Bàn về vấn đề này, PGS.TS Phan Thị Sửu - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết: “Quy trình sản xuất nước đóng bình để đảm bảo chất lượng phải qua các bước: Nước thô được lọc qua than hoạt tính để khử mùi, sau đó trao đổi ion khử các loại khoáng, lọc ngược để khử các vi sinh vật. Và qua hệ thống đóng chai phải là một môi trường rất vô trùng, có tia cực tím để chống vi sinh vật. Vì vậy, nếu để làm đúng các quy trình trên thì nước đóng bình đến tay người tiêu dùng không thể có giá rẻ đến như thế.”
Tuy nhiên, do các loại nước giếng khoan không được hệ thống xử lý kỹ càng sẽ dễ dàng có sự xuất hiện của vi khuẩn E. Coli gây tiêu chảy, viêm đường ruột... Những kim loại nặng như chì, thủy ngân rất độc hại, khi sử dụng lâu ngày và tích lũy trong cơ thể có khả năng gây bệnh ung thư. Các cặn đồng, sắt trong quá trình sản xuất, do máy móc thiết bị thô sơ, cũ kỹ để lại trong nước là điều khó tránh khỏi tại những cơ sở được trang bị sơ sài.
BS. Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng - Viện Vệ sinh Y tế Công cộng Tp.HCM khuyến cáo, trước việc nước đóng bình bán tràn lan thiếu kiểm soát, người tiêu dùng cần sử dụng các thương hiệu nước đóng chai, đóng bình đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đúng theo tiêu chuẩn yêu cầu của Bộ Y tế.
Các chuyên gia cho rằng, khi uống trực tiếp những loại nước đóng bình kém chất lượng người dùng sẽ nhiễm các kim loại nặng, vi sinh vật, thậm chí là có cả những sinh vật mủ xanh.
Để tránh uống phải nước đóng bình kém chất lượng dễ phát sinh bệnh tật, theo các chuyên gia, thay vì dùng các loại nước đóng bình không đảm bảo chất lượng người dân nên dùng nước máy đạt tiêu chuẩn rồi đun sôi. Cách làm này vừa giảm bớt chi phí vừa đảm bảo sức khỏe.