này, nhà báo Xô viết đã nhận xét “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai".

Trong thời gian sống tại thủ đô của Liên Xô, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tham gia nhiều hoạt động lớn, như dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân (10/1923), Đại hội V Quốc tế cộng sản (từ 17/6 đến ngày 8/7/1924)...

Các bức ảnh chụp Nguyễn Ái Quốc thời kỳ ở Liên Xô năm 1923-1924 không có nhiều, chủ yếu là ảnh Người chụp cùng các đại biểu Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Điều thú vị là tất cả ảnh chụp Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản đều do nhiếp ảnh gia Xô viết nổi tiếng V.V.Loboda thực hiện. V.Loboda là phóng viên ảnh của báo Pravda (Sự thật) và là tác giả của các bức ảnh quý chụp lãnh tụ V.Lenin khi Người dưỡng bệnh ở Gorki, ngoại ô Moskva vào các năm 1922, 1923. Tạp chí Leningrad số 13/1924 cũng đã đăng các bức ảnh của Loboda chụp chân dung Nguyễn Ái Quốc và các đại biểu dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Trong bức ảnh ghép đó, Người được V.Loboda xếp ở vị trí nổi bật, hàng đầu tiên.

BỨC ẢNH ĐỜI THƯỜNG CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC

Sau khi dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc còn lưu lại thủ đô Moskva cho đến tháng 10/1924. Cuối tháng 10, khi những hàng cây phong, sồi, bạch dương đang vào độ đẹp nhất của Mùa thu vàng, Người lên đường đi Quảng Châu. Những kinh nghiệm, kiến thức tích lũy được trong thời gian 16 tháng hoạt động cách mạng trên quê hương Xô-viết đang được người cộng sản trẻ tuổi háo hức áp dụng vào thực tiễn cách mạng.

Khi Nguyễn Ái Quốc đã đến Quảng Châu vào tháng 11, hẳn Người cũng không ngờ được chỉ một tháng sau đó thôi, tên tuổi và hình ảnh của mình sẽ lại được xuất hiện trên báo chí Xô viết. 

Bán nguyệt san SMENA là một tạp chí có uy tín của Đoàn Komsomol Liên Xô, ra đời năm 1924. Trong các số của tạp chí này vào thập niên 20 của thế kỷ XX đã công bố những truyện ngắn cuả Mikhail Sholokhov, Aleksandr Grin và các bài thơ của Vladimir Mayakovsky. Đây cũng là “bà đỡ” cho các tác phẩm của Konstantin Paustovsky, Nikolai Ostrovsky, Evgheny Evtushenko… Vào thời điểm cực thịnh, số lượng phát hành của Smena hơn 3 triệu bản.

Nguyễn Ái Quốc và các đoàn viên công xã Leninsky Zakal ảnh 2 Hai trang của bài báo viết về Công xã Leninsky Zakal đăng trên SMENA. Trong đó có ảnh Nguyễn Ái Quốc và các đoàn viên Công xã Leninsky Zakal, 1924 ảnh: F.Zubkov

Số 19-20 (tháng 12/1924), trang 12-13 có đăng một phóng sự dài 2 trang của nhà báo M.Vint và F.Zubkov có tựa đề “Leninsky Zakal. Công xã của 8 nữ đoàn viên đang hoạt động ra sao”. Bài báo kể về cuộc sống của một Công xã do 8 nữ đoàn viên, công nhân của Nhà máy dệt kim Bauman thành lập.

Sau thành công của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, vào đầu thập niên 20, ở nước Nga Xô viết, và sau này là ở các nước Cộng hòa của Liên Xô (thành lập 12/1922), phong trào xây dựng nếp sống mới, con người mới được phát động mạnh mẽ. Bước tiên phong là thành lập các tiểu Công xã. Thực chất, đây là hình thức sơ khai của các khu tập thể, ký túc xá, khi mọi người tình nguyện sống chung với nhau trong một cộng đồng. Báo “Đoàn viên cộng sản phương Bắc” ngày 2/3/1924 viết: “Chủ nghĩa tập thể vô sản của thanh niên chỉ có thể bén rễ khi cả công việc và cuộc sống của thanh niên đều là chung. Công xã là cần thiết để giáo dục con người mới”.

Công xã Leninsky Zakal của 8 nữ đoàn viên Komsomol là một ngôi nhà một tầng, nằm trong sân của nhà số 13-15 phố Baumanovskaya (nay là Baumanskaya). Họ cùng làm một nhà máy, sống cùng nhau, đóng góp hết tiền lương để trang trải các chi phí sinh hoạt. Các nữ đoàn viên phân công nhau nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm quần áo, vật dụng... Buổi tối, họ quây quần bên nhau đọc sách báo hoặc đi xem phim, nghe hòa nhạc. Mô hình đời sống mới của Công xã đã thu hút các công nhân của Nhà máy và các vị khách đến tham quan. Ai cũng ngạc nhiên bởi một không gian ấm cúng, ngăn nắp, sạch sẽ, một lối sống mới lành mạnh đang hiện diện nơi đây.

Một trong những vị khách của Công xã là Nguyễn Ái Quốc, khi đó đang sống và học tập tại Moskva.

Bài báo của SMENA viết: “Một trong những người bạn tốt nhất của Công xã là đại biểu Đại hội V Quốc tế Cộng sản, đại diện của xứ Đông Dương, đồng chí Nguyễn Ái Quốc”. Tác giả bài báo M.Vint cho biết Nguyễn Ái Quốc đã đến thăm, rồi gửi thư, bưu thiếp cho họ và lịch sự yêu cầu gửi bức ảnh chụp chung cho anh. Các nữ đoàn viên Công xã rất hay nhớ và nói chuyện về chàng trai da rám nắng, người con nhiệt thành của xứ Đông Dương thuộc địa.

Nguyễn Ái Quốc và các đoàn viên công xã Leninsky Zakal ảnh 3 Nguyễn Ái Quốc (hàng đầu bên phải) cùng các chiến sĩ Cách mạng quốc tế dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V

Bức ảnh chụp kỷ niệm của các đoàn viên Công xã Leninsky Zakal và Nguyễn Ái Quốc tại đã được in trang trọng, cỡ lớn ở giữa trang tạp chí SMENA. Trong ảnh, Người mặc áo sơ mi trắng, thắt cà-vạt, xung quanh là những đoàn viên Xô viết tiên phong xây dựng nếp sống mới. Có lẽ đây là bức ảnh hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, về đời thường của người cộng sản Nguyễn Ái Quốc trong năm 1924,  được in trên báo chí Liên Xô.

Tác giả bài báo cho biết Công xã Leninsky Zakal được thành lập “vào tháng đầu tiên của mùa thu Moskva”, vào trung tuần tháng Chín theo sáng kiến của Chi bộ và Chi đoàn nhà máy Bauman. Có thể giả định, thời điểm chụp bức ảnh này là vào đầu tháng Mười năm 1924, chỉ đôi ba tuần trước khi Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô để bước vào thời kỳ hoạt động mới. Đó là về Quảng Châu để mở các lớp huấn luyện chính trị cho lớp thanh niên ưu tú của Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.