Nguy cơ điều kiện kinh doanh 'mọc' trở lại

Dù tới 7 hiệp hội đồng loạt ký đơn “kêu cứu” Thủ tướng nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng về quy định về muối i-ốt trong chế biến thực phẩm. Ảnh: Bình Phương.
Dù tới 7 hiệp hội đồng loạt ký đơn “kêu cứu” Thủ tướng nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng về quy định về muối i-ốt trong chế biến thực phẩm. Ảnh: Bình Phương.
TP - “Có lẽ thể chế của chúng ta không chỉ có văn bản pháp luật. Thay đổi quan trọng nhất chính là cách quản lý của các bộ, cứ xử lý vấn đề vi mô là ngoằng thêm một câu có chuyện cấp phép trong đó…”- ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam, chia sẻ như vậy tại hội thảo “Ðiểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 31/7.

Trần ai DN đòi “công lý”

Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam cho biết, ông vẫn ám ảnh với Nghị định 60 (năm 2014) về quản lý ngành in, do Bộ TT&TT chủ trì soạn thảo. Dù đấu tranh tới gần 4 năm, đã được thay thế bằng nghị định mới (nghị định 25 tháng 2/2018)  nhưng nay ông vẫn chuẩn bị tới 11 trang giấy viết tay góp ý tại hội thảo, vì cho rằng nghị định mới chỉ “cởi trói” khoảng 50%.

Theo ông Dòng, ngành in mỗi năm doanh thu khoảng 5 tỷ USD, dù khiêm tốn so với các ngành khác, nhưng thủ tục “rối rắm” không thua kém lĩnh vực nào. Ông nói: “Thậm chí trong một hội thảo, chúng tôi có lúc tranh luận cởi mở, đến mức đại diện cơ quan quản lý nhà nước không thèm ăn cơm trưa với chúng tôi, vì “đắng quá”.

Chủ tịch Hiệp hội in cho rằng, Nghị định 25 vẫn quy định tiêu chuẩn thành lập DN in cực kỳ rườm rà, trong đó quy định chi tiết máy móc thế nào, mặt bằng ở đâu, điều kiện phòng cháy, môi trường… Nghị định còn yêu cầu, chủ DN phải tốt nghiệp cao đẳng ngành in trở lên hoặc thông qua lớp quản lý của Bộ TT&TT phổ biến…

Với bà Trần Hoàng Yến, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) thì bất cập “nằm” trong quy định sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm. Theo bà Yến, dù kiến nghị hàng năm trời, 7 hiệp hội đồng loạt “kêu cứu” lên Thủ tướng nhưng Bộ Y tế vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Bà Yến đơn cử: Nghị định 09/2016 chỉ bắt buộc bổ sung muối i-ốt vào muối ăn trực tiếp và muối sử dụng trong chế biến thực phẩm… và không yêu cầu phải sử dụng muối có chứa i-ốt tại các nhà máy chế biến thực phẩm, cũng như không yêu cầu kiểm soát hàm lượng muối i-ốt trong thành phần thực phẩm.

Tuy nhiên, dẫn văn bản số 1216 (14/3/2017) của Bộ Y tế, bà Yến cho biết, bộ này yêu cầu: “Các DN sử dụng muối trong chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải dùng muối có i-ốt”.

“Cần hiểu rằng, sử dụng muối i-ốt không phải lúc nào cũng tốt, vì nó có thể làm thay đổi màu sắc thực phẩm. Trong quá trình chế biến, ở nhiệt độ cao i-ốt có thể bay hơi, nên cũng không có tác dụng… Chưa kể, khi xuất khẩu sang một số thị trường, họ  không chấp nhận sản phẩm chứa i-ốt như Úc, Nhật… Trong khi, nếu DN không dùng lại vi phạm quy định của Việt Nam. Đây là quy định tréo ngoe”- bà Yến phân tích.

Theo bà Yến, vấn đề trên đã được trình bày với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tổ công tác của Thủ tướng… Cuối tháng 10/2017,  Bộ Y tế lại có văn bản quy định “chỉ kiểm tra các DN sản xuất muối i-ốt, không kiểm tra các DN sản xuất thực phẩm có muối i-ốt”. Tuy nhiên, văn bản này cũng không nói rõ việc không bắt buộc các DN sản xuất thực phẩm phải sử dụng muối i-ốt hay không. “Bản chất vấn đề không thay đổi”- bà Yến nói.

Nhắc đến vấn đề muối i-ốt, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam (nguyên cục trưởng ATTP- Bộ Y tế) cũng thốt lên: “Có lẽ thể chế của chúng ta không chỉ có văn bản pháp luật. Thay đổi quan trọng nhất chính là cách quản lý của các bộ, cứ xử lý vấn đề vi mô là ngoằng thêm một câu có chuyện cấp phép trong đó rồi phải xin qua các anh duyệt… Tôi cũng từng làm Cục trưởng nên biết”.

Ðiều kiện mới “mọc” tinh vi hơn

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM), đọc “nguyên con” điều 4, Nghị định 49 về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp mới ban hành mấy tháng nay và nói vui: “Cái tôi nói không phải là chuyện cười mà trong nghị định thưa quý vị”.

Theo quy định này, điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp, DN có tới 5 điều kiện: Có trụ sở ổn định trong thời gian 2 năm, phải có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu là 8 m2/người, có đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định, có trang thông tin điện tử…“Điều quan trọng là nghị định này mới ban hành trong giai đoạn cắt bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD), nhưng trong đó ĐKKD tiếp tục mọc trở lại”- ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, năng lực làm chính sách ở cán bộ ở các bộ là không có, họ có thể thiếu hoàn toàn về phần kinh tế thị trường. “Kỹ năng nhiều người giỏi nhất là copy ở các văn bản tương tự. Khi được giao nhiệm vụ, họ nói rằng, muốn quản lý cái này, để tránh phải suy nghĩ nhiều, thấy các bộ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thì bộ mình cũng cấp”- ông Hiếu lý giải thêm.

Lãnh đạo CIEM cũng cho rằng, với tình trạng cán bộ như trên, ở đây không chỉ đặt vấn đề tinh giản biên chế, mà phải thay thế cán bộ. “Cùng đó là đào tạo cán bộ theo phương pháp mới. Đầu tư cho làm chính sách chính là đầu tư cho pháp triển”- ông Hiếu nói.

Còn Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Cty Luật Basico cho rằng, quá tình cắt giảm ĐKKD ở các bộ, ngành đang bộc lộ tính “phong trào, hô hào”, bởi nghe thì “rầm rộ”, nhưng thực tế là từ từ, ngắc ngứ và tốc độ quá chậm, chưa được một nửa yêu cầu.

Ông lấy ví dụ, Nghị định 22 về kinh doanh khí năm 2016, phát hiện “sai lè lè”, trái với Luật Đầu tư, Kinh doanh, thậm chí cả Hiến pháp, nhưng DN đấu tranh mãi, đến năm 2018 Bộ Công Thương mới chịu sửa đổi. “Đúng là có khen, nhưng khen 1 mà trách 10”- ông Đức nói.

Ông Đức cũng chỉ ra, Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo, tới 8 năm trời “hãm hại” nhiều thương nhân trong ngành. “Thế nhưng, nghị định dù đã được sửa đổi, trình hơn một năm nay, mà hiện không thấy tăm hơi. Như thế thì thời gian sửa sai, đôi khi còn cao hơn tuổi thọ của DN”- ông Đức nói. 

“Bên cạnh việc rà soát, cắt giảm, cần ngăn chặn ngay sự  “trỗi dậy” của các ÐKKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành dưới hình thức khác. Những năm qua, có nhiều chiến dịch cắt giảm giấy phép con, nhưng sau đó, lơ là thì giấy phép con đã quay trở lại với nhiều hình thức tinh vi hơn”.  

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

MỚI - NÓNG