Không lây từ người sang người
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cho biết, virus gây bệnh không giống với bất cứ tác nhân, virus nào trong y văn có gây bệnh viêm phổi. Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Thông tin mới nhất cho thấy, đến nay, tại Vũ Hán đã ghi nhận 59 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân, trong đó có 7 trường hợp nặng, 2 trường hợp đã hồi phục hoàn toàn, các trường hợp khác trong tình trạng ổn định, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, nhiều trường hợp có liên quan đến chợ hải sản lớn nhất tại Vũ Hán. Kết quả điều tra cho thấy chưa có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người và cũng chưa ghi nhận trường hợp cán bộ y tế nào nhiễm bệnh.
Theo WHO, cần thêm thông tin toàn diện hơn để xác định chính xác loại mầm bệnh gây ra dịch trên, và cho rằng một biến thể mới của virus corona có thể là nguyên nhân. WHO thông báo: “Những thông tin ban đầu về các trường hợp bệnh phổi ở Vũ Hán… đã cho thấy virus corona có thể là mầm bệnh gây ra căn bệnh này”. Theo WHO, chưa thấy mối liên hệ nào giữa bệnh viêm phổi cấp này và virus gây cúm gia cầm. Do đó, WHO khẳng định, chưa có bằng chứng loại virus này lây từ người sang người.
TS Cường cho biết, virus corona có cùng họ với các chủng virus gây ra các bệnh nhiễm trùng khác nhau từ cảm cúm thông thường cho tới Hội chứng suy hô hấp cấp tính (SARS). Một số chủng virus gây bệnh nhẹ, một số chủng khác gây bệnh nặng như Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS). Các phân tích virus học cũng cho thấy bệnh viêm phổi lạ hoành hành ở Vũ Hán xảy ra ở những người sống tại khu vực chợ, liên quan việc buôn bán động vật, hải sản…
Ông Cường khuyến cáo, người dân không nên quá lo lắng trước căn bệnh viêm phổi này, vì bệnh không lây từ người sang người, tỷ lệ các ca bệnh nặng ở mức thấp. Theo TS Cường, trong vài tuần qua chỉ có hơn 50 người mắc bệnh là con số thấp, cho thấy mức độ lây lan của virus này không đáng sợ như SARS hay MERS.
Tuy nhiên, ông Cường cũng khuyên người dân không nên chủ quan, bởi phòng chống dịch bệnh nguy hiểm lây qua đường hô hấp luôn là vấn đề cấp thiết mà nhân loại phải đối mặt hằng năm. “Năm 2003, khi có dịch SARS, chúng tôi đã có kinh nghiệm, do vậy, đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó trong trường hợp dịch có thể lan rộng đến Việt Nam”, ông nói.
Nguy cơ bệnh xâm nhập Việt Nam
Trước diễn biến về tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp tại Hồ Bắc, Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đặt tại Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã tổ chức họp đánh giá tình hình dịch bệnh, rà soát các hoạt động đáp ứng và đề xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, các chuyên gia nhận định, dịp Tết sắp tới, giao lưu đi lại giữa các nước gia tăng, nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Các chuyên gia thống nhất đề xuất thực hiện một số hoạt động để ứng phó tình hình dịch bệnh.
Cụ thể, phối hợp chặt chẽ với WHO, các tổ chức quốc tế theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin tình hình dịch bệnh; truyền thông tới người dân, cộng đồng và các đối tượng có nguy cơ về từ vùng dịch; chủ động phòng chống bệnh dịch mùa Đông Xuân theo các khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời, đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát viêm phổi nặng chưa rõ nguyên nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện và xử lý, không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Trên cơ sở các bản kế hoạch ứng phó dịch bệnh mới nổi như Ebola, MERS-CoV, xây dựng Kế hoạch dự phòng đáp ứng với dịch bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại Hồ Bắc theo từng tình huống cụ thể để sẵn sàng, chuẩn bị, đáp ứng với dịch bệnh.