Nguy cơ lạm phát hiện hữu dù sức mua yếu

0:00 / 0:00
0:00
Siêu thị, trung tâm thương mại vắng khách cho thấy sức mua của dân yếuẢnh: Như Ý
Siêu thị, trung tâm thương mại vắng khách cho thấy sức mua của dân yếuẢnh: Như Ý
TP - Thời gian qua, giá xăng dầu, gas liên tục tăng cao khiến nhiều loại hàng hoá, dịch vụ tăng. Cuộc sống của người dân giai đoạn “bình thường mới” hậu làn sóng COVID -19 lần thứ tư đang ít nhiều bị ảnh hưởng, đặc biệt là những người có mức thu nhập bấp bênh. Bên cạnh đó, sức mua của toàn xã hội đang giảm đáng kể.

Ăn theo xăng dầu, nhiều mặt hàng tăng giá

Ghi nhận tại các chợ truyền thống khu vực Hà Nội, giá nhiều loại hàng hoá thiết yếu, thực phẩm đã và đang âm thầm tăng. Về rau xanh, hoa quả, mức tăng có khi chỉ vài nghìn đồng/kg, nhưng quy đổi tương ứng mức tăng lên đến 10-30%. Rau xanh sau thời gian tăng giá vì ảnh hưởng của thời tiết, giao vụ, đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Rau muống, cải ngọt, cải thìa 20.000 - 25.000 đồng/mớ; hành lá 30.000 đồng/kg; súp lơ, bắp cải 25.000 - 30.000 đồng/cái. Mức tăng của các loại rau này đều quanh mức 5.000 đồng so với thời điểm bình ổn trước đó.

Chị Thuý Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mỗi bữa ăn chị và nhiều bà nội trợ vẫn cảm nhận rõ việc thực phẩm, hàng hoá tăng giá. “Cùng số tiền ấy, nhưng lượng rau mua được ít hơn, chanh, ớt, xả, rau gia vị các loại cũng đắt hơn”, chị Hoa nói.

Còn các tiểu thương cũng trong tình cảnh không mấy vui vẻ gì với việc hàng hoá, thực phẩm liên tục tăng giá, thậm chí họ còn lo lắng vì khách hàng thắt chặt chi tiêu. Gần 3 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán, nhưng chị Phạm Ngân (kinh doanh tạp hoá) cho biết, một số mặt hàng như thuốc lá, bánh kẹo, bia… đã rục rịch tăng giá. “Nếu không lấy hàng sớm, càng cận Tết giá càng đắt, nhưng lấy sớm thì lo dịch bệnh, sức mua yếu. Năm ngoái không cẩn thận, tôi bị tồn kho khoảng 150 triệu tiền hàng, năm nay chắc chỉ nhập non nửa số hàng so với mọi năm”, chị Ngân nói.

Giá xăng, dầu tăng cao cũng gián tiếp tác động lên giá cả hàng hoá, khi nhiều doanh nghiệp vận tải hiện đã tăng 5-10% giá cước. Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Minh Hải cho biết, công ty vừa gửi báo giá tăng cước 10% tới khách hàng. “Hai năm vừa qua, doanh nghiệp vận tải chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, phải điều chỉnh lại quy mô, tiết giảm bộ máy, giảm chi phí nhưng tới nay doanh nghiệp càng khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao. Giá các mặt hàng liên quan vận tải như lốp xe, săm xe, nhớt, mỡ tăng từ 20 đến 30%. Ngoài ra, lương trả cho người lao động buộc phải tăng, vì dịch bệnh tài xế nghỉ hàng loạt”, ông Hải nói.

Cảnh báo về nhập khẩu, áp lực gây lạm phát

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, sức mua, khả năng thanh toán trong dân đã suy giảm liên tục trong những tháng qua, khi có lúc giá hàng hoá tăng vọt đến 2-3 lần so với trước khi dịch bùng phát. Theo Tổng Cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đã giảm liên tục từ tháng 7 đến tháng 10, giảm mạnh so với tăng trưởng bình quân những năm trước 2019.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, giá cả hàng hoá và lạm phát toàn cầu đang nóng lên. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng CPI 10 tháng đầu năm 2021 ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm, song xu hướng lạm phát toàn cầu (dự báo ở mức 3,2% năm 2021 và 3,3% năm 2022 so với mức 2% năm 2020) đã và đang đặt ra nhiều băn khoăn về áp lực lạm phát đối với Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022.

Hiện nay các doanh nghiệp vận tải chịu nhiều áp lực, dù mới chỉ hoạt động khoảng 50% công suất. Riêng với những doanh nghiệp có nhiều khách hàng quen, công suất cũng chỉ đạt tối đa 70%. “Doanh nghiệp của tôi, trong số 40 xe vẫn có đến 4 xe nằm đắp chiếu, vì không tìm được tài xế trong bối cảnh dịch như hiện nay. Xe nằm im vẫn phải chịu đủ các loại chi phí như bảo trì, bảo dưỡng...”.

Sức mua yếu

Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, từ đợt dịch trước, sức mua của người tiêu dùng đã giảm đáng kể. Đến thời điểm này, khách đến siêu thị thưa thớt, kể cả những ngày cuối tuần chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Bên cạnh đó, khách hàng chuyển qua mua online nhưng khá nhiều đơn hàng giá trị nhỏ như mớ rau, vài lạng thịt. Người tiêu dùng chi tiêu có chọn lọc hơn.

“Theo tôi có thể người dân bây giờ tích lũy để tiêu dùng vào đợt Tết sắp tới. Sau những đợt dịch, khách hàng ngày càng tiết kiệm, bởi dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Thay vì mua sắm tràn lan khi đi siêu thị là thú vui của nhiều gia đình trước đây, nay người dân thắt chặt chi tiêu, mua bán tính toán từng đồng”, bà Dung nói.

Hiện, các mặt hàng trong siêu thị đều tăng giá 5-10%, các nhà cung cấp đồng loạt điều chỉnh giá sau khi giá xăng tăng mạnh trong thời gian qua. Bà Dung bày tỏ lo lắng về diễn biến giá hàng hoá những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.

Còn đại diện Central Retail Việt Nam (doanh nghiệp sở hữu chuỗi bán lẻ Big C, Go, Top Market) cho biết, áp lực tăng giá đang khiến các nhà bán lẻ phải nỗ lực hơn rất nhiều mới cho ra được chương trình khuyến mãi cuối năm.

MỚI - NÓNG