Nguy cơ cháy nổ tại kho xưởng: Truy trách nhiệm người đứng đầu

0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt nhà xưởng “3 không” trên ở xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội
Hàng loạt nhà xưởng “3 không” trên ở xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội
TP - Theo đại diện Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội việc các nhà xưởng không đủ điều kiện PCCC đã được quy định trách nhiệm chính thuộc chủ tịch UBND cấp xã, phường.

Cận Tết Nguyên đán, các vụ cháy kho xưởng tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 30/12/2021, tại một cửa hàng gas thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm xảy ra cháy, ngọn lửa lan sang dãy kho vải bên cạnh, bùng phát dữ dội. Vụ việc gây thiệt hại cho hai kho vải hàng chục tỷ đồng, khiến nhiều bà con tiểu thương “mất Tết”, rất may không có thiệt hại về người.

Trước đó, 1 vụ cháy kho xưởng chứa cồn tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức đã thiêu rụi và làm sập gần 2.000m2 nhà xưởng, cùng tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng... Trước đó, nhà xưởng đã được Công an huyện Hoài Đức khuyến cáo khắc phục tồn tại trong an toàn PCCC, nhưng cơ sở này đã không chấp hành.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong trên nhiều địa bàn có quỹ đất rộng đang bị tận dụng xây dựng nhà xưởng có nhiều nhà xưởng “3 không”: không giấy phép, không đánh giá tác động môi trường, không được nghiệm thu PCCC.

Tại thôn Khoang Mái, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, rẽ vào từ đường gom Đại lộ Thăng Long khoảng 200m là gần 20 nhà xưởng san sát nhau như một cụm công nghiệp. Người dân tại đây cho biết, đa số nhà xưởng do người nơi khác mua lại rồi xây dựng. Từ khi các nhà xưởng hoạt động, đường sá ô nhiễm nghiêm trọng, an toàn cháy nổ không được đảm bảo khiến người dân luôn trong tình trạng lo lắng.

Tại khu vực ngoài đê các ngõ 95, 97 đường Gia Thượng, phường Thượng Thanh (quận Long Biên) cũng xuất hiện hàng loạt cơ sở sản xuất, tập kết vật liệu, ảnh hưởng đến hành lang đê. Ông Hưng (người dân tổ 18, phường Thượng Thanh) nói rằng, các nhà xưởng có hàng trăm công nhân làm việc ngày đêm. Tất cả đều được xây dựng trên đất nông nghiệp, không giấy phép, không phòng cháy chữa cháy. “Đặc biệt có những xưởng sản xuất sơn, sản xuất cồn, nếu xảy ra cháy nổ thì vô cùng nguy hiểm”, ông Hưng nói.

Tại phố Đại Linh, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), năm 2019 tại đây xảy ra vụ cháy nhà xưởng khiến 8 người chết. Đến nay, khu vực này vẫn tồn tại hàng chục nhà xưởng.

Quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương

Theo UBND xã Đồng Trúc, các nhà xưởng tại thôn Khoang Mái là do một số hộ dân chuyển nhượng đất cho người ngoài địa phương đến để xây dựng. UBND xã Đồng Trúc phối hợp Đội quản lý trật tự xây dựng huyện lập biên bản vi phạm, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính và đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế. Nhưng sau thời gian xử lý, nhà xưởng vẫn còn và hoạt động rầm rộ.

Ngày 20/12/2021, UBND quận Nam Từ Liêm có văn bản giao Phòng TN&MT kiểm tra, rà soát, chỉ đạo phường Trung Văn lập lập hồ sơ xử lý dứt điểm 4 cơ sở sản xuất, tái chế nhựa tại ngõ 1 và hẻm 28/8/41 phố Đại Linh. Tuy nhiên, đến thời điểm ghi nhận, các cơ sở sản xuất vẫn hoạt động công khai.

Một cán bộ UBND phường Thượng Thanh, quận Long Biên nói rằng, các nhà xưởng tại ngõ 95, 97 đường Gia Thượng đã được phân cấp trong phụ lục là do Công an phụ trách kiểm tra, xử lý. UBND phường chỉ phối hợp Công an rà soát, kiểm tra các dạng nhà vừa kết hợp kinh doanh và nhà ở.

Tuy nhiên, đại diện Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Cứu hộ cứu nạn, Công an thành phố Hà Nội khẳng định: “Để xảy ra cháy nổ tại các nhà xưởng là trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp xã, phường. Điều này đã được quy định rõ trong Nghị định 136/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy. Theo vị này, việc quy trách nhiệm, kết hợp giữa lực lượng Cảnh sát PCCC với chính quyền địa phương hiệu quả hơn trong ngăn chặn các cơ sở hoạt động. Bởi chính quyền địa phương có thể đề xuất về cắt điện, cắt nước, không cho công nhân làm “chui” bên trong nhà xưởng - việc trước đây chưa xử lý dứt điểm được.

Theo Công an thành phố Hà Nội, năm 2021, Thủ đô xảy ra 355 vụ cháy, trong đó có 8 vụ cháy lớn, 6 vụ cháy nghiêm trọng. Các vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản chủ yếu vẫn xảy ra ở kho, xưởng sản xuất (47/355 vụ, chiếm 13,2%). Nguyên nhân trực tiếp xảy ra cháy chủ yếu là do sự cố hệ thống, thiết bị điện (252/355 vụ, chiếm 71%).

MỚI - NÓNG