Nguy hiểm khi bị thiếu máu cơ tim

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Đó là một cách gọi bóng bẩy về bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim. Bệnh này xảy ra khi lưu lượng máu mang ôxy đi tới cơ tim bị cản trở do mạch vành tim bị nghẽn tắc một phần hay toàn bộ và làm cho tim không được cung cấp đủ ôxy.

Dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu cơ tim

Sự nghẽn tắc mạch vành đột ngột hay nghiêm trọng làm gián đoạn một phần hay toàn bộ dòng máu mang ôxy đi tới vùng cơ tim, gây tổn thương vĩnh viễn cho vùng cơ tim đó đến mức tạo thành sẹo. Vết thương này sẽ nghiem trọng hơn khi vận động thể chất quá đà hay khi có những căng thẳng về tâm lý (stress).

Bệnh này thường gặp ở người cao tuổi. Một số có triệu chứng đau ngực kéo dài từ 2-20 phút nhưng một số khác không thể hiện triệu chứng gì. Trên điện tâm đồ có thể thấy biểu hiện của thiếu máu cục bộ cơ tim nhưng người bệnh hoàn toàn không thấy đau ngực và chủ quan không lo điều trị. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và tử vong đột ngột.

Phụ nữ càng nên lưu ý hơn vì nhồi máu cơ tim với họ thường diễn ra hoàn toàn lặng lẽ, và cùng lắm chỉ cảm thấy đau nhẹ chứ không đau dữ dội như vẫn thấy ở nam, nên dễ bị chẩn đoán nhầm là “đau thượng vị,” đến khi biết thì đã muộn.

Cảnh giác với cơn đau thắt ngực

Cơn đau thắt ngực có thể là dấu hiệu cảnh báo của một một nguyên nhân nghiêm trọng hơn và bệnh nhân không nên xem nhẹ, nhất là khi cơn đau ấy ngày càng nặng hơn và có xu hướng xảy ra thường xuyên. Trong trường hợp này cần gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch càng sớm càng tốt.

Tần suất cơn đau thắt ngực rất thay đổi, có thể vài tuần, vài tháng một lần nhưng nếu nặng hơn là vài lần trong một ngày. Mỗi cơn đau thường chỉ kéo dài vài giây đến vài phút, ít khi quá 5 phút. Khi cơn đau thắt ngực kéo dài quá 15-20 phút phải nghĩ đến nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra ở một động mạch đã bị hẹp sẵn do xơ vữa mạch máu hoặc khi cục máu đông vỡ ra và di chuyển tới các động mạch khác. Thiếu máu cục bộ cơ tim cũng có thể gây rối loạn nhịp tim nặng đến mức ngất xỉu, thậm chí đột tử.

Những ai có nguy cơ mắc?

Những người có các yếu tố sau đây sẽ dễ bị thiếu máu cục bộ cơ tim: Trong gia đình có người bị thiếu máu cục bộ cơ tim, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, ít vận động, sống trong môi trường dễ bị stress...

Xét nghiệm nào giúp phát hiện sớm?

- Ghi điện tâm đồ lúc nghỉ ngơi, ghi điện tâm đồ suốt 24h, ghi điện tâm đồ sau gắng sức (thường là sau đạp xe đạp).

- Siêu âm tim có dùng thuốc hỗ trợ.

- Chụp cắt lớp: Dùng tia X với sự hỗ trợ của kỹ thuật vi tính, cho hình ảnh chi tiết một vùng cơ thể.

- Đo nồng độ protein albumin, một test mới được FDA để phân biệt cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.

Phòng ngừa thiếu máu cơ tim

- Giảm hoặc bỏ hẳn thuốc lá.

- Điều trị rối loạn mỡ trong máu, giữ LDL-c (cholesterol xấu) ở mức dưới 100mg%.

- Kiểm soát tốt huyết áp ở những bệnh nhân bị cao huyết áp.

- Vai trò của thể dục cũng góp phần khá quan trọng.

- Thay đổi môi trường sống, nghỉ ngơi nhiều, tránh gắng sức, xúc động, căng thẳng…

Điều trị thiếu máu cơ tim

- Để giảm cơn đau: Nằm nghỉ trong những trường hợp cơn đau nhẹ. Hoặc có thể ngậm thuốc điều trị đặc hiệu dưới lưỡi sau vài phút để làm giảm cơn đau ngực.

- Thuốc điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim (do bác sĩ chỉ định), gồm: Nhóm nitrate, nhóm ức chế thụ thể bêta, nhóm ức chế canxi, nhóm ức chế kết tụ tiểu cầu như Aspirin…

- Người bệnh cần luôn mang theo bên người một trong bốn dạng nitrate tác dụng nhanh.

- Khi có cơn đau thắt ngực dùng ngay một trong các loại thuốc tác dụng nhanh nêu trên và liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc trung tâm cấp cứu gần nhất.

- Điều trị bằng phẫu thuật tái tạo hay nong động mạch vành.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG