Sợ dân hoang mang, nhân viên y tế ngại
Trao đổi tại cuộc họp, ông Masaya Kato, Điều phối kiểm soát bệnh truyền nhiễm của WHO nhận định nguyên nhân dịch virus Ebola lây lan VN thấp là do: “Bệnh lây qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người, động vật mắc bệnh, không lây qua đường hô hấp. VN chưa ghi nhận ca bệnh nên nguy cơ lây lan tràn bệnh là rất thấp vì chưa có nguồn xác định. Ngoài ra ngành y tế VN đã có kế hoạch chuẩn bị ứng phó dịch rất tốt nên hạn chế được nguy cơ”.
Theo ông Kato, có hai cách lây truyền virus Ebola. Thứ nhất là lây trực tiếp qua tiếp xúc với người nhiễm virus có triệu chứng, người mắc bệnh tử vong, động vật nhiễm virus. Thứ hai là lây gián tiếp qua tiếp xúc với dịch xét nghiệm, nước mắt, nước tiểu, máu vướng ra môi trường, bàn, giường chiếu, quần áo...
Đường lây truyền virus của trẻ cũng tương tự như người lớn. Ngoài ra, virus cũng có thể lây qua đường sữa mẹ, nếu người mẹ bị bệnh. Đại diện WHO cũng nhấn mạnh, hiện tại không có vắc-xin hay phương pháp điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị hỗ trợ, triệu chứng. Các nhà khoa học trên thế giới đang nỗ lực nghiên cứu vắc-xin phòng bệnh nhưng rất khó trả lời thời điểm nào sẽ có vắc-xin vì để sản xuất cần qua rất nhiều công đoạn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về việc ngành y tế lo ngại nhất điều gì trong vụ dịch này, TS Trần Đắc Phu cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm khiến WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, Bộ Y tế VN lo ngại dịch Ebola trở thành dịch bệnh lưu hành tại VN nếu có ca bệnh, giống như tại các nước Châu phi hiện nay.
Trước đây, VN không có bệnh tay chân miệng, nhưng từ năm 2000 khi bệnh vào VN đã trở thành bệnh lưu hành hằng năm gây chết nhiều người. Ngoài ra các dịch bệnh mới nổi biến đổi gene không lường trước được nên càng hạn chế được dịch bệnh càng tốt”.
Cùng câu hỏi TS Phu bày tỏ băn khoăn: “Chúng tôi lo ngại tâm lý người dân dễ hoang mang trước dịch bệnh, nếu không tuyên truyền tốt sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Cùng với đó là tâm lý của nhân viên y tế trước dịch bệnh, nếu cán bộ y tế không tham gia điều trị như đã xảy ra tại châu Phi thì rất đáng lo ngại. Tuy nhiên điều này khó xảy ra tại VN nhưng ngành y tế vẫn cần cảnh giác”.
Về vấn đề xét nghiệm đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho biết, các trung tâm xét nghiệm chuẩn thức của WHO trên thế giới đã nỗ lực hỗ trợ các nước trong lĩnh vực này.
Đối với các quốc gia có hệ thống xét nghiệm theo tiêu chuẩn tương đối cao, bao gồm cả VN, WHO sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật bất hoạt virus để có thể tiến hành các xét nghiệm sinh học phân tử tiếp theo. WHO cũng lưu ý VN về vấn đề an toàn và bày tỏ hy vọng VN có thể đạt được kết quả tốt trong lĩnh vực xét nghiệm.
Khó chẩn bệnh Ebola qua đo thân nhiệt
Dù cơ quan chức năng sẽ cách ly hành khách nhiệt độ cao trên 38 độ C khi đi qua máy đo thân nhiệt tại cửa khẩu sân bay nhưng bác sĩ Nguyễn Văn Sáu- giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế TPHCM cho rằng, thân nhiệt cao chỉ là yếu tố cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh, có rất nhiều loại bệnh làm tăng thân nhiệt.
Vì vậy theo ông, việc giám sát thân nhiệt tại sân bay không thể chỉ rõ được trường hợp mắc Ebola, muốn kết luận bệnh cần phải có các kiểm tra, xét nghiệm chuyên sâu tại các cơ sở y tế.
Tại buổi kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch Ebola tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TPHCM ngày 12/8, bác sĩ Sáu cho biết, hiện có 4 máy giám sát thân nhiệt, trong đó 2 máy được sử dụng liên tục và 2 máy dự phòng.
“Nhiều ngày qua toàn bộ nhân viên y tế của sân bay đã được huy động thực hiện giám sát liên tục 24/24 về thân nhiệt và sức khỏe của tất cả các hành khách đến từ chuyến bay quốc tế”- bác sĩ Sáu cho biết.
Theo ông, để chặn dịch từ cửa khẩu hiện những hành khách đến từ các quốc gia khu vực Tây Phi như: Guinea, Liberia, Sierra Leone,… đang có dịch Ebola, an ninh sân bay sẽ phân luồng để giám sát đặc biệt bằng cách kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế. Khi có xác nhận kiểm dịch của nhân viên y tế những hành khách này mới được nhập cảnh vào VN.
Ông Nguyễn Hữu Hưng- Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết đã đề nghị Cảng vụ hàng không Tân Sơn Nhất yêu cầu các hãng hàng không phối hợp chặt chẽ với kiểm dịch y tế trong khai báo y tế, thông tin về tình hình dịch bệnh và tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm đến các hành khách.
Theo ông Hưng hiện các poster tuyên truyền cũng đã được đặt tại nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất. Sở Y tế đã có công văn khẩn gửi các cơ sở y tế triển khai phương án dự phòng và sẵn sàng ứng phó với dịch Ebola.
Theo đó, BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM là nơi thu dung, tiếp nhận và điều trị những trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm Ebola. Ngoài ra, BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 phối hợp với BV Bệnh Nhiệt đới tập huấn các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn TP về chẩn đoán, phát hiện sớm, cách ly, điều trị, chuyển viện và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.
Virus Ebola tương tự như virus HIV rất dễ chết sau khi ra khỏi cơ thể con người, nhưng nghiên cứu nó có khả năng sống khoảng 1 tuần trong môi trường bên ngoài. Từ tháng 12/2013 đến nay dịch Ebola đã bùng phát trở lại tại 4 nước: Nigeria, Guinea, Liberia và Sierra Leone. Tính đến ngày 12/8, đã ghi nhận 1.848 ca mắc, 1.031 người tử vong. WHO đánh giá đây là vụ dịch lớn nhất trong lịch sử gần 40 năm qua, dịch lan truyền nhanh.