Nguy cơ doanh nghiệp phá sản vì cảnh sát môi trường

Nguy cơ doanh nghiệp phá sản vì cảnh sát môi trường
TP - Hoạt động điều tra bất thường của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Bình Phước khiến doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

> Cảnh sát môi trường Bình Phước có lạm quyền?

Ngừng giải ngân, đe dọa cắt hợp đồng

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Đồng Phú cho biết, Công ty CP chăn nuôi Bình Phước (viết tắt là Công ty Bình Phước) vay Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Đồng Phú 120 tỷ đồng để đầu tư dự án trang trại chăn nuôi heo tại Tân Lập. Đến nay, ngân hàng đã giải ngân 118 tỷ và chỉ giải ngân 2 tỷ đồng nữa là hết khoản vay. Theo kế hoạch, 2 tỷ đồng này chủ đầu tư dùng mua bạt để lót hồ xử lý nước thải.

“Mặc dù Công ty Bình Phước sử dụng vốn vay rất đúng mục đích, hiệu quả và thực hiện nghĩa vụ trả nợ rất tốt. Tuy nhiên, chúng tôi buộc phải ngưng giải ngân số tiền kể trên, vì việc điều tra của công an tỉnh Bình Phước vừa qua. Chúng tôi chỉ có thể tiếp tục giải ngân hoặc cho công ty vay khoản mới khi có kết luận điều tra rõ ràng của Công an tỉnh Bình Phước”- ông Dũng nói.

Trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Bình Phước. Ảnh: Đại Dương
Trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Bình Phước. Ảnh: Đại Dương.

Việc điều tra kể trên đã gây hoang mang cho các đối tác và khách hàng của Công ty Bình Phước. Theo ông Nguyễn Như Hoàng – Phó Tổng giám đốc Công ty Bình Phước, đối tác của Công ty Bình Phước là Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, dọa sẽ cắt hợp đồng đã ký trị giá 432 tỷ đồng, thực hiện trong 15 năm nếu tình trạng “quấy nhiễu” vô cớ của cảnh sát môi trường Bình Phước tiếp tục kéo dài. Nếu bị cắt hợp đồng thì dự án trại chăn nuôi heo với vốn đầu tư 170 tỷ đồng của Công ty Bình Phước sẽ phải đóng cửa và không thể trả nợ vay ngân hàng.

Việc điều tra bất thường của PC 49 Công an tỉnh Bình Phước còn gây thiệt hại cho các đơn vị thành viên của Công ty Bình Phước. Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng đe dọa cắt hợp đồng nuôi gia công (thời hạn 15 năm, trị giá 255 tỷ đồng) đối với trại gà đẻ trứng 320.000 con. Hợp đồng chăn nuôi gà thịt thời hạn 15 năm trị giá 262,5 tỷ đồng đã ký với Công ty Emivest (Malaysia) cũng có nguy cơ bị hủy. Cả hai trại gà này đều do Công ty Hùng Nhơn (công ty thành viên của Công ty Bình Phước) đầu tư xây dựng với tổng vốn trên 177 tỷ đồng.

Ngoài ra, các hợp đồng về sản xuất phân bón trị giá 40 tỷ đồng của Công ty Hùng Nhơn cũng bị tê liệt. Dự án trồng và chăm sóc cao su trị giá gần 140 tỷ đồng cũng bị ảnh hưởng. Hợp đồng mua đất làm nhà cho cán bộ công nhân viên trị giá 200 triệu đồng bị hủy, dù Công ty Hùng Nhơn đã đặt cọc…

Theo tính toán của ông Nguyễn Như Hoàng, tổng thiệt hại của các công ty lên đến trên 1.400 tỷ đồng; gây thiệt hại gần 95 tỷ đồng thuế VAT của nhà nước. Hệ lụy nghiêm trọng nữa là hơn 500 lao động của các công ty thành viên của Công ty Bình Phước có nguy cơ mất việc làm. Nhiều thiệt hại khác chưa thống kê đầy đủ được, uy tín của Công ty Bình Phước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cổ đông tháo chạy...

Chủ tịch HĐTV Bình Phước cho biết, việc Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường công an Bình Phước điều tra đã khiến các cổ đông mệt mỏi và dồn dập xin rút vốn khỏi công ty. Tính đến chiều 15/7, có 4 cổ đông xin rút vốn với tổng số tiền 20 tỷ đồng.

Đơn xin rút vốn của một trong những cổ đông lớn của Cty CP Bình Phước
Đơn xin rút vốn của một trong những cổ đông lớn của Cty CP Bình Phước.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến là một trong những người xin rút vốn. Bà nói: “Công ty làm ăn tốt, không có gì sai, nhưng việc điều tra lạm quyền của công an môi trường khiến tôi bị ảnh hưởng uy tín nặng nề, tôi quá mệt mỏi nên muốn xin rút vốn để thoát khỏi tình trạng này”.

Bà Yến cũng cho hay, bà bắt đầu góp vốn đầu tư vào công ty từ năm 2009. Những năm qua, vì muốn đẩy nhanh khấu hao vốn đầu tư và tập trung cho kế hoạch phát triển sau này nên các cổ đông thống nhất không chia cổ tức. Nếu không có gì xảy ra, chỉ trong một thời gian không lâu nữa, Công ty Bình Phước kinh doanh với lợi nhuận cao và sẽ chia cổ tức, lúc đó cổ đông góp vốn sẽ có nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, vì không thể chịu đựng thêm nên bà quyết định rút vốn trong sự nuối tiếc. “Tôi chỉ cần rút vốn chứ không cần lãi”- bà Yến nói. Các cổ đông xin rút vốn khác cũng trong tâm trạng tương tự.

Cũng theo Chủ tịch HĐTV Công ty Bình Phước, nhiều người đã nộp đơn xin rút vốn lần thứ ba. Theo luật định, trong vòng 2 tháng, Hội đồng thành viên phải giải quyết nguyện vọng rút vốn của các cổ đông. Trong khi công ty đang gặp rất nhiều khó khăn do việc điều tra của PC 49 thì việc rút vốn này đã đẩy công ty lún sâu vào tình trạng khó khăn.

Xin lỗi doanh nghiệp

Tại buổi đối thoại của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước với các đại diện doanh nghiệp trong tỉnh diễn ra ngày 24/5/2013, ông Vũ Mạnh Hùng-Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước cho biết: Trong hai năm qua, nhiều doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra liên quan các dự án chuyển đổi rừng trồng, chăn nuôi... của nhiều cơ quan trong tỉnh. Một số doanh nghiệp bị thanh tra nhiều lần, cùng một nội dung nhưng nhiều cơ quan thanh tra khác nhau thực hiện.

Những đợt thanh tra kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy tín doanh nghiệp. Có những dự án bị thanh tra từ tháng 6/2011 đến tháng 5/2013 vẫn chưa xong. Cùng một thời điểm, doanh nghiệp bị hai đơn vị thanh tra. Có khi một tháng, doanh nghiệp phải tiếp cả chục đoàn thanh kiểm tra.

Có doanh nghiệp tư nhân không sử dụng vốn ngân sách vẫn bị kiểm tra tài chính. Có doanh nghiệp khi được giao rừng nhưng cơ quan chức năng không giao trên thực địa rồi đòi khởi tố họ vì tội để mất rừng, rồi thanh tra, kiểm tra gây hoang mang cho doanh nghiệp...

Trước những bức xúc của chủ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Tòng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước phải đứng lên xin lỗi về những phiền hà, rắc rối do cơ quan chức năng tỉnh này gây ra cho doanh nghiệp. “Tôi thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước xin lỗi các doanh nghiệp đang kinh doanh trên địa bàn tỉnh vì những khó khăn, vướng mắc mà tỉnh chưa tháo gỡ trong thời gian qua” - ông Tòng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG